Trải qua hai năm Covid-19 ở nước ngoài, nhiều Việt kiều xa xứ hy vọng năm 2022 sẽ trở lại "bình thường cũ" để có thể về thăm quê hay ổn định việc kinh doanh.
"Tôi chỉ mong 2022 là thời điểm thế giới trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch. Khi đó, tôi có thể về hẳn Việt Nam sau gần 13 năm sống ở xứ người", cô Bạch Tuyết, Việt kiều 69 tuổi đang sống ở New Jersey, Mỹ, chia sẻ với VnExpress về ước mơ năm mới.
Cô Tuyết trước đây sống ở California, thường tụ họp cùng bạn bè tại hội cựu sinh viên Đại học Tổng hợp mỗi dịp lễ. Năm nay, cô chuyển tới sống cùng gia đình cháu gái ở New Jersey từ tháng 7/2021 nên chỉ đón năm mới trong nhà vì chưa kịp làm quen với nhiều người trong cộng đồng.
"Ở đây tôi chủ yếu ở trong nhà, không có nhiều bạn bè như California. Thời buổi công nghệ, chúng ta có thể giữ liên lạc dễ dàng, nhưng không được gặp mọi người trong những dịp lễ như thế này cũng rất buồn", cô nói.
Cộng đồng gốc Á ở New Jersey không nhiều, cô vài tuần trước tình cờ gặp một Hoa kiều đang sống cùng khu dân cư và hai người nhanh chóng trở nên thân thiết. Cuộc gặp "bà bạn đầu tiên ở New Jersey" trở thành niềm vui nho nhỏ cuối năm với cô Tuyết, khi có người đồng trang lứa trò chuyện và chúc nhau sức khỏe đêm giao thừa.
Đầu năm 2020, cô Tuyết về thăm họ hàng ở Đồng Tháp, nhưng kể từ đó đến nay, Việt kiều này chưa thể về quê do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cô chỉ hy vọng đi lại giữa Mỹ và Việt Nam sẽ trở lại bình thường trong năm nay và giá vé máy bay giảm xuống để cô lại có thể được gặp người thân, bạn bè ở quê hương như trước đây.
Minh Khang, 30 tuổi, Việt kiều tại San Jose, bang California, Mỹ, thì lại mong ước cuộc sống và công việc kinh doanh của gia đình trong năm mới sẽ ổn định trở lại, sau nhiều xáo trộn vì những lần phong tỏa do Covid-19.
Nhân viên y tế tại San Jose, California xét nghiệm Covid-19 cho người dân vào tháng 11/2020. Ảnh: San Francisco Chronicle.
Khang tới định cư tại San Jose từ 5 năm trước, chấp nhận chuyển sang kinh doanh tiệm tạp hóa cùng gia đình chị gái dù từng làm trong lĩnh vực thiết bị y tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc kinh doanh năm qua gặp nhiều biến động vì đại dịch, thậm chí khiến Khang có một trải nghiệm hãi hùng vì vụ đấu súng gần tiệm tạp hóa nơi anh làm việc.
"Vụ nổ súng xảy ra trước Giáng sinh gần một tháng. Nghe tiếng súng và tiếng hô hoán ngoài đường, tôi lập tức khóa chặt cửa tiệm", Khang kể. Việt kiều này cho biết đây là lần đầu tiên anh cảm nhận được nguy hiểm cận kề đến vậy, dù không rõ nguyên nhân và diễn biến của vụ đấu súng ngoài đường.
Khang cho hay người Mỹ đón năm mới 2022 trong không khí nhộn nhịp hơn rõ rệt so với năm ngoái, khi Mỹ đã thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn và mọi người có cơ hội đi chơi nhiều hơn. Tuy nhiên, anh cũng lo ngại khi biến chủng Omicron xuất hiện khiến diễn biến dịch tại Mỹ phức tạp trở lại.
Chính quyền bang California đang duy trì mở cửa nền kinh tế, nhưng vẫn kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, xét nghiệm và đẩy mạnh tiêm chủng.
Đang sống và làm việc tại Bangalore, Ấn Độ, chị Vũ Thị Hoà bày tỏ mong muốn Việt Nam - Ấn Độ sớm công nhận hộ chiếu vaccine của nhau để chị có thể về nước dễ dàng hơn trong năm mới, khi các chuyến bay thương mại được nối lại.
Chị Hòa sang Ấn Độ làm việc từ tháng 2/2020, ngay trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng toàn cầu khiến hoạt động đi lại quốc tế bị xáo trộn. Trong gần hai năm qua, chị đã chứng kiến làn sóng Covid-19 bùng phát thảm khốc ở Ấn Độ, với số ca nhiễm tính đến ngày đầu năm 2022 là 34,88 triệu người.
Khi làn sóng Covid-19 ở Ấn Độ lắng xuống, mẹ chị Hòa cuối tháng 10/2021 đã tới nước này sống cùng con gái. Tuy nhiên, chị vẫn cảm thấy tiếc khi đại dịch khiến chị không có cơ hội về Việt Nam thường xuyên hơn.
"Trong năm mới, tôi sẽ về nước thăm gia đình ngay khi có cơ hội", chị tâm sự. "Dù đã quen với cuộc sống bên này, tôi cũng như nhiều người Việt khác đều mong mỏi được trở về ăn Tết ở quê nhà".
Theo Trung Nhân
Vnexpress