Toggle navigation
Việt kiều mang bầu mắc Covid-19 ở Ai Cập chia sẻ trải nghiệm hãi hùng với đại dịch
02/08/2021 | 04:59 GMT+7
Chia sẻ :
Gia đình lớn của chị Gia Linh - một Việt kiều ở Ai Cập, mắc Covid-19. Bản thân chị Linh khi đó đang mang thai. Và họ đã phải chiến đấu với đại dịch. Dưới đây là những trải nghiệm hãi hùng không thể nào quên của họ.
LTS: Dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu khiến người người, nhà nhà hoang mang và lo sợ. Trong bối cảnh nguồn lực y tế và kinh tế còn khó khăn, Ai Cập ngay từ đầu đã chủ động phòng dịch cộng đồng và điều quan trọng nhất là tuyên truyền, phòng dịch mà không để người dân hoang mang cũng như sớm triển khai cách ly F0 tại nhà giúp giảm tải cho các bệnh viện. 

Trong đợt dịch vừa qua, nhiều Việt kiều ở Ai Cập bị mắc Covid-19 và phải cách ly tại nhà nhưng thật may mắn tất cả họ đều bình phục, khỏe mạnh sau 2 tuần điều trị. Không chỉ thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi đang mang bầu, chị Phạm Gia Linh một Việt kiều ở Ai Cập còn đón thêm một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Chị Linh muốn gửi những chia sẻ của mình mong quê hương Việt Nam vững mạnh và chiến thắng đại dịch:

Mẹ con chị Gia Linh đã vượt qua giông tố Covid-19. Ảnh: Gia Linh.
Mẹ con chị Gia Linh đã vượt qua giông tố Covid-19. Ảnh: Gia Linh.
***
Vừa ngồi hút sữa cho con vừa tranh thủ đọc tin tức về tình hình dịch bệnh ở quê nhà, tôi vô tình xem được đoạn clip nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn đang biểu diễn ở bệnh viện dã chiến số 3 tại Thủ Đức, TP.HCM. Giai điệu da diết, ngọt ngào cùng khung cảnh vắng lặng của thành phố vốn ồn ào, đông đúc khiến nước mắt tôi cứ thế mà rưng rưng, chảy xuống.

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày 
Quê hương là đường đi học 
Con về rợp bóng cờ bay”…

Kể từ cuối năm 2019 đến nay, “chùm khế ngọt” của tôi cũng như hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã phải khổ sở vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) hoành hành. Tại thời điểm này, châu Á vẫn là tâm điểm của đại dịch. Việt Nam đã bước sang giai đoạn hai, dịch bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, lây lan diện rộng và diễn biến phức tạp. Cả nước đang oằn mình “chống dịch như chống giặc”.

Mặc dù sống xa quê hương, nhưng tôi cũng như những người con xa xứ khác ngoài việc luôn cẩn thận giữ gìn sức khỏe cho bản thân thì lúc nào cũng đau đáu, thấp thỏm hướng về quê nhà, lo cho cha mẹ, gia đình, người thân. Hàng ngày cập nhật những tin tức và hình ảnh của Việt Nam lúc này, trong lòng không khỏi xót xa.

Tình hình hiện tại của Việt Nam không khác Ai Cập thời điểm giữa năm 2020. Cũng giãn cách xã hội, hàng loạt chỉ thị được đưa ra, con số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân mỗi ngày, bệnh viện quá tải, đường phố phong tỏa, hàng quán bị hạn chế và ảnh hưởng nhiều mặt trong đời sống nhân dân và xã hội. Ai nấy đều lo lắng, sợ hãi. 

Gia đình tôi chỉ có hai vợ chồng, 24/7 ở nhà, tuyệt đối không ra ngoài hay tiếp xúc người lạ, tất cả nhu yếu phẩm đều đặt mua online và mua ở siêu thị lớn để chắc chắn rằng khâu đóng gói được thực hiện tốt, đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm. Ba mẹ chồng tôi sống cùng một toà nhà với chúng tôi nhưng cũng chỉ gặp nhau 1 tuần 1 lần và phải đeo khẩu trang, đứng cách xa 2m. Sở dĩ phải cẩn thận như vậy vì ba mẹ đã già, bệnh nền nhiều, sức đề kháng kém, còn bản thân tôi lúc ấy thì đang mang bầu. 

Các nghiên cứu cho thấy, bà bầu tuy rất khó lây bệnh, nhưng một khi đã lây bệnh thì lại rất nguy hiểm, khó lường, vậy nên vợ chồng tôi tuyệt đối giữ gìn, cẩn thận. Cẩn thận là thế nhưng khi đang mang bầu ở tháng thứ 7 tôi đã bị mắc Covid-19. Ba mẹ chồng và anh chị chồng cũng có triệu chứng cùng thời điểm. Duy nhất chồng tôi không có triệu chứng gì.

Khỏi phải nói cũng biết gia đình tôi đã hoảng loạn đến thế nào. Việc đầu tiên chồng tôi - người khỏe mạnh duy nhất trong gia đình đã gọi điện đến bệnh viện để đặt bác sĩ đến nhà lấy mẫu dịch mũi, dịch họng, lấy máu để mang đi xét nghiệm. Giữa lúc bệnh viện đang quá tải, chúng tôi quyết định mời bác sĩ riêng về tại nhà lấy mẫu xét nghiệm và thăm khám chứ không ra bệnh viện, phòng tránh lây, nhiễm bệnh (trừ chụp X-Quang phổi thì phải ra phòng Lab). 

