Lần nữa xin nghiêng mình kính chào bạn đọc trong và ngoài nước. Hôm nay tôi lại dành thời gian làm tội cái bàn phím quả táo méo để nói lên những điều mà đa số anh chị em Việt kiều không dại gì mà nói thật. Con người tôi là vậy, đã viết bài cho nhiều bạn đọc thì phải nói thật, thông tin phải chính xác dù đó là mặt tốt hay mặt xấu của xã hội.
Trước khi đi vào vấn đề, xin kể cho các bạn nghe một vài câu chuyện, vì đó là những điều mang đến cho tôi ít nhiều thành công trong cuộc sống.
Cách đây không lâu tôi về thăm Việt Nam. Vào một buổi sáng, tôi cùng hai người bạn đi uống cafe. Trong lúc ngồi chờ cafe thì có một cậu bé tới nói với tôi rằng: Lẽ ra em xin anh tiền để mua cơm trưa nhưng em không muốn làm người ăn xin, nên em xin anh cho em đánh giày cho anh. Tôi hỏi, cháu lấy bao nhiêu một đôi? Cậu bé trả lời, 7 ngàn một đôi ạ. Tôi mặc cả, 20 ngàn 3 đôi em chịu không? Dạ được… Chưa tới 20 phút thì cậu bé đã xong 3 đôi giày. Tôi muốn cậu bé có bữa trưa ngon miệng nên tôi đã đưa cho cậu bé 50 ngàn. Tôi ngạc nhiên vì thấy cậu bé không đi ngay mà lại sang bàn khác tiếp tục công việc của mình.
Dưới con mắt của một người biết kiếm tiền thì tôi nhận thấy nghề đánh giày có những ưu thế: Thứ nhất được hưởng 100% công sức của mình bỏ ra, hai là lãnh lương nhiều lần trong một ngày, ba là tự làm chủ không gò bó thời gian, thích thì làm, không thích ngồi uống cafe như đại gia. 4: không tốn tiền mặt bằng. 5: vốn đầu tư ít lợi nhuận rất cao, 6: không phải đóng thuế, 7: không tốn thời gian qua học viện đánh giày và còn nhiều lắm… Nếu tính toán bằng các con số thì các tổng giám đốc các công ty lớn phải giật mình, phải không các bạn?
Qua mấy ngày sau, tôi muốn đi khảo sát nhiều nơi ở thành phố nên muốn đi xe ôm vừa nhanh vừa rẻ. Trước nhà tôi có ông xe ôm hay túc trực ở đó. Tôi gọi tới và bảo: Tôi trả cho anh 150 ngàn cho ngày hôm nay, anh chở tôi đi tham quan thành phố từ khu Phú Mỹ Hưng, Q2… tôi bao anh cơm trưa luôn. Anh ta cười và lắc đầu. Tôi nghĩ chắc rẻ quá nên lên giá 200 ngàn nhưng anh ta cũng lắc đầu và nói với tôi rằng, nếu em muốn, anh sẽ chở em đi nhưng tính chuyến, anh sẽ lấy rẻ cho.
Trên đường đi anh ta giải thích với tôi rằng: không phải là anh chê đắt rẻ mà anh đã ký hợp đồng với nhiều người lắm. Sáng sớm anh chở con ông A đi học, 8h chở bà B đi bác sĩ, trưa đưa cơm nhà cho người làm ở tiệm vàng của ông C ở chợ Bến Thành, chiều đi trả tiền điện, nước cho chị D kết hợp chở con ông A đi học về… Tôi hoa cả mắt. Xe ôm mà ký hợp đồng như các công ty lớn vậy. Thiệt tình không hiểu nổi. Theo các bạn, cậu bé đánh giày và ông chạy xe ôm kiếm được bao nhiêu tiền một tháng?
Nhưng đây, đã, đang và sẽ là lối tư duy làm ăn kinh tế của tôi. Ở Mỹ bao nhiêu năm tôi vẫn luôn thắc mắc. Không biết những người đi làm cho các hãng, xưởng, công ty lớn, có bao giờ tự hỏi với lòng mình rằng: “Khi các bạn nhận được một tấm check (tiền lương) từ công ty, hãng… sau khi công ty lấy đi tiền lợi nhuận của họ, đóng thuế cho nhà nước, trừ thuế thu nhập cá nhân, đóng tiền bảo hiểm sức khỏe cho các bạn và nhiều khoản khác… nếu rút tiền ra để mua đồ các bạn còn phải đóng thuế thêm 7-12% nữa. Thật sự các bạn sẽ được hưởng bao nhiêu % công sức của mình đã bỏ ra?” Mong các bạn cũng đừng hiểu lầm là công ty sẽ móc tiền túi ra để đóng thuế, bảo hiểm sức khỏe… cho các bạn nhé.
