Toggle navigation
Pháp sẵn sàng hợp tác bảo tồn di tích kiến trúc Pháp tại Việt Nam
05/11/2021 | 10:53 GMT+7
Chia sẻ :
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, chiều 4/11, tại trụ sở Bộ Văn hóa Pháp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Đạo Cương đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp, bà Roselyne Bachelot-Narquin.
Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã chia sẻ về các dự án bảo tồn tại Việt Nam, trong đó có dự án bảo tồn các biệt thự xây dựng từ thời Pháp thuộc có bề dày lịch sử tại thủ đô Hà Nội như Nhà hát Lớn và Phủ Chủ tịch..., nhằm lưu giữ những di sản kiến trúc của đô thị Hà Nội.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp năm 2023, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị hai bên xem xét khả năng tổ chức Năm giao lưu Việt Nam-Pháp trên cơ sở thành công của mô hình đã thực hiện vào năm 2013-2014.

Ông cũng bày tỏ mong muốn xây dựng chương trình văn hóa nghệ thuật giao lưu giữa hai nước nhân dịp này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật kết hợp xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều loại hình đa dạng như biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, hòa nhạc cổ điển, tuần phim, triển lãm ảnh, triển lãm mỹ thuật, kiến trúc, thời trang, giới thiệu ẩm thực, võ cổ truyền tại thủ đô Paris và một số thành phố của Pháp, cũng như phối hợp với Viện Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Pháp tại Hà Nội và nhiều địa phương trong nước.

Pháp hợp tác với Việt Nam, Pháp và Việt Nam kết hợp trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương làm việc với Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Pháp Eva Nguyễn Bình. Ảnh: Xuân Đông - TTXVN

Bà Roselyne Bachelot-Narquin chia sẻ những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đối với xã hội nói chung và ngành văn hóa, nghệ thuật nói riêng. Bà đồng thời cho biết Pháp là một quốc gia có thế mạnh trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa, đặc biệt là công tác số hóa các hồ sơ về di sản văn hóa.

Pháp sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các dự án trùng tu, bảo tồn di tích văn hóa liên quan các công trình kiến trúc được Pháp xây dựng tại Việt Nam thông qua các hoạt động như chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về các công trình này, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực bảo tồn di sản, số hóa cơ sở dữ liệu… Pháp cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa thông qua các dự án cụ thể do các bên đề xuất.

Pháp hợp tác với Việt Nam, Pháp và Việt Nam kết hợp trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc
Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot-Narquin nhận quà lưu niệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Ảnh: Xuân Đông - TTXVN

Bà Roselyne Bachelot-Narquin cảm ơn Thứ trưởng và đoàn đã đến làm việc tại trụ sở Bộ Văn hóa Pháp trong chương trình công tác ngắn ngày tại Pháp. Bà khẳng định Pháp luôn coi văn hóa là lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động hợp tác song phương.

Bà Bộ trưởng mong muốn hai bên kết nối triển khai bảo tồn các di tích, các di sản kiến trúc nhằm thu hút khách du lịch và nguồn thu từ du lịch sẽ tiếp tục được sử dụng để tái đầu tư vào bảo tồn các công trình văn hóa. Bên cạnh đó, Pháp cũng quan tâm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo mà hai bên cùng quan tâm.

Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp trong năm 2023, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược đi vào thực chất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, nhu cầu và lợi ích.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tháp tùng Thủ tướng Chính phủ làm việc với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Giám đốc Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Pháp.

Theo Thu Hà
TTXVN
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com