Toggle navigation
'Vào năm 2020, vợ chồng cãi nhau không biết bỏ đi đâu'
01/01/2021 | 01:06 GMT+7
Chia sẻ :
Người Việt trên thế giới nhìn lại năm 2020 không chỉ là sự gián đoạn, lo sợ, mà còn nhiều kỷ niệm lạ, những bài học bất ngờ, vì “không sách vở nào dạy cho thời đại dịch cả”.
Nói về dự định năm sau, Trịnh Thanh Thúy, 29 tuổi, sinh viên theo học thạc sĩ ở tỉnh Manitoba, Canada nói sẽ chủ động tham gia các hội thảo việc làm, chuẩn bị cho tốt nghiệp. Nhưng cô bật cười khi kể về các hội thảo tương tự đã dự của năm nay.

“Trải nghiệm trên mạng rất là lạ luôn”, Thúy nói với Zing. “Mình có tham gia một buổi. Có nhiều chatroom, mình phải vào từng cái, từng công ty. Thay vì phải xếp hàng để đặt câu hỏi, mình gõ vào rồi đợi trả lời”.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về vô vàn trải nghiệm lạ có lẽ chỉ năm 2020 mới có, mà Thúy và nhiều người Việt sống ở nước ngoài không giấu sự thích thú khi kể lại, dù vẫn xen giữa những câu chuyện về sự ảm đạm của năm nay.

Nhờ Covid-19, học món ăn Mexico

Tỉnh Manitoba, Canada, đang có lệnh không cho đến thăm nhà của nhau, vì vậy Thúy không quan sát được không khí mùa lễ tại đây. Cô phải ngừng đi xe buýt, vì sống cùng nhà một đôi vợ chồng rất cẩn trọng.

Trịnh Thanh Thúy trong một chuyến du lịch trước dịch bệnh. Ảnh: Trịnh Thanh Thúy.

“Nếu gần thì mình đi bộ, nếu xa một chút thì nhờ họ chở... Họ lo ngại và có em bé nên ít đi ra ngoài. Mình ở chung nên họ cũng không thích mình ra ngoài”, Thúy cho biết.

Mùa đông của cô ở Canada năm nay hóa ra lại “ấm hơn” vì ở nhà nhiều. Mùa lễ này, Thúy phải dùng thiệp mừng còn giữ lại từ các năm trước, vì đồ trang trí, thiệp, giấy gói quà không được coi là mặt hàng thiết yếu, và khó mua hơn.

“Không khí năm nay trầm hơn”, Thúy nói. “Mấy năm trước, luôn thấy gia đình, cha con đi mua sắm rồi chất đồ vào cốp xe đi về nhà, nhưng năm nay không có”.

Nếu thực sự muốn mua đồ trang trí, chỉ có thể đặt trước rồi tạt qua lấy hàng. Bù lại, chị vợ sống cùng nhà làm cho Thúy ba cái thiệp “đơn giản mà vẫn xinh”.

Thúy sẽ ăn tất niên cùng hai vợ chồng - vợ người Ukraine, chồng người Mexico - theo “kiểu Ukraine”, mà Thúy “chưa rõ sẽ thế nào”.

“Tết năm nay trầm hơn, nhưng sẽ đậm hơn”, cô nhận xét. “Ngồi nói chuyện với hai người sẽ khác một buổi tiệc 30 người. Mình thực sự nấu ăn chung với họ. Còn mọi năm, ở các tiệc nhiều người, họ hẹn 18h thì đúng giờ mình tới và ngồi ăn thôi”.

Nhờ vậy, cô học được một món mới của Mexico - nước sốt mole. “Trong đó có sôcôla. Họ lại cho sôcôla vào ăn với gà và cơm”, cô cười nói. “Covid-19 làm gắn kết người trong nhà nhiều hơn”.

nguoi viet o cac nuoc don giao thua anh 2
Bữa tối Giáng sinh năm nay với các bạn cùng nhà nhỏ và ấm cúng hơn so với những lần ăn Giáng sinh trước đây của Thúy. Ảnh: Trịnh Thanh Thúy.

Trần Thị Huế, 46 tuổi, người giúp việc ở Beirut, Lebanon cũng nhớ về những chuyện tích cực. Chị từng chia sẻ với Zing hồi tháng 8 về tình hình khó khăn chồng chất ở Lebanon - khủng hoảng kinh tế, dịch Covid-19, vụ nổ ở cảng. Nhà chị làm việc cách vụ nổ chỉ 1 km. Kính vỡ bay văng ra khắp nhà, người chị đổ xuống.

Cẩn thận đề phòng dịch bệnh, chị chỉ ở nhà làm việc, nhiều đến mức gia đình chủ nhà lo lắng phải khuyên chị cố ra ngoài tập thể dục.

“Một lần tôi nói là có người bạn phải đi bệnh viện. Gia đình họ bảo tôi cứ đi thăm, không sao. Họ bảo gọi Uber cho tôi đi. Nhưng tôi bảo không muốn, nếu họ đưa đi thì tôi mới đi. Cuối cùng họ vẫn đưa đi”, chị Huế nói với Zing.

“Họ thông cảm vì họ nhận ra mình đang biết tự chăm sóc bản thân giữa dịch bệnh”, chị nói thêm.


Cửa kính và đồ đạc bằng thủy tinh trong nhà chủ của chị Huế vỡ do vụ nổ tối 4/8 ở Beirut. Ảnh: Trần Thị Huế.“

Lương chúng tôi còn ít hơn lương của chị”

Đồng tiền mất giá, khủng hoảng kinh tế, hạn chế rút tiền ở Lebanon biến 2020 thành một năm khó khăn cho những người giúp việc Việt Nam tại nước này.

Có thời điểm việc chuyển tiền về nhà - có lẽ một trong những điều quan trọng nhất với người lao động di cư - là không thể. Có những chị em muốn về nước cũng không được, vì chủ không đủ điều kiện trả lương, theo chị Huế.

Chị Trần Thị Huế nói gia đình nhà chủ không trang trí cây thông Noel nhiều như mọi năm, không khí “nói chung là buồn”. Ảnh: Trần Thị Huế.

“Tôi may mắn vì chủ vẫn trả lương bằng tiền USD, còn người khác được trả bằng tiền bảng Lebanon. Chỉ những gia đình mà chồng con làm cho nước ngoài mới có tiền USD”, chị nói.

“Tình hình này, tính ra, họ còn nói đùa lương chúng tôi còn ít hơn lương của chị”, chị Huế nói. Chị tính nhẩm để chứng tỏ rằng phần lương của nhà chủ, sau khi trừ đi các chi phí và lương người giúp việc, thì phần còn lại cũng ngang với lương của chị.

Quan hệ giữa chị và chủ cũng khác đi. Chị muốn về nước hồi tháng 9, nhưng ở lại thêm vì nghĩ cho nhà chủ. “Một số chị em ở lại vì chủ, vì mình về thì chủ không mướn được người trong tình hình này. Họ cầu nài là rất cần người, hứa sẽ đảm bảo đủ lương”.

Giờ đây, đi ra đường, vào trung tâm thương mại, chị không muốn chụp ảnh vì “nhìn buồn lắm”. “Mọi năm tôi chụp ảnh thấy lung linh, giờ thấy các con ma-nơ-canh đổ ngang đổ dọc, kệ hàng cũng đổ ngang đổ dọc”.

Chị Huế mô tả năm 2020 là một năm “tồi tệ” - chị phải ở nhà nhiều, một lần hiếm hoi hồi tháng 5 mang ví tiền đi siêu thị mua quà cho người nhà thì bị cướp, mất tiền tương đương 15 triệu đồng, kèm theo dây bạc, hàng hóa.

Nhưng chị vẫn kể những chuyện tích cực: gia đình chủ ngay lập tức mua điện thoại mới cho chị, rồi những người quen, người chủ ở vài công