Toggle navigation
54 tác phẩm mỹ thuật Việt Nam được trưng bày ở “Klostervilla Adelberg” Đức
16/10/2018 | 08:40 GMT+7
Chia sẻ :
Tại “Klostervilla Adelberg” cách thủ phủ Stuttgart, tiểu bang Baden Würrtemberg khoảng 40 km đang diễn ra một sự kiện chưa từng có tại Đức.
Đó là, một phòng trưng bày tranh Việt Nam với tiêu đề: “Mỹ thuật Việt Nam tại Adelberg”.

Từ 06/10 đến 11/11/2018, mỗi tuần phòng tranh mở cửa đón khách vào thứ 6, thứ 7 và chủ nhật, từ 14:00 đến 18:00 giờ.


“Klostervilla Adelberg”, tầng 1 là nơi trưng bày 54 tác phẩm hội họa từ Việt Nam.

Để có được niềm tự hào này chúng ta vô cùng cám ơn Professor Ulrich Klieber, trưởng khoa Burg Griechenstein, Trường đại học Mỹ thuật Halle.

Professor Klieber sinh năm 1953 tại Göppingen, tiểu bang Baden Würtemberg. Từ 1973 đến 1978 ông theo học ngành hội họa và lịch sử mỹ thuật ở Trường đại học tổng hợp Stuttgart.

Năm 1978 - 1979 ông học tiếp cao học tại Royal College of Art in London. Năm 1996 ông được phong Professor và đào tạo sinh viên mỹ thuật tại Burg Giebichenstein, Halle.

Năm 2003 ông được bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Burg Biechenstein của Trường đại học Mỹ thuật Halle thuộc tiểu bang Sachsen Anhalt (vùng Đông Đức cũ).

Năm 2000 và 2010 ông được mời sang thỉnh giảng tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Từ năm 2015 ông được mời thỉnh giảng nhiều lần ở Trường đại học Tôn Đức Thắng thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh.

Qua thời gian giảng dạy từ Hà Nội đến Sài Gòn, cộng tác chặt chẽ với giảng viên và sinh viên, ông đã phát hiện nhiều nét độc đáo mang đặc thù phương đông trong tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam. Ông đánh gía rất cao một số tác phẩm này

Từ đó, ông đã đề xuất dự án tổ chức trưng bày tranh Việt Nam tại phòng tranh riêng của ông tại Adelberg.

Dự án của Professor Klieber đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương và đặc biệt là hai người lãnh trách nhiệm tổ chức điều hành: bà Britta Ischka và ông Peter Ischka.

Hai ông bà Ischka là Phó chủ tịch “Hội văn hóa mỹ thuật Adelberg” và là chủ nhiệm phòng tranh Klostervilla Adeslberg của Professor Klieber.

Ông bà Ischka đã tập trung hết tâm sức và thời gian để tổ chức thành công phòng tranh Việt Nam tại Klostervilla Adelberg.

Để chuấn bị và thực hiện dự án này, ông bà Ischka đã sang Sài Gòn trước đó một tuần để cùng lựa chọn, đóng gói các tác phẩm và vận chuyển kèm theo chuyến bay về Đức.

Quan trọng hơn nữa, ông bà Ischka đã phỏng vấn các họa sĩ là tác giả của những bức tranh sẽ được trưng bày tại Đức.

17 trong số 22 họa sĩ Việt Nam có tác phẩm được trưng bày tại Adelberg đã tự giới thiệu về mình và nội dung của tác phẩm. Ông Peter đã hoàn chình toàn bộ nội dung đã phỏng vấn sang tiếng Đức.

Trong thời gian trưng bày tranh ở Klostervilla Adelberg, khách yêu mỹ thuật hội họa có thể tự nghe băng thuyết trình tại phòng Videofilm để “làm quen” với mỗi họa sĩ và hiểu rõ thêm nội dung của từng bức tranh…


Một góc phòng tranh Việt Nam tại tầng 1 của Klostervilla Adelberg.

Bốn họa sĩ Việt Nam đến từ Trường đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đến tham dự buổi khai trương phòng tranh Việt Nam tại “Klostervilla Adelberg” Cộng hòa liên bang Đức.


Từ phải sang trái: Professor Klieber, bà Britta Ischka, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng và 3 giảng viên của Đại học mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh: Thanh Trang, Đài Trang và Thu Trang.

Đúng 19:30 ngày 05/10/2018, bà Carmen Marquardt, Chủ tịch xã Adelberg đã tuyên bố khai trương phòng tranh Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh thay mặt 22 họa sĩ Việt Nam cám ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của Prof.Klieber, ông bà Ischka và bà Chủ tịch xã Adelberg đã cho phép và tạo điều kiện để các tác phẩm hội họa Việt Nam được trưng bày tại Đức. 


