Cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện rất đông đảo, trong đó có nhiều doanh nhân thành đạt, có uy tín và mối quan hệ làm ăn với nhiều đối tác ở nước sở tại. Đây chính là nguồn lực tiềm năng đối với kinh tế của Việt Nam khi kiều bào tăng cường đầu tư về nước. Tuy nhiên, muốn vận dụng hiệu quả các nguồn lực từ doanh nghiệp, doanh nhân người Việt ở nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước, cần có sự kết nối chặt chẽ.
Các kỹ sư kiều bào đang làm việc tại Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Dược NANOGEN, Khu Công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh.
Mong muốn được đầu tư tại quê hương
Khi thành đạt ở nước ngoài, nhiều kiều bào mong muốn được đóng góp cho quê hương và họ đã lựa chọn quay trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Bằng những vốn kiến thức tích lũy sau nhiều năm sống và học tập tại các nước phát triển, kiều bào chính là những người đem công nghệ tiên tiến và hiện đại về ứng dụng tại các doanh nghiệp của mình tại Việt Nam, để tạo ra những giá trị cao cho thị trường trong nước.
Trong số đó có thể kể đến Tiến sỹ Ngô Đức Chí, Việt kiều ở Bỉ, hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Global CyberSoft (Việt Nam). Global CyberSoft có trụ sở chính tại Mỹ và các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Nhật và Châu Âu. Tại thị trường Việt Nam, Global CyberSoft đang là một trong những nhà cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin và tích hợp hệ thống hàng đầu.
Hay như Esther Nguyễn - một trong số nhiều Việt Kiều trẻ trở về quê hương xây dựng sự nghiệp. Esther Nguyễn là người sáng lập và là CEO của Pops Worldwide, một công ty phân phối và quản lý âm nhạc ở TP HCM. Khá thành công ở Mỹ nhưng Esther Nguyễn lại cho rằng quê nhà Việt Nam sẽ mang lại cho mình những cô hội để lập nghiệp.
Theo ông Hồ Văn Lâm - Việt kiều tại Thái Lan, kiều bào dù ở đâu vẫn luôn cố gắng đóng góp vào sự phát triển của nước nhà, sẵn sàng trở thành những đại sứ kinh tế của Việt Nam, chỉ cần môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi. Ông Michael Bui, một doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã về Việt Nam, cụ thể là TP HCM trên 50 lần trong 25 năm qua để làm việc, nghiên cứu và đầu tư.
Tính đến nay, có gần 3.000 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD. Kiều hối chuyển về nước trong năm 2017 đạt khoảng 13,8 tỉ USD (tăng 16% so với năm 2016 và là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây), vượt qua mọi dự báo, thể hiện niềm tin của kiều bào vào môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước. Các dự án hợp tác và hoạt động kết nối đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình quản lý hiện đại, mở rộng thị trường.
Tại TP HCM hiện có hơn 900 doanh nghiệp có vốn của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư với tổng số vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD. Thành phố cũng có hơn 120 dự án đầu tư nước ngoài của kiều bào, với tổng vốn 260 triệu USD được phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài. Các dự án của kiều bào tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, trung tâm thương mại…
Đầu mối hợp tác
Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng phát triển không ngừng, mở rộng thị trường ra nước ngoài. Tuy nhiên, sự khác biệt ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường chính xác, không am hiểu văn hóa kinh doanh của người nước ngoài là những rào cản trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Về vấn đề này, theo ông Mỹ, các doanh nhân kiều bào chính là những người có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm thông tin thị trường, đầu mối hợp tác, văn hóa, tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp nước sở tại.
Nguồn lực của các doanh nhân kiều bào không chỉ là lượng kiều hối mà còn là mạng lưới thông tin cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài. Chúng ta có số lượng kiều bào lớn hội nhập tốt vào xã hội, kinh tế nước sở tại nên am hiểu ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán kinh doanh của người địa phương. Nhờ hiểu rõ tiêu chuẩn, điều kiện và sự đòi hỏi của nhà đầu tư của nước ngoài với đặc thù mỗi nước, họ có thể làm cầu nối kinh doanh rất tốt cho Việt Nam.
Điển hình là Hội doanh nhân Việt Nam tại Ucraina, với khả năng tổ chức tốt, đã liên kết được các doanh nhân người Việt để hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Ucraina, tạo dựng vị thế và nâng cao uy tín của cộng đồng người Việt Nam tại đây.
Cần có sự kết nối chặt chẽ
Tại “Hội nghị kết nối doanh nhân kiều bào đồng hành cùng sự phát triển của Thành phố” vừa diễn ra tại TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ, trước đây kiều bào là doanh nhân thành đạt ở nước ngoài muốn về Việt Nam đầu tư, kinh doanh còn gặp khó khăn do cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn rườm ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với việc mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thủ tục hành chính, việc đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam của các kiều bào đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cần nhất quán trong chính sách đối với kiều bào từ Trung ương đến địa phương. Nếu ở trung ương công việc khá suôn sẻ, thuận lợi thì ở địa phương thủ tục hành chính vẫn còn rất phiền hà. Chính việc đó đã tác động đến thái độ của cộng đồng kiều bào cho nên bà con đầu tư về nước vẫn chủ yếu là gián tiếp, thông qua người thân ở trong nước chứ chưa dám mạnh dạn trực tiếp đầu tư về nước làm ăn. Do đó, phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con kiều bào để họ yên tâm đầu tư. “Nếu hỗ trợ xử lý tốt vấn đề sẽ có tác dụng lan tỏa đến những người khác để tăng thêm niềm tin về đầu tư ở trong nước nhiều hơn”- ông Ngọc chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông David Dương, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt - Mỹ cũng chia sẻ tâm tư, doanh nhân Việt kiều ở Mỹ và Canada rất quan tâm đến các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường và năng lượng ở Việt Nam vì đây là những lĩnh vực góp phần trực tiếp cải thiện cuộc sống của người dân. Thế nhưng để thu hút được nguồn lực đầu tư của kiều bào, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi cụ thể khuyến khích đầu tư dành riêng cho kiều bào, đặc biệt là kiều bào vùng Bắc Mỹ và Canada, khu vực có hơn 2 triệu Việt kiều, chiếm trên 50% người Việt Nam ở nước ngoài.
Muốn vận dụng hiệu quả các nguồn lực từ doanh nghiệp, doanh nhân người Việt ở nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nhân kiều bào với các doanh nghiệp trong nước. Đó là chia sẻ của nhiều kiều bào khi có ý định đầu tư về nước. Henry Nguyễn là một doanh nhân rất có ảnh hưởng ở Mỹ. Anh luôn cho rằng, Việt kiều có thể làm cầu nối giữa công ty nước ngoài và công ty Việt Nam bởi không chỉ có chuyên môn và kinh nghiệm mà quan trọng là dù có thành công ở đâu thì họ cũng luôn mong muốn dành những điều tốt đẹp cho quê hương mình.
Theo Nam Anh
Đại đoàn kết