Toggle navigation
Vị Tết xa quê
06/02/2019 | 07:04 GMT+7
Chia sẻ :
Nếu ai đó từng ví cảnh sắc mùa Xuân là khung cảnh đẹp nhất, rực rỡ nhất và sinh động nhất của một năm, thì với tôi, hương vị ngày Tết cũng là hương vị ngọt ngào và nồng nàn nhất. 
Xuân này cũng đã mấy Xuân qua,
Lòng nhớ quê xa, dạ nhớ nhà.
Tết vui nào hơn tết sum họp,
Nước ngọt nào bằng nước quê ta!

*** 

Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
- Nguyễn Du -

Cũng như bao du học sinh khác, tôi đã gói ghém những dư vị thân thuộc đó, làm hành trang bước tiếp trên con đường tương lai của mình. Mà ở nơi đó, cái không khí đầu Xuân năm mới thật quá đỗi xa lạ. Lúc mới đặt chân sang Đức, tôi được may mắn ở cùng nhà với một người anh cùng quê, mà nay hai anh em cũng đã đôi người đôi ngả. Anh ấy vốn rất tình cảm, nên mỗi lần đi học về là lại ngồi bên điện thoại hàng giờ liền để trò chuyện cùng gia đình. Còn tôi từ nhỏ vốn đã vô lo vô nghĩ, đến khi ra nước ngoài lại hiếu kì với những điều mới mẻ mà chẳng để tâm gì đến việc gọi về cho gia đình. 

Tôi còn nhớ, những ngày cuối tháng 1 năm ấy, cả nước Đức lạnh một màu trắng xóa, đường phố cũng lặng lẽ như tờ. Vì ở đây họ không hề biết đến Tết Âm lịch mà chỉ đón dịp lễ lớn nhất là lễ Giáng Sinh vào cuối tháng 12. Nghĩ về không khí đón Tết ở quê nhà mà lòng tôi chợt thấy bồi hồi. Ngồi trò chuyện với gia đình qua điện thoại, nghe ba tôi kể Tết này sẽ mua một dàn loa mới để hát với các chú các bác, mẹ tôi thì mua thêm vài bộ đồ để đi chơi Xuân cùng em tôi. Bất chợt tôi cảm thấy cô đơn và tủi thân nơi đất khách quê người. Tôi không còn muốn trải nghiệm những thứ hiện đại, tiện nghi, mới mẻ nữa, mà chỉ một lòng muốn về lại quê hương để sum họp bên người thân, gia đình. 

Dường như hiểu được tâm lý đó của tôi, người anh cùng phòng rủ tôi đi chợ mua đồ về trang trí nhà cửa, dọn dẹp, nấu ăn và rủ bạn bè sang cùng liên hoan, đón Tết cổ truyền của dân tộc. 

Vì ở đây không có ngày Tết, nên anh em, bạn bè chỉ có thể tranh thủ quây quần bên nhau vào buổi chiều tối sau giờ học, giờ làm. Gương mặt ai cũng thấm mệt nhưng ai cũng nở nụ cười rạng rỡ, cùng nhau nấu ăn, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn của năm qua. Mặc dù thiếu đi không khí sum họp nơi quê nhà, nhưng tình thương và sự thân thiết của những người bạn, người anh nơi xa xứ cũng làm cho tôi thấy thật hạnh phúc và ấm lòng. Để gần gũi hơn với không khí Tết ở Việt Nam, chúng tôi vừa ăn vừa xem chương trình cuối năm của VTV qua chiếc laptop. Và như một truyền thống đón Tết hằng năm, mọi người cùng nhau thích thú xem Táo Quân để cùng cười, cùng tổng kết lại những sự kiện nổi bật diễn ra trong năm qua góc nhìn thật hài hước, nhưng cũng không kém sâu sắc, phê bình để năm mới thay đổi tốt hơn. Khi gần bước sang năm mới, anh cùng phòng tôi lặng lẽ lấy ra một bát hương và một bó nhang vừa mua ở chợ Châu Á rồi thắp nhang khấn ông bà tổ tiên. Tôi thấy thế thắc mắc: “Mình đi xa thế, cúng xa thế, liệu ông bà tổ tiên có biết mà chứng cho mình không?”. Anh cười phá lên rồi trầm giọng bảo: “Dù ta có đi bao xa, ông bà tổ tiên vẫn ở trong thâm tâm mình em ạ!”

