Toggle navigation
WHO: Các ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam không quá đáng ngại
30/07/2020 | 01:21 GMT+7
Chia sẻ :
Tiến sĩ Kidon Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết mặc dù có các đột biến xuất hiện trong virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cho các bệnh nhân ở Đà Nẵng nhưng khả năng lây lan và độc lực của loại virus này không thay đổi.
WHO: Các ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam không quá đáng ngại
Tiến sĩ Kidon Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

"Virus gây bệnh Covid-19 được tìm thấy ở Đà Nẵng cũng tương tự như virus lây lan ở các quốc gia khác vào tháng 7. Mặc dù có các đột biến xuất hiện trong loại virus này, song không có lý do nào làm tăng sự lo ngại”, ông Kidon Park khẳng định trong tuyên bố đưa ra hôm nay (29/7).

Cũng theo ông Park, dựa trên những dữ liệu hiện có, khả năng lây lan và độc lực của Covid-19 không thay đổi.

Trước đó, trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 27/7, ông Kidong Park đánh giá việc xuất hiện lại các ca bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam là điều bình thường. Nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.

“Hệ thống giám sát y tế của Việt Nam đã hoạt động hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, tổ chức cách ly, giám sát. Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa rồi”, ông Park nói.

Đại diện WHO, các tổ chức, chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao việc cung cấp thông tin công khai, minh bạch, kịp thời của Việt Nam. Điều này đảm bảo việc củng cố niềm tin của người dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.

Tính đến 6h ngày 29/7, Việt Nam có tổng cộng 446 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hiện tại, dịch đã khác trước, đã lây lan trong cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được F0. Đây là diễn biến phức tạp, khó lường.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, “hỏi đâu có đó”, nhất là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan. Phải đẩy mạnh truy vết và cách ly nhanh. Các đơn vị quân đội, đặt biệt là Quân khu 5 cần tổ chức công tác cách ly cho người dân tại Đà Nẵng một cách tốt nhất.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường thêm phương tiện, cán bộ có liên quan không chỉ cho Đà Nẵng mà các địa phương khác khi có yêu cầu. Đồng ý phương án tăng cường các vị trí điều trị ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện quân đội, các cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam để xử lý tình hình có các bệnh nhân mắc bệnh nền rất nặng.

Với những nơi có dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu không được tổ chức lễ hội lớn, kể cả tụ tập đông người, tổ chức đám cưới đông người… để hạn chế lây nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra các vi phạm về quản lý biên giới; đặc biệt, tăng cường quản lý tốt các trung tâm cách ly. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương cần có phương án bảo đảm kỳ thi an toàn. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tính toán khả năng tiếp nhận người Việt từ nước ngoài về.

Vì tốc độ lây nhiễm cao, Thủ tướng chỉ đạo không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, TP. HCM, mà các địa phương khác, đặc biệt địa phương có du lịch biển phải chủ động phòng dịch, không lơ là, mất cảnh giác.

Theo Lê Anh
Vietnamfinance
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook
Latest news
Most view

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com