Trước khi đặt chân tới Mỹ thì tôi cũng đã có một tấm bằng sau lớp 12 mấy năm, cũng chẳng dám nói là đã tốt nghiệp Đại học cho nó mất đi giá trị của hai cái từ đó, chứng chỉ các ngành nghề thì cả xấp và đặc biệt tôi đã là một nghệ nhân kim hoàn loại khá, vì tôi học nghề từ lúc còn nhỏ. Sang Mỹ, tôi làm đủ nghề, bưng phở, cắt cỏ, thợ may, thợ sửa chữa nhà… Hiện giờ nếu các bạn hỏi tôi đang làm nghề gì? Tôi cũng chẳng biết mình phải trả lời sao nữa, vì tôi làm một lúc hai ba nghề lẫn, làm nail, doanh nhân… Tôi thuộc típ người ngồi không không chịu được và tôi cũng đã từng làm ở tiệm vàng một thời gian. Nói thật, nói tới nghề “nghệ nhân kim hoàn” nghe có vẻ hoành tráng lắm nhưng thật ra trong tiệm vàng từ người làm thợ tới nhân viên bán hàng chẳng có ai có cuộc sống khá giả cả, ngoại trừ ông bà chủ.
Khi tôi còn ở Cali, vào một ngày, có một người khách tới tiệm vàng tôi làm việc để mua một chiếc nhẫn hột xoàn 160.000USD. Tôi lân la hỏi chuyện thì biết chị ta làm nail ở tiểu bang lạnh, về Cali là để du lịch và mua sắm thôi. Tôi cũng chẳng biết nghề nail là làm gì, chỉ nghe nhiều người nói là làm có tiền lắm. Đọc tờ báo địa phương tôi thấy người ta rao cần thợ, bao lương rất cao, bao luôn cả ăn ở rất nhiều khắp các tiểu bang. Chỉ sau một thời gian ngắn thì tôi đã có một tấm bằng nail và khăn gói lên đường đi xuyên bang.
Đã là một nghệ nhân nên nghề nail đối với tôi thật quá đơn giản. Ngày đầu đi làm ông bà chủ đã tròn xoe mắt kinh ngạc. Tôi đã từng cắt những chiếc chấu nhỏ xíu để gắn đá quý cho đồ trang sức thì làm một bộ nail, vẽ, thổi hoa hòe tinh xảo thì chẳng có gì là khó khăn cả. Cha ông ta đã có câu luôn đúng với mọi thời đại “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Nghề nail đòi hỏi mình phải có con mắt thẩm mỹ cao, mắt phải sáng, tay không run. Một bộ nail bền, đẹp, thanh thoát, tinh tế thì không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng đối với tôi chưa tới một phút, tôi đã có thể ngoáy được hai bông hoa có giá 5 USD. Nếu gặp phải các phu nhân của các bậc học sĩ thì cũng không quên bố thí cho kẻ hạ nhân này 3-5 USD tiền bo và còn cảm ơn rối rít nữa chứ (mấy anh chàng kỹ sư điện toán đừng có dại mà lấy một phút 5-7 USD mà nhân cho một ngày làm việc của tôi, kẻo lại té xỉu đấy).
Mỗi bộ nail mới lúc đấy nhiều tiền hơn cả một chỉ vàng. Khách hàng ngồi xếp hàng chờ giống như ở nha lộ vận vậy. Một ngày làm việc, tôi có thể kiếm được hơn một lượng vàng. Nói thật, chỉ cần làm việc như vậy một thời gian thì muốn nghèo cũng không được nữa. Đó chỉ là một người thợ như tôi mà đã kiếm tiền được như vậy, nếu một ông chủ có mấy tiệm, 30-40 người làm thì thu nhập của họ sẽ ngoài sức tưởng tượng. Trong bài trước tôi có nói rằng, một người Việt tới Mỹ 2-3 năm sau, họ có thể dư 40-50 ngàn và hơn thế nữa. Đó là tôi lấy số đông của người Việt mình, nhưng đối với những người làm nail thì con số này thật quá khiêm tốn.
