Larry không còn nữa, nhưng mỗi dịp lễ Tạ ơn, Tết Dương lịch và Tết ta sắp đến là tôi lại bồi hồi nhớ tới ông. Mỗi dịp qua các sân bay ở Hoa Kỳ hay đi các sân bay khác, tôi vẫn nhớ kỷ niệm về chuyến bay đến Hoa Kỳ năm ấy, nhưng điều tôi nhớ nhất về ông là những suy nghĩ và trăn trở của ông về Việt Nam. Ông vẫn luôn mong muốn đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, ra hoa nảy lộc như mỗi dịp Tết ta về.x``
Tết là dịp gia đình đoàn viên
Với người Việt ở trong hay ngoài nước, Tết ta là để chỉ Tết Âm lịch, Tết cổ truyền hay Tết Nguyên đán của dân tộc, là dịp mọi người trong gia đình đoàn viên để cảm ơn trời đất, ông bà tổ tiên đã phù hộ, độ trì cho sức khỏe và hạnh phúc trong năm vừa qua.
Đối với người dân Hoa Kỳ, lễ Tạ ơn cũng giống như Tết ta vậy. Cứ mỗi dịp lễ Tạ ơn đến, tôi lại nhớ đến ông Larry - một người bạn Hoa Kỳ.
Larry đặt chân đến Sài Gòn vào năm 1964. Hết nhiệm kỳ ông trở về nước. Đến khi Việt Nam – Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ, ông mở văn phòng làm việc nhân đạo tại phố Trương Hán Siêu – Hà Nội, chuyên đưa chuyên gia của Hoa Kỳ sang giúp ta đào tạo về lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, thương mại và kết nối nhiều lĩnh vực khác.
Hồi đó, ông mời tôi sang thăm và làm việc tại Hoa Kỳ vào dịp gần lễ Tạ ơn. Trong chặng bay, tôi được nghe ông kể về cuộc đời mình. Khi ấy, ông làm việc cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được cử sang làm ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Thời đó, ông đã đi nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Ông thấy con người và đất nước Việt Nam rất đẹp, và ông đã lập gia đình với cô Cẩm Linh trong nhiệm kỳ ấy. Hết nhiệm kỳ, ông đưa cô Cẩm Linh về Hoa Kỳ. Khi cuộc chiến khốc liệt xảy ra và chính quyền Sài Gòn sụp đổ, ông bay về Sài Gòn để đưa cả gia đình cô Cẩm Linh sang Hoa Kỳ.
Ông vẫn thường nói, Hoa Kỳ không nên tạo ra cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi đặt chân đến Việt Nam ngay từ ngày đầu tiên, ông đã cảm nhận thấy điều ấy. Từ kinh nghiệm sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, ông thấy đây là cuộc chiến phi nghĩa của Hoa Kỳ với một dân tộc giàu nhân nghĩa, thủy chung. Vì vậy, chính bản thân ông đã nhiều lần kiến nghị với chính phủ Hoa Kỳ nên từ bỏ cuộc chiến này.
Khi đó, ông chỉ mong ngày hai nước bình thường hoá quan hệ để ông quay trở lại Việt Nam trong vai trò hàn gắn vết thương cũ. Và điều mong ước ấy cuối cùng cũng đến. Sau năm 1995, ông mở văn phòng tại Hà Nội, chủ yếu làm việc ở Việt Nam và chỉ trở về Hoa Kỳ trong dịp lễ Tạ ơn và Tết Dương lịch.
Khi sang Hoa Kỳ lần đầu tiên, nhiều thứ ngỡ ngàng đến với tôi. Đón chúng tôi từ sân bay là vợ ông - cô Cẩm Linh - cùng các cháu sinh viên Việt Nam.
Tôi không nghĩ là ông kết nối và đưa nhiều sinh viên Việt Nam sang đào tạo như vậy. Ông đã kết nối để hai bên ký kết hợp tác đào tạo cho sinh viên, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì ông biết, về lý thuyết có thể đưa chuyên gia Hoa Kỳ sang đào tạo tại Việt Nam, nhưng thực hành, thực tế và thực nghiệm thì các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam chưa đủ điều kiện, nếu có cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và công nghệ mới.
Có lần, hồi ta đang đàm phán để gia nhập WTO, ông nói với tôi rằng: Việt Nam nếu gia nhập vào chuỗi thương mại toàn cầu để thúc đẩy phát triển kinh tế thì phải sớm thay đổi hệ thống giáo dục và đào tạo. Bởi vì hệ thống giáo dục và đào tạo theo cách quản lý ấy (tức là quản lý theo cách bộ chủ quản) không thể đáp ứng nguồn nhân lực đa dạng và chất lượng tốt cho nền kinh tế thị trường phát triển. Trải qua nhiều năm sau cho đến hôm nay, khi viết những dòng này, tôi vẫn suy nghĩ nhiều về những điều ông nói. Tôi suy nghĩ nhiều về thể chế tạo ra hệ thống giáo dục-đào tạo, sử dụng nhân lực và tạo cơ hội phát triển đa dạng, trong một chu trình khép kín cơ bản hoàn chỉnh giữa đào tạo và cung ứng thị trường nhân lực. Được như vậy, sinh viên sẽ biết tự chọn cho mình chương trình học phù hợp với năng lực bản thân và mức lương được hưởng khi ra trường đi làm; các em sẽ kết hợp vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu tại các viện hay đi làm tại các doanh nghiệp để nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và ý tưởng sáng tạo, và có nguồn thu nhập để trang trải cho sinh hoạt và học tập.
