Toggle navigation
Đoàn học sinh con em kiều bào Thành phố Cao Hùng-Đài Loan về thăm quê hương
08/10/2018 | 06:28 GMT+7
Chia sẻ :
“Đối với những em chưa bao giờ về Việt Nam thì đây quả là một chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm với những ấn tượng khó quên”, cô giáo Trần Thiên Ân, người có gần 4 năm tham gia giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào tại Thành phố Cao Hùng, chia sẻ.

Đoàn dâng hoa vào lăng viếng Bác

Sáng 6/10, trong sự háo hức của con trẻ, 40 học sinh và giáo viên đến từ 5 trường PTCS Thành phố Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hầu hết các em đều là lần đầu tiên vào thăm Lăng Bác và cũng là lần đầu tiên về Việt Nam nên không khỏi ngạc nhiên và xúc động. 

Đoàn chụp ảnh trước Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chia sẻ về cảm xúc này, em Trần Văn Nghiêm, 15 tuổi, đến từ trường cấp 2 Đại Liên, cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được vào Lăng viếng Bác, khi nhìn thấy Bác nằm trong Lăng, em rất cảm động và  tự hứa sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa để xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ".

Dạo quanh những hàng cây, vườn hoa, ao cá, nhà sàn... nơi in dấu những năm tháng làm việc của Người tại nơi đây, được tận mắt nhìn, ngắm và nghe giới thiệu về những kỷ vật của Bác để lại, các em đều thể hiện sự khâm phục, ngưỡng mộ trước công lao và sự hy sinh cao cả dành cho đất nước, cũng như sự quan tâm đặc biệt đến thiếu nhi của Bác.

Đoàn thăm Văn Miếu, Quốc Tử Giám

Sau Lăng Bác, Đoàn đến tham quan Khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tại đây, các em được nghe giới thiệu về truyền thống hiếu học của cha ông cũng như truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc. Trường đại học đầu tiên của Việt Nam với lối kiến trúc cổ xưa, đặc biệt những giá trị nhân văn độc đáo tại nơi đây và câu chuyện về người thầy giáo lỗi lạc Chu Văn An... kích thích sự tò mò và khám phá tìm hiểu của các em. Chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên thuyết minh, em Trương Hồng Huy, 15 tuổi, đến từ trường cấp 2 Linh Nhã, cho biết: “Em thấy nơi này như một chứng tích lịch sử - văn hóa, biểu trưng cho bản sắc của Việt Nam, xứng đáng để con cháu noi theo học hỏi. Phát huy tinh thần này, chúng em sẽ tiếp tục cố gắng học tập thật tốt, để xứng đáng với truyền thống hiếu học của cha ông”.

Kỷ niệm trước Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Buổi chiều, Đoàn tiếp tục thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nơi giới thiệu, lưu giữ tất cả các giá trị văn hóa, công trình nhà ở, phong tục tập quán, nghi thức truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Sự đa dạng và độc đáo trong các khu trưng bày thực sự hấp dẫn các em khi ghé thăm. Cảm xúc đầu tiên khi đặt chân đến Bảo tàng, được giới thiệu tìm hiểu các khung cảnh buôn bán vải dệt ở chợ vùng cao Đồng Văn (Hà Giang), cảnh kéo xe trâu của người Chăm hay đặc trưng nhà người Thái, nhà mồ của người Giarai, nhà nửa sàn nửa trệt của người Dao, nhà hoàn toàn bằng gỗ pơ mu của người H’ Mông hay nhà trình tường của người Hà Nhì… khiến không ít lần các em phải trầm trồ thán phục vì sự đa dạng của các dân tộc Việt Nam.

Thăm nhà sàn của người Ê đê

Sau khi tham gia trải nghiệm tại nhà sàn của người Ê đê, em Thái Nhân Kiệt, 15 tuổi, đến từ Trường cấp 2 Đại Liên, cho biết: “Thật sự em rất ấn tượng với những hiện vật cùng giá trị văn hóa được trưng bày tại Bảo tàng, đây thực sự là một địa điểm lý tưởng cho chúng em khi muốn tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung và của từng dân tộc Việt Nam nói riêng”. 

Qua mỗi địa danh trên cuộc hành trình về với đất mẹ, mặc dù chưa đi được nhiều, nhưng các em đều có thêm những trải nghiệm, hiểu biết về quê hương. Hôm nay 7/10, Đoàn sẽ tiếp tục tham gia những hoạt động tại Cố đô Hoa Lư (Nình Bình) và các địa danh lịch sử khác trước khi về nước./.

Thúy Phạm
Quehuongonline
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com