Vào ngày nghỉ, tôi thường tới chơi tất cả các tiệm nail khác trong thành phố, lúc họ bận rộn tôi sẵn sàng giúp đỡ họ với mục đích để khoe tay nghề cao siêu của tôi. Sau một thời gian, tôi quen hết tất cả các ông chủ tiệm nail và ông nào cũng muốn tôi làm việc cho họ. Tôi giống như con cưng được nhiều người chiều chuộng, nên tôi có quyền lựa chọn và vòi vĩnh đủ thứ, từ chỗ ăn ở và cả chuyện tiền bạc. Các ông chủ tiệm nail lớn thường hay tổ chức tiệc tập thể cho nhân viên của họ. Tới tham dự những bữa tiệc này mới thấy được cái thịnh vượng của nghề nail. Nhân viên ai cũng đi xe xịn đắt tiền, nhẫn kim cương, đồng hồ Rolex, giỏ xách, quần áo, giày dép, toàn đồ hiệu xa xỉ đắt tiền. Bánh sinh nhật, ăn thì ít, ném nghịch vào nhau thì nhiều. Rượu XO hàng chục chai, uống say xỉn như tưới vào nhau. Họ xài tiền giống như phá tiền vậy.
Tôi suy nghĩ , mình đã đặt chân tới bên bờ “dòng chảy đô la” chỉ có tìm cách để dòng chảy đồng tiền đó chảy vào túi của mình thôi. Bằng mọi cách tôi đã làm chủ một tiệm, rồi hai tiệm nail. Sau một thời gian lam lũ, thành quả thật sự nằm ngoài cả sức tưởng tượng của ngay chính bản thân tôi. Khi có chút tiền tôi lại về Việt Nam mua một số nhà đất với mục đích để giữ tiền và sau này về có chỗ để ở, cũng chẳng phải để kinh doanh gì cả, nhưng thật không ngờ nhà đất lại có giá như bây giờ. Nhưng ở đời cái gì cũng có một thời của nó, cái thời vàng son đó đã qua mất rồi. Bên cạnh những niềm vui kiếm tiền như nước thì nghề nail cũng có những nỗi buồn không kém phần chua xót.
Do không phải học nhiều và dễ kiếm tiền nên rất nhiều người Việt chúng ta ở Mỹ đã tập trung vào nghề nail. Khi bạn làm việc ở bất cứ tiệm nail nào thì bạn được hưởng 60% tiền mình làm ra và cộng thêm 100% tiền khách bo. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một số ông chủ kém đức nên chỉ chia cho thợ 50% hoặc 55%. Giá cả từng bộ nail thì tùy từng thời điển, từng tiểu bang và cả từng loại nữa. Ngày tôi mới vào nghề thì một bộ nail giá trung bình 18-40 USD nhưng bây giờ thì tệ lắm, giá hiện nay tại các thành phố lớn như New York, Cali, Huston Texas và nhiều thành phố khác, giá cắt tóc nam chỉ còn 5 USD, nail 8-25 USD thôi… Do kinh tế Mỹ xuống dốc và rất nhiều người thất nghiệp phải trở về với nghề nail nên khách hàng càng ngày càng ít đi, mà tiệm và thợ thì mỗi ngày một nhiều hơn. Dạo này có những người tay nghề yếu, nhiều ngày chỉ làm được 20-30 USD/ngày nếu chia 6/4 thì kiếm miếng cơm thật không dễ chút nào.
Không có con số thống kê chính xác bao nhiêu % người Việt mình làm nail ở Mỹ nhưng ngay thành phố tôi ở, chủ tịch cộng đồng người Việt, chủ tịch cộng đồng công giáo, đọc danh sách ủng hộ đồng bào miền trung của tờ báo địa phương (tiểu bang lạnh) thì hầu hết đều là người làm nail.
Trước khi đi vào nghề nail thì bạn phải tự đánh mất chính mình, gạt bỏ lòng tự trọng, danh dự, tôn nghiêm… Nghề nail có đủ thành phần trong xã hội, đàn ông, đàn bà, già, trẻ, từ văn hóa lùn tới các ngài đại trí thức, nhưng đã vào nghề nail thì tất cả sẽ chỉ là một thợ nail. Tôi không muốn đề cập sâu đến những chi tiết như lấy da chết, cạo da chai, mang giày cho người ta… lỡ may người thân ở Việt Nam có đọc được lại cầm không được nước mắt.
Chỉ có những người trí thức đã đến tuổi đeo kính lão chấp nhận hóa thân thành cái loài chưa phân biệt giới tính, ngồi xuống chà chân cho người ta để kiếm tiến thì mới thực sự thấu hiểu được nỗi nhục nhã đến mức nào. Nhiều khi gặp phải thượng đế khó tính, hành hạ cho đáng đồng tiền bát gạo thì bức xúc như muốn trào nước mắt, nhưng nghĩ đến miếng cơm manh áo và vì tương lai của con em mà phải mang khẩu trang che đi khuôn mặt đầy vẻ uất ức, căm hận mà nghiến răng làm cho xong công việc của mình.
Phải nói rằng nghề nail nó bạc và nhục lắm, hơn thua, cạnh tranh, giành giựt, bon chen mất hết nhân cách của con người và tình cảm anh em bạn bè là chuyện rất phổ biến. Bên cạnh đó nghề này tương đối độc hại và ảnh hưởng sức khỏe về sau. Như ở Việt Nam, bạn chỉ đi qua một tiệm nail, tóc thì đã thấy khó chịu vì mùi hóa chất, huống chi một người phải ăn, ở làm việc trong môi trường đó 10-11h/ngày. Thông thường nghề này rất vô chừng, có khi bạn ngồi chơi mấy tiếng đồng hồ, nhưng những ngày lễ thì phải làm việc từ khi mở cửa cho tới khi đóng cửa, không có thời gian đi vệ sinh hay dùng bữa là chuyện bình thường. Do tính chất và môi trường làm việc độc hại nên đã có rất nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra.
Cách đây không lâu ở Detroit có một bà chị đã ngoài 40 tuổi, vào dịp lễ, công việc quá bận rộn nhiều ngày nên không có thời gian để dùng bữa. Chắc chị ta cũng muốn kết hợp, làm việc vừa có tiền, nhịn ăn để giảm mập, nín nhịn dùng vệ sinh… vào một ngày cố làm việc quá sức nên xỉu ngay tại chỗ. Mọi người gọi xe cứu thương chở tới bệnh viện, trên đường đi chưa tới bệnh viện thì chị ta đã là người của thế giới bên kia. Những câu chuyện như thế này đã xảy ra ở các tiệm nail thì tôi đã nghe rất nhiều người kể, nguyên nhân thì không ai biết, chỉ có mấy ông giám định tử thi và người nhà mới biết thôi nhưng người ta đâu có dám nói thật. Và tôi cũng đã từng chở một người xỉu ở tiệm nail tới bệnh viện nhưng rất may là không có chuyện gì xảy ra, mà người ta chỉ kiệt sức vì mê công việc quá mà thôi.
Ở Mỹ, mấy ông chủ nhà hàng, chợ, tiệm nail thì ai cũng phải lo lắng, gò bó thời gian và làm việc nhiều hơn cả người làm nữa. Sáng sớm phải tới mở cửa. Vừa làm vừa lo sắp xếp khách cho người làm để khỏi xảy ra mâu thuẩn giữa mọi người cũng không phải là đơn giản, chiều tối phải ở lại đến hết giờ để đóng cửa tiệm. Chỉ cần bỏ bê một tháng thôi là chén cơm của mình sẽ bị vơi ngay. Ở đời, dù ở bất cứ nơi đâu thì ai cũng phải làm việc. Như con trâu sinh ra là nó phải kéo cày thôi. Nhưng có một điều tôi nghĩ sẽ đúng với rất nhiều người là, nếu các bạn không đi Mỹ thì những con người trí thức như các bạn chẳng PHẢI, ĐƯỢC làm nail, bưng phở, cắt cỏ…
Cũng vì điều này nên tôi đã có cảm hứng sáng tác một bài thơ để chia sẻ những niềm vui lẫn nỗi buồn của các bạn:
VINH NHỤC NGHỀ NAIL
Bao năm nhục chẳng kêu ca, Rằng qua bên Mỹ cạo da cho người. Giấu cho chúng bạn khỏi cười, Thời gian thắm thoát đã mười năm qua. Cái nghề ta chẳng con ta, Bức xúc nhục nhã nhưng mà phải vui. Rằng ta có mắt như đui, Có tai như điếc để vui với đời. Đắng cay sao nói hết lời, Đau thương khổ nhục một đời nam nhi. Nhưng rồi cũng phải thích nghi, Làm không mệt mỏi cũng vì tương lai. Thế rồi gieo quả chẳng sai, Bao năm lam lũ chẳng hoài công lao. Ra đường thôi chẳng nhìn cao, Bon chen danh phận ngày nào yên thân? Sang hèn trời đã định phân, Văn bằng thạc sĩ Mỹ phân hết rồi. Học hành thì cũng vậy thôi, Lắm anh học sĩ cũng ngồi làm nail Trí thức gặp phải cái eo, Suy đi tính lại còn nghèo hơn ta. Cho nên thôi cứ tà tà, Cầm tay người đẹp rứa mà lại vui…hihi…
Trân trọng kính chào.
Theo Cộng Đồng Hoa Kỳ