Giáo sư, Tiến sĩ Minh giới thiệu tác phẩm tranh sơn dầu của ông.

54 tác phẩm theo các trường phái hội họa từ cổ điển đến hiện đại, từ tranh lụa, tranh sơn dầu đến tranh đồ họa, khắc gỗ…mang đặc thù Việt Nam, đã thu hút được hiếu kỳ của khách yêu hội họa Đức.


Nhóm họa sĩ tại Sài Gòn có tác phẩm được trưng bày tại Adelberg, gặp gỡ tại buổi chia tay để cám ơn các nhà mỹ thuật Đức trước khi chuyển 54 bức tranh sang Đức.

Hầu hết các họa sĩ có tranh được trưng bày ở Đức đều là những chuyên gia giỏi, tốt nghiệp các ngành mỹ thuật hội họa từ các trường đại học ở trong nước…


Huỳnh Phương Thị Đài Trang giới thiệu 6 tác phẩm được trưng bày tại Adelberg.


Thạc sĩ Nguyễn Văn Mẫn, giảng viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường đại học Tôn Đức Thắng thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu 6 tác phẩm, trong đó bức tranh “Thanh Long Việt Nam”.


Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giảng viên Trường đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu tác phẩm rất độc đáo “chơi cờ” của chị.

Hai họa sĩ đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật từ nước Nga và từ Cộng hòa dân chủ Đức cũ (DDR) đã trình bày các tác phẩm có “linh hồn Âu Á” của mình.


Họa sĩ Nguyễn Quang Vinh, Giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp đại học ngành đồ họa tại Viện hàn lâm mỹ thuật Mạc Tư Khoa vào năm 1993, giới thiệu tác phẩm “trò chuyện với Mona Lisa” của ông.

Ông Vũ Hiền tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1980 ông được cử sang bồi dưỡng sau đại học tại Trường đại học Mỹ thuật Halle (thời kỳ DDR).

Sau khi tốt nghiệp cao học ở Đức ông tiếp tục là giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho đến 1992.

Sau đó, ông được điều vào Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh giữ chức vụ trưởng khoa đồ họa.

Thời kỳ giảng dạy ở Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Hiền không những chỉ góp phần đào tạo nhiều họa sĩ mà còn góp phần tích cực để bảo tồn và phát triển mối quan hệ hợp tác với Trường đại học Mỹ thuật Halle, Cộng hòa liên bang Đức.

Hiện nay, tuy đã 75 tuổi, ông vẫn là cố vấn cho khoa mỹ thuật đồ họa, Trường đại học Tôn Đức Thắng thành phố Hồ Chí Minh.


Họa sĩ Vũ Hiền 75 tuổi, giới thiệu các tác phẩm đồ họa của ông.

Khách thăm phòng tranh Việt Nam được nhận một tờ danh sách tên của tác phẩm và tác giả (ký hiệu dưới tác phẩm).

Qua đó, khách dễ dàng theo dõi và hiểu chi tiết hơn về bức tranh mà họ quan tâm tại phòng Videofilm.

Danh sách 22 họa sĩ và các tác phẩm được trưng bày tại Klostervilla Adelberg 2018:



Nhân dịp này, tôi muốn gửi đến bạn đọc trong nước một tác phẩm đặc biệt là cuốn sách “Mực tàu, cá , dứa” gồm 56 trang được xuất bản vào 24/10/2016 tại Đức.

Người đọc tìm thấy trong cuốn sách 109 bức tranh màu và đen trắng. Hai tác giả của cuốn sách là Ulrich Klieber và Nguyễn Thị Thùy Vân.

Tác phẩm “Tusche, Fischer, Ananas - Mực tàu, cá , dứa” được bán tại Đức và Áo. Giá bán tại Đức là 14,95 EUR và tại Áo là 15,40 EUR.     


Tác phẩm “Mực tàu, cá, dứa - Tusche, Fische, Ananas” của Prof. Klieber và thạc sĩ N.T.T.V.

Đồng tác giả Nguyễn Thị Thùy Vân, Thạc sĩ - Trưởng khoa mỹ thuật công nghiệp Trường đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành tranh khắc gỗ.


Nguyễn Thị Thùy Vân giới thiệu tác phẩm được trưng bày tại phòng tranh Adelberg của bà.

Qua cộng tác làm việc với Professor Klieber cùng đào tạo sinh viên tại trường, bà Vân đã cộng tác với Professor Klieber hoàn thành cuốn sách này.

Theo Bài và ảnh: Đinh Tuyết Mai
Giaoduc.net.vn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com