Từ ngày 22/5 đến 2/6, đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 19 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ .
Đoàn đại biểu Việt Nam dự Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 19 của WMO. (Ảnh: VNMHA)
Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam là GS, TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng-Thủy văn, đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á (RA-II), Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam.
Đoàn còn có sự tham gia của TS Đặng Thanh Mai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng-Thủy văn, cố vấn thủy văn Việt Nam tại WMO, cùng các thành viên khác.
Đại hội Khí tượng Thế giới là cơ quan quyền lực cao nhất của WMO, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1951 và định kỳ 4 năm một lần. Sự kiện nhằm quyết định các chính sách chung và thông qua kế hoạch chiến lược của WMO, bầu các chức danh chủ chốt của WMO.
WMO là tổ chức liên chính phủ với 193 thành viên, thành lập trên cơ sở Công ước WMO được các thành viên phê chuẩn ngày 23/3/1950.
Đây là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc về khí tượng (thời tiết và khí hậu), thủy văn và khoa học địa vật lý liên quan.
Ngày 8/7/1975, Việt Nam chính thức là thành viên của WMO. Tổng cục Khí tượng-Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, là đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO.
Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 19 của WMO (Cg-19) tập trung vào các nội dung cụ thể. Đó là: Thảo luận về Kế hoạch chiến lược và tài chính của WMO giai đoạn 2024-2027; Đánh giá về việc tái cấu trúc tổ chức của WMO; Trao đổi về các vấn đề chung, pháp lý, chính sách, quy định, tài chính và hành chính; Tiến hành bầu các vị trí chủ chốt của WMO (như Chủ tịch, các phó chủ tịch, Tổng Thư ký WMO, Hội đồng điều hành); Đánh giá các nghị quyết đang triển khai của WMO; thảo luận về việc tổ chức Đại hội đồng lần thứ 20.
Cũng trong thời gian từ ngày 25 đến 31/5, Đoàn công tác của Việt Nam tham gia phiên toàn thể của Cg-19 thảo luận, trao đổi về một số nội dung.
Cụ thể như: Kế hoạch hoạt động thường niên, phân bổ tài chính của WMO nhiệm kỳ 2024-2027, Sáng kiến cảnh báo sớm dành cho tất cả; chính sách, nghị quyết, quy chuẩn tiêu chuẩn liên quan vấn đề kỹ thuật của các chương trình Hệ thống quan trắc trái đất, Mạng lưới quan trắc cơ bản toàn cầu, Cải tiến hoạt động kỹ thuật quan trắc.
Cũng trong khuôn khổ này, đoàn Việt Nam đã tham dự Ngày khoa học công nghệ. Theo đó, tập trung thảo luận, thống nhất về Kế hoạch thực hiện Chương trình nghiên cứu thời tiết toàn cầu, chương trình nghiên cứu khoa học theo dõi thời tiết toàn cầu, đánh giá điều khoản tham chiếu của Ban nghiên cứu, thảo luận về Chiến lược nhằm tăng cường năng lực công tác đào tạo trong WMO.
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam tham gia họp Hội đồng Thủy văn của WMO, bầu cử Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Thủy văn; thảo luận về các hoạt động chủ yếu của Hội đồng Thủy văn: báo cáo hoạt động nghiên cứu của Hội đồng Thủy văn 2020-2022, Kế hoạch thực hiện Chương trình nghiên cứu thời tiết thế giới giai đoạn 2024-2027, Tầm nhìn và Chiến lược của WMO về thủy văn; báo cáo về các hoạt động của các ban dịch vụ thời tiết khí hậu và môi trường, Ban quan trắc, cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin; kết quả và hoạt động từ hội nghị về nước năm 2023 của Liên hợp quốc và đóng góp của WMO cho Liên minh Nước và Khí hậu; các dự án thủy văn đang triển khai và theo kế hoạch, cơ sở hỗ trợ đo lường thủy văn toàn cầu; vai trò của quản lý tài nguyên nước trong mối quan hệ hệ sinh thái nước-năng lượng-thực phẩm, trao quyền cho các nhà thủy văn nữ, Chương trình liên kết về quản lý lũ lụt, Chương trình quản lý hạn hán tổng hợp...
Hai đoàn Việt Nam và Phần Lan chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sứ Phần Lan Kirsti Kauppi tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: VNMHA)
Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia nhiều cuộc hội kiến, gặp gỡ bên lề với lãnh đạo WMO, các trưởng đoàn thành viên WMO, tham gia các chương trình, dự án và hợp tác với các nước: Phần Lan, Hàn Quốc, Lào, Na Uy, Pháp, Saudi Arabia, Algeria trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của WMO trong nhiệm kỳ 2024-2027 và hợp tác khí tượng-thủy văn với các nước.
Thông qua việc tham gia tích cực vào Cg-19 và các hoạt động chủ động, đoàn Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị thế của nước ta trong việc tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trong cộng đồng WMO. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực khí tượng-thủy văn với các quốc gia.
Tại kỳ họp này, Đại hội đồng Khí tượng thế giới đã bầu cử Chủ tịch Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và bầu Tổng Thư ký WMO.
Ông Abdulla Ahmed Al Mandous, Giám đốc Cơ quan Khí tượng địa chấn Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á (RAII) đã trúng cử vị trí Chủ tịch WMO giai đoạn 2024-2027.
Bà Celeste Saulo, Giám đốc Cơ quan Khí tượng Argentina, đại diện thường trực của Argentina tại WMO, được bầu là Tổng Thư ký WMO nhiệm kỳ 2024-2027.
Như vậy, đối chiếu theo quy chế của WMO, Phó Chủ tịch Khí tượng khu vực II châu Á (RA-II) đương nhiệm là GS,TS Trần Hồng Thái. Ông sẽ đảm nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch RA-II và đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng Điều hành WMO. Ông Trần Hồng Thái sẽ trực tiếp điều hành RA-II cho đến khi RA-II tổ chức bầu cử vị trí Chủ tịch RA-II nhiệm kỳ 2024-2027.
Các quốc gia RAII cũng đã chúc mừng tân Quyền chủ tịch RAII Trần Hồng Thái tại cuộc họp tham vấn của RAII trước cuộc họp bầu cử Hội đồng điều hành của WMO.
Hiệp hội khí tượng khu vực II châu Á (RA-II) là một tổ chức thuộc WMO bao gồm Việt Nam và 34 thành viên khác của WMO trong khu vực châu Á.
Mục đích của RA-II nhằm hỗ trợ cho các thành viên trong khu vực để giải quyết các nhu cầu xã hội quan trọng liên quan lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Năm lĩnh vực ưu tiên của RA-II nhằm hướng tới các mục tiêu mà WMO trong giai đoạn 2020-2023 gồm có: Khung toàn cầu về dịch vụ khí hậu; Dịch vụ khí tượng hàng không; Nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất; Triển khai Hệ thống Quan trắc tích hợp toàn cầu WMO và Hệ thống thông tin WMO; Giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Bên lề sự kiện Cg-19 của WMO, đoàn Việt Nam tham dự các sự kiện, cuộc họp song phương. Đó là các cuộc họp song phương giữa Tổng cục Khí tượng-Thủy văn Việt Nam và Viện Khí tượng Na Uy, Cơ quan Khí tượng Pháp, Viện Khí tượng Phần Lan và Cơ quan khí tượng Algeria, Cơ quan Khí tượng quốc gia Saudi Arabia, Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc.
Theo NGÂN ANH
Nhân Dân