* * *

Ảnh chụp các bạn mới sang và các anh chị trong Hội Sinh viên Hannover

Thanh minh trong tiết tháng Ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
- Nguyễn Du -

Hai năm tôi ở nước Đức cũng là hai năm tôi đón Tết xa quê. Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè mỗi dịp Xuân về, dù ít dù nhiều vẫn khó thể nào nguôi ngoai. Nhưng nhờ các bạn mà tôi được tham gia vào Hội Sinh viên của thành phố. Ở nơi phương xa, các cô chú, anh chị cùng tập họp với nhau lại thành một hội rồi tổ chức các hoạt động, vừa là nơi tụ tập, vừa là sân chơi bổ ích cho mọi người; thông qua các hoạt động ấy lại quảng bá ngày một nhiều hơn hình ảnh về một đất nước Việt Nam tươi đẹp đến với bạn bè quốc tế và sở tại. Không những thế, các bạn du học sinh mới sang còn nhiều bỡ ngỡ như tôi cũng tìm được một nơi để tiếp thu thêm các thông tin bổ ích, từ việc học tập, cách đi lại, nơi ăn uống... để hòa nhập tốt hơn với cuộc sống nước bạn. Và mỗi dịp Xuân về, các anh chị trong ban tổ chức của Hội Sinh viên lại tổ chức các hoạt động vui Tết, kêu gọi mọi người cùng tham gia, cùng nhau bày biện trang trí, cùng nhau văn nghệ ca hát, để có được phần nào không khí Tết nhộn nhịp, thân thương của quê hương.

Tôi vẫn còn nhớ, năm ấy tôi được các anh phân công vào đội múa lân, tuy chỉ là đóng kẻng góp vui, nhưng với tôi, được làm một phần trong ngày Tết của tất cả mọi người thật sự rất khó quên. Càng gần ngày diễn ra chương trình đón năm mới, không khí lại càng tất bật hơn. Nhóm thì loay hoay trong bếp lo nấu ăn, nhóm thì chạy đi chạy lại mua đồ trang trí, nhóm thì lại mở nhạc xập xình cùng tập văn nghệ; mỗi người một việc nhưng trên gương mặt ai cũng nở nụ cười thật hạnh phúc.

Nếu như ở Việt Nam mọi người được rủ nhau đi xem bắn pháo hoa, thì ở đây họ đã làm từ cách đây hơn một tháng vào Tết Dương lịch. Nhưng điểm đặc biệt là pháo hoa ở đây được nhà nước cho phép bán và dễ dàng mua được ở các siêu thị lớn nhỏ gần nhà. Việc quản lý chất lượng pháo hoa rất nghiêm ngặt nên hầu hết đều rất an toàn cho người sử dụng. Theo tôi được biết, ở nhà pháo nói chung đã bị cấm mua bán cho cá nhân từ năm 1994. Vì thế mà người dân muốn xem pháo hoa chỉ có thể xem vào các dịp do Nhà nước tổ chức, trong đó có Đêm Giao thừa. Còn ở Đức, khi mỗi cá nhân tự mình mua và đốt pháo, không khí rất khác biệt. 

Dù là ở tại Việt Nam hay nước Đức xa xôi, dù cho đón Tết Dương lịch hay Tết cổ truyền, thì tất cả mọi người đều có một điểm chung là mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với bản thân, gia đình, bạn bè và những người xung quanh, cầu mong một năm mới thật nhiều may mắn, thật rạng rỡ. Tiếng pháo hoa nổ vang trời, ánh sáng tỏa ra lung linh vừa có ý xua đuổi điềm gở, đón chào những điều tốt lành, vừa tạo thành một nét truyền thống, một hoạt động, một nét đẹp để mọi người cùng nhau quên đi mọi lo lắng, bận rộn mà đón chờ một năm mới thật nhiều niềm vui và tiếng cười.

