Ngoài nhà thờ Chợ Quán 300 tuổi, nhà thờ Đức Bà và nhà thờ Tân Định là những công trình Công giáo được xây dựng từ thế kỷ 19.
Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (đường Tôn Đức Thắng, quận 1) do linh mục Wilbaux người Pháp sáng lập và cho xây dựng từ năm 1863. Đây được coi là công trình Công giáo lâu đời nhất ở Sài Gòn và là một trong các trung tâm đào tạo linh mục Công giáo lớn nhất nước ta. Trong đó, tòa chủng viện đầu tiên được xây năm 1863 – 1866 và nhà nguyện xây năm 1867 - 1871 là hai công trình có tuổi đời trên 100 năm. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhà thờ Tân Định (đường Hai Bà Trưng, quận 3), được xây dựng vào năm 1870 - 1876. Nơi đây hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi màu sơn hồng nổi bật, khác với phần lớn các công trình Công giáo ở Việt Nam. Toàn bộ nhà thờ được sơn màu hồng bên ngoài và hồng nhạt hơn bên trong từ năm 1957. Tổng thể nhà thờ theo lối kiến trúc Gothic, trong đó nhiều chi tiết lại mang phong cách Roman và Baroque. Ảnh: Nitsawan Katerattanakul/Shutterstock
Gian chính nhà thờ mang màu trắng kem chủ đạo, có vòm trần cao, với hai hàng cột Gothic dẫn tới bàn thờ chính làm bằng đá cẩm thạch từ Italy, tạo không gian trang nhã không kém phần tôn nghiêm. Ảnh: Tâm Linh
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (đường Công Xã Paris, quận 1), được thiết kế và thi công trong giai đoạn 1877 - 1880, là biểu tượng TP HCM nơi du khách đến thành phố đều đến ít nhất một lần tham quan.
Điểm đặc biệt của công trình là toàn bộ vật liệu xây dựng đều nhập khẩu từ Pháp, trong đó toàn bộ gạch đỏ cam không tô trát vẫn giữ nguyên màu đến hiện tại. Hai đỉnh nhọn trên tháp chuông được gắn thêm năm 1984, từng là nơi cao nhất thành phố bấy giờ, du khách coi là cột mốc nhận biết Sài Gòn từ xa. Ảnh: Hữu Khoa
Các cửa sổ kính màu của nhà thờ hiện chỉ còn nguyên vẹn 4 ô từ lúc mới xây trong tổng số 56 ô kính, hầu hết bị hư hại trong chiến tranh. Các cửa còn lại được làm lại khoảng năm 1949.
Nhà thờ Đức Bà mang danh hiệu Vương cung Thánh đường. Đây là danh hiệu đặc biệt được trao bởi Tòa Thánh Vatican, lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo toàn thế giới, dành cho một số nhà thờ hoặc thánh địa mang tầm quan trọng, ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Ảnh: Hữu Khoa
Nhà thờ Chợ Quán (đường Trần Bình Trọng, quận 5) ra đời sớm nhất ở Sài Gòn cách đây 300 năm. Tuy nhiên, do bị chiến tranh tàn phá phải xây lại nhiều lần, nhà thờ hiện tại mang kiến trúc Gothic được tính tuổi đời từ lúc xây mới vào năm 1882. Ảnh: Quỳnh Trần
Ngày nay, các cửa sổ ở đây không lắp kính tranh vẽ màu, mà chỉ lắp kính trắng, khác với hầu hết nhà thờ lớn ở thành phố. Nguyên nhân là những tranh kính nguyên bản đã hư hỏng, và chưa tìm được người có khả năng phục chế. Ảnh: Quỳnh Trần
Thánh đường nhà thờ Chí Hòa (đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình) được xây dựng đầu tiên vào năm 1890, cũng là thánh đường bây giờ. Công trình mang phong cách kiến trúc Gothic Pháp giản lược, không bề thế và cầu kỳ. Ban đầu họ đạo nơi đây có tên Thạnh Hòa, sau đổi tên thành Chí Hòa năm 1910. Ảnh: Giáo xứ Chí Hòa/Facebook.
Nhà thờ Cha Tam (đường Học Lạc, quận 5) được xây dựng năm 1900 - 1902, dành cho giáo dân người Hoa ở khu vực Chợ Lớn đến hành lễ, sử dụng chữ và tiếng Hoa từ xưa đến nay. Nét riêng biệt của nhà thờ này là kiến trúc pha lẫn giữa phong cách Gothic châu Âu và Trung Hoa. Ảnh: Quỳnh Trần
Nếu nhìn từ bên ngoài, không ít khách tham quan từng nhầm lẫn cổng vào nhà thờ là của đền chùa nào đó. Vì cổng được thiết kế theo kiểu tam quan, mái đầu đao, lợp ngói lưu ly, hàng cột sơn đỏ đậm chất Á Đông. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhà thờ Huyện Sỹ, còn gọi là nhà thờ Chợ Đũi (góc đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, quận 1) hình thành năm 1902 - 1905. Nhà thờ theo lối kiến trúc Gothic. Bên trong ngọn tháp cao có 4 quả chuông được đúc tại Pháp năm 1905. Nằm ở trung tâm quận 1, nơi đây cũng là một điểm hấp dẫn khách tham quan. Ảnh: Quỳnh Trần
Bên trong nhà thờ có phần mộ của ông Huyện Sỹ, người hiến 1/7 tài sản của mình để xây nhà thờ và cũng được lấy tên đặt cho nhà thờ. Ông Huyện Sỹ (1841 - 1900) có tên khai sinh là Lê Nhứt Sỹ, thường gọi là Lê Phát Đạt, một trong bốn người giàu có nhất Sài Gòn và Nam Kỳ vào thế kỷ 19 và là ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu. Năm 1920, vợ chồng ông được đưa vào an nghỉ ở phía sau cung thánh, mộ làm bằng đá cẩm thạch, trên mộ là tượng toàn thân ông. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo Tâm Linh
Vnexpress