Kết quả là tôi, ba, mẹ và vợ chồng chị gái đều dương tính, duy nhất chồng tôi âm tính. Ba mẹ chồng, vợ chồng chị gái đều đã bị vào phổi nên ngoài các triệu chứng chung như sốt, đau nhức người, mệt mỏi, mất mùi vị thì họ còn bị khó thở, thở dốc, thở ngắn và tức ngực. Riêng bản thân tôi, thì 3 ngày đầu rất nhức đầu, sốt. Từ ngày 4 trở đi thì thêm đau nhức mũi, đau người, mất mùi vị, chán ăn. Từ khi biết bệnh, chúng tôi vẫn nhà ai nấy ở, ba gia đình ở ba nhà khác nhau. Tôi và chồng tôi không cách ly mặc dù chồng tôi âm tính vì khi đó tôi đang bầu ở cuối tháng thứ 7, rất nặng nề, mệt mỏi, đau nhức, có những lúc đau muốn chết đi cho hết đau nên chồng tôi phải ở cạnh 24/24 để chăm sóc. Đêm anh nằm cạnh, thỉnh thoảng sờ mũi xem tôi còn thở không. 

Nhớ lại thì càng thấy biết ơn và trân trọng người bạn đời hơn, anh đã không quản ngại nguy hiểm bản thân mà ở cạnh chăm sóc tôi, cơm bưng nước rót tận giường, nâng đỡ tôi dậy đi vệ sinh. Thỉnh thoảng tôi đau phát khóc, anh còn liều mạng ôm hôn vợ để động viên. Hàng ngày, ba bận anh chia thuốc, đưa tận tay cho tôi uống. Đơn thuốc bác sĩ kê cũng không có gì đặc biệt, bao gồm thuốc Paracetamon, vitamin C, thuốc xịt mũi, siro viêm họng, nước điện giải Osesol, và tiêm 1 mũi loại trợ phổi, Ngoài ra tôi xông mặt mỗi ngày (bà bầu không nên xông người) bằng nước nấu vỏ cam, sả, gừng, lá hương nhu, nhà có gì cho nấy. Khi bị Covid-19 sẽ bị mất vị giác, khứu giác, mệt mỏi không muốn ăn uống gì, chồng tôi nấu xúp gà rau củ, không ăn được thì cũng phải cố uống một chút nước xúp để có sức vượt qua. Chồng tôi cũng được kê 1 số vitamin như Zinc, vitamin C để tăng sức đề kháng, chống nhiễm bệnh.

Ba mẹ chồng tôi già và có nhiều bệnh nền như huyết áp, tim mạch nên khi bị Covid-19  ông bà thấy mệt mỏi hơn tôi rất nhiều. Chồng tôi cứ phải chạy đi chạy lại như con thoi giữa hai tầng, vừa phải chăm sóc vợ vừa phải kiểm tra ông bà thường xuyên. Từ ngày tôi bắt đầu mệt đến khi có triệu chứng bệnh, xét nghiệm, điều trị bệnh tổng cộng 14 ngày. Hàng ngày có bác sĩ đến tiêm, khám, kiểm tra tình trạng. Sau 14 ngày cả nhà làm xét nghiệm lại thì đều đã âm tính và khỏe dần lại.

Tuy nhiên, một trong những biến chứng mà các bà bầu dính Covid-19  hầu như đều gặp đó là sinh non, sinh sớm. Tại Malaysia có nhiều trường hợp bà bầu qua đời cả mẹ và con khi không may bị nhiễm bệnh, một số phải mổ cứu con, còn mẹ thì không qua khỏi. Tôi cũng không ngoại lệ khi sau khi khỏi bệnh hai tuần thì tôi bị sinh non, em bé ra đời khi mới tròn 35 tuần, sinh sớm 5 tuần. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy mình vô cùng may mắn khi em bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông. Một điều vô cùng ngạc nhiên là chồng tôi ăn uống và ngủ cùng giường với tôi, thậm chí ôm hôn khi tôi đang bị bệnh nhưng lại không bị lây bệnh và hoàn toàn khỏe mạnh. 

Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra rằng, Covid-19 là có thật và cực kỳ nguy hiểm, nhưng không có nghĩa cứ nhiễm bệnh là sẽ chết và không nhất thiết phải đến bệnh viện nếu tình trạng chưa nguy kịch. Chúng ta có thể làm xét nghiệm, và điều trị theo phác đồ của bác sĩ tại nhà. Cả họ nhà chồng tôi có khoảng 15 người đã bị nhiễm, hầu như là người già nhiều bệnh nền nhưng tất cả đều đã vượt qua và hiện tại khỏe mạnh bình thường. Thật xót xa khi phải chứng kiến những hình ảnh vất vả của đất nước thời gian qua nhưng cũng rất tự hào về tinh thân tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân cả nước dành cho nhau và đặc biệt dành cho thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày này. Hy vọng rằng nhân dân cả nước sẽ tiếp tục cùng chung tay chống dịch, vì một Việt Nam khỏe mạnh. Cầu mong quê hương Việt Nam sớm trở lại bình yên và phát triển như vốn có./.

CTV Gia Linh/VOV-Cairo
Từ Alexandria, Ai Cập
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com