* * *

Món nem các bạn sinh viên làm trong chương trình đón năm mới của Hội Sinh viên

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
- Mãn Giác thiền sư -

Tết đối với tôi mãi như một vị khách, vừa lạ lại vừa rất thân quen mỗi khi đầu năm mới đến. Sau một thời gian học tập và lao động ở Đức, tôi đã có được một công việc ổn định, không còn là cậu sinh viên vô tư, rong chơi, đàn hát như lúc mới sang. Giờ đây, khi trách nhiệm công việc hàng ngày đặt lên vai, thì việc đón Tết nơi đất khách trở nên ngày một khó khăn hơn. 

Nơi tôi làm việc có ít người Việt sinh sống, vì thế tôi chỉ có thể theo dõi không khí đón Tết của quê hương qua các phương tiện hiện đại. Càng gần cuối năm, tôi lại càng hay gọi về để hỏi thăm gia đình. Khi đất nước tôi ngày một phát triển, thì việc đón Tết của người dân cũng sung túc hơn, không còn đơn thuần là cây mai, cây đào, cây quất hay mâm ngũ quả nữa. Qua truyền hình, tôi thấy thêm nhiều hoạt động đón Tết như: Nhà nước tổ chức bắn pháo hoa ở nhiều nơi hơn, đường hoa được trang trí đẹp và bắt mắt hơn, các phong bao lì xì cũng muôn hình muôn vẻ chứ không còn đơn thuần là màu đỏ như trước kia nữa... Còn tôi nơi phương xa thì lại quay về với những điều bình dị nhất. Tôi ra siêu thị tìm các loại trái cây để xếp được thành mâm ngũ quả, đi xa một chút để mua được đôi bánh chưng mang về từ chợ người Việt, rồi chụp ảnh và khoe với gia đình, bạn bè. 

Đầu năm nào cũng thế, mẹ tôi hay gọi điện bảo tôi cố gắng sắp xếp công việc để về quê ăn Tết cùng mọi người. Năm nay, tôi đã có thể tạm gác được cái bộn bề của guồng quay công việc mà dành thời gian về quê ăn Tết. Và nếu có đôi lời được nhắn gửi đến các bạn, các anh chị em ở khắp mọi nơi trên thế giới, thì tôi chỉ muốn nói rằng, Tết không chỉ là ngày lễ lớn nhất của dân tộc, ngày lễ truyền thống của ông cha, mà còn là Tết sum họp, Tết đoàn viên. Dù ai có đi xa đến đâu, thì ở nơi quê nhà, mỗi dịp năm hết Tết đến, vẫn luôn có những người thân, gia đình mong chờ chúng ta quay về để có được một cái Tết thật sự trọn vẹn. 

Quê hương không chỉ là mảnh đất nơi ta sinh ra, mà còn là những câu hát ta nghe nằm lòng khi còn bé, những món ăn dù bình dị cũng nuôi ta lớn khôn, những bạn bè đã cho ta biết bao kỉ niệm, người thầy, người cô nuôi dạy chúng ta nên người... Và trên hết, là nơi mà tổ tiên, ông bà, gia đình ta vẫn mãi ở đó mong chờ chúng ta quay về. Dù có đi xa đến đâu, đã quen với cuộc sống nơi nước bạn như thế nào, bao lâu chưa về thăm quê hương, thì vẫn chưa bao giờ là quá muộn để chúng ta có thể quay về để đón một cái Tết trọn vẹn nhất trên mảnh đất quê hương, bên người thân và gia đình của mình.

Theo Thái Dương (CHLB Đức) 
Quehuongonline
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com