Toggle navigation
Người Việt du lịch nước ngoài rồi bỏ trốn: Ngăn được không?
28/12/2018 | 09:45 GMT+7
Chia sẻ :
Hôm 26-12, thông tin 152 người Việt Nam đi du lịch rồi bỏ trốn tại Đài Loan đã gây xôn xao trong giới lữ hành. Tuy nhiên, đây chỉ là vụ có số người bỏ trốn cùng một lúc nhiều nhất chứ không phải vụ đầu tiên.
Tại các công ty lữ hành, hiện vẫn có những người đi tour rồi "biến mất" và tình trạng này ngày càng tăng, nhiều người đã đặt câu hỏi là làm sao để ngăn chặn tình trạng này?


Những gian hàng của nhiều cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài tại một hội chợ ở TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thị trường du lịch lớn của nhiều điểm đến. Năm nay, dự đoán có chừng 1 triệu lượt khách Việt Nam đến Thái Lan, 450.000 lượt đến Hàn Quốc, hơn 300.000 lượt đến Nhật Bản... Với Đài Loan, năm ngoái đã có khoảng 380.000 lượt và cả năm nay sẽ tăng trưởng đến vài chục phần trăm.

Để thu hút khách từ thị trường lớn như Việt Nam, các điểm đến dùng nhiều chính sách về giá, sản phẩm và đặc biệt nhất là nhất là nới lỏng thị thực. Tuy nhiên, các nước cũng lo ngại khi nới lỏng thị thực, tình trạng người lao động trà trộn trong vai du khách, lợi dụng chính sách này để ở lại cũng sẽ tăng. Vì thế, nhiều nơi đã chọn cách vừa dễ thu hút khách du lịch nhất, vừa có thể đưa trách nhiệm cho công ty lữ hành: đó là chỉ định những công ty du lịch làm thủ tục thị thực cho khách, tương tự như chính sách Visa Quan Hồng của Đài Loan.

Những công ty được chỉ định sẽ là nơi sàng lọc khách và gần như tất cả hồ sơ từ nơi này gửi sang sẽ được cấp thị thực.

Trao đổi với TBKTSG Online, người đứng đầu bộ phận du lịch nước ngoài của một công ty lữ hành lớn tại TPHCM, cho biết luôn bị áp lực khi nhận hồ sơ xin thị thực vì lo sàng lọc không kỹ, khách bỏ trốn thì có thể bị ra khỏi danh sách chỉ định hoặc nghiêm trọng hơn là bị phạt.

Ngày càng có nhiều điểm đến nới lỏng thị thực thì số lượng hồ sơ gửi đến nhờ xin thị thực hay mua tour ngày càng nhiều. Có những trường hợp, công ty chuyên đưa người lao động ra nước ngoài biết không thể xin thị thực nên đến công ty lữ hành mua tour cho khách hàng như những khách du lịch bình thường. Thủ tục xong xuôi, khách vừa đến nơi là có người ra đón. Thậm chí, có những nơi còn "chơi bài ngửa" đề nghị phía lữ hành chèn hồ sơ của người lao động vào hồ sơ của khách du lịch và chấp nhận chi cả ngàn đô la Mỹ/hồ sơ đi những nơi gần như Hàn Quốc, Đài Loan...

"Bây giờ người ta làm giả hồ sơ rất tinh vi, hộ khẩu giả, hợp đồng lao động giả, địa chỉ công ty giả.... cho nên nếu không có kinh nghiệm, không sàng lọc kỹ là rất nguy hiểm", ông nói.

Theo ông, với những loại visa như Visa Quan Hồng thì việc sàng lọc càng khó khăn hơn vì khách chỉ cần nộp hộ chiếu và ảnh. Vì thế, trong nhiều trường hợp, công ty phải coi kỹ thêm những thông tin khác như hộ khẩu, nghề nghiệp, gia đình.

Thêm vào đó, hiện việc bán tour đi các điểm đến không đem lại lợi nhuận cao như trước cho nên có công ty dù biết có thể có vấn đề nhưng vẫn "mắt nhắm mắt mở" xin thị thực cho khách bên ngoài để có thêm tiền, cũng có trường hợp lợi dụng chính sách này để vừa làm tour vừa đi người đi bất hợp pháp... nhưng loại công ty này không nhiều.

"Dĩ nhiên, những vụ lớn như vừa xảy ra là phải răn đe, truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng việc truy cứu trách nhiệm của lữ hành hay vài doanh nghiệp khách là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng khách du lịch bỏ trốn", ông nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc phạt nặng công ty đưa khách đi thì những người bỏ trốn sau khi bị bắt lại cũng phải bị phạt để răn đe, để hình ảnh người Việt ở bên ngoài không bị những "con sâu" này làm xấu đi.

Tuy nhiên, lại cũng có ý kiến cho rằng phạt cũng chưa đủ, chưa thể giải quyết  được gốc rễ của vấn đề mà cần phải xem lại tại sao có những người vẫn bỏ trốn dù biết là có thể bị bắt lại trả về nước, bị phạt. Theo đó, phần lớn những người này đến từ những vùng quê nghèo, học thức không cao, không có tay nghề và bỏ trốn thường là để đi làm việc. Khách chấp nhận bỏ vài chục, vài trăm triệu đồng để tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Thực tế, hầu như công ty lữ hành nào cũng có danh sách "đen" của những địa phương thường có người bỏ trốn để từ chối các hồ sơ có hộ khẩu tại đây. Nhìn vào danh sách đó và tìm hiểu về thu nhập bình quân đầu người của người dân sẽ thấy phần nào nguyên nhân khiến họ quyết định mạo hiểm. Vì thế, một trong những cách để người ta không làm điều sai trái nữa là phải để cho họ có thể kiếm đủ sống ngay tại quê hương.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com