Trong những ngày ở Hoa Kỳ, cô Cẩm Linh kể cho tôi nghe về chàng rể Hoa Kỳ và cô. Khi kết hôn với ông, cô mới học năm nhất Đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1970, hết nhiệm kỳ, ông đưa cô về Mỹ và cô học tiếp đại học. Hai người ở với nhau hơn 40 năm nhưng không có con. Cô bảo rằng đến với nhau nên vợ nên chồng là do cái duyên trời định. Ở được với nhau ngần ấy năm (tuổi hai người chênh nhau nhiều, lại không có con ràng buộc) là do tình định. Và đến tuổi gần đất xa trời, ông và bà vẫn yêu nhau thiết tha là do tâm định.
Kiều bào xin chữ đầu Xuân tại một hoạt động dành cho kiều bào về quê đón Tết cổ truyền dân tộc
Cô kể rằng, cứ mỗi độ sau khi lễ Tạ ơn và Tết Dương lịch kết thúc là ông lại chuẩn bị mọi thứ cho cái Tết ta tại gia đình ông. Ông bảo Tết Việt Nam rất thiêng liêng. Cho nên ông muốn cả gia đình cô Cẩm Linh vẫn được đón Tết đầy đủ về tinh thần và ẩm thực như những năm trước đây ông thưởng thức Tết ta tại gia đình cô ở Sài Gòn. Vẫn những nụ mai vàng, cành đào, bánh chưng, bánh tét, giò chả, dưa hành…, mua từ các siêu thị ASEAN. Và ông cũng không quên dành cho bố mẹ vợ và anh chị em của cô mỗi người một lời chúc rất phù hợp. Theo ông, Tết cổ truyền của Việt Nam mang nhiều ý nghĩa, là niềm hạnh phúc của các gia đình được sum vầy, đoàn tụ, an vui..., niềm hạnh phúc của một đất nước thống nhất, phát triển! Dù vậy, một bộ phận kiều bào Việt Nam ở xa Tổ quốc có thể bận công việc chưa về được nhưng họ vẫn luôn hướng trái tim về Tổ quốc. Chính vì hiểu được nguyện vọng của kiều bào ta nên ngay từ trước khi có Nghị quyết 36 về công tác đối với NVNONN, ông đã đề xuất với Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện cho kiều bào về quê đón Tết.
Cô Cẩm Linh cảm thấy như trong trái tim ông chan chứa tình yêu về con người và văn hoá đất Việt. Cô nghĩ cô yêu ông không phải vì ông dành cho cô và gia đình cô tình cảm sâu nặng, mà cái cao quý hơn là ông đã ngần ấy tuổi nhưng vẫn dành những năm tháng còn lại cho quê hương và con người Việt Nam. Cô trân trọng ông bởi những tình cảm ấy. Cô kể có dịp ông còn bay từ TP Hồ Chí Minh ra Huế, Quảng Trị tìm lại những gia đình mà ông gặp trong những năm chiến tranh để giúp đỡ họ.
Tôi nhớ những dịp sau Tết Dương lịch, ông trở lại Việt Nam và kịp đón Tết ta. Có vài bận ông đến ăn Tết với gia đình tôi. Ông bảo Tết Việt Nam rất tuyệt vời! Tuyệt vời hơn Tết Dương lịch ở Hoa Kỳ. Bởi vì cái Tết Việt Nam mở ra ngày đầu tiên của năm mới là ngày ánh sáng ngập tràn, ấm áp và muôn hoa đua nở, cây cối đâm chồi nảy lộc báo hiệu một sinh khí mới. Còn cái Tết Dương lịch ở Hoa Kỳ thì phần lớn các bang đang trong mùa tuyết phủ.
Tuy nhiên, tôi còn nhớ hồi ấy ông cũng bảo rằng trong dịp Tết ta ở Việt Nam nên bớt rượu, bớt cờ bạc, quà cáp biếu xén... thì sẽ giảm tai nạn và tệ nạn, sẽ hạnh phúc hơn. Còn thương mại hàng hoá thì giá cả thị trường không thống nhất, mỗi người một kiểu và cứ nhân dịp Tết lại tăng giá, ép túi khách hàng. Hơn nữa, ý thức bảo vệ môi trường cũng cần được giáo dục sâu rộng và thực chất. Như dịp Tết, trước Tết thì sạch sẽ, chỉnh chu nhưng chưa qua Giao thừa thì rác đã ở khắp nơi... Ông bảo nếu mọi người tự ý thức được và làm tốt hơn những điều trên thì cái Tết ta sẽ trở nên đẹp hơn.
Cách đây vài năm, tôi đột ngột nhận được tin báo ông Larry đã qua đời vì bị ngã. Sự ra đi của ông vẫn khiến tôi bàng hoàng, tiếc thương cho một con người giàu lòng nhân ái. Ông không còn nữa, nhưng mỗi dịp lễ Tạ ơn, Tết Dương lịch và Tết ta sắp đến là tôi lại bồi hồi nhớ tới ông. Mỗi dịp qua các sân bay ở Hoa Kỳ hay đi các sân bay khác, tôi vẫn nhớ kỷ niệm về chuyến bay đến Hoa Kỳ năm ấy, nhưng điều tôi nhớ nhất về ông là những suy nghĩ và trăn trở của ông về Việt Nam. Ông vẫn luôn mong muốn đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, ra hoa nảy lộc như mỗi dịp Tết ta về./.
Theo Hà An (Hoa Kỳ)
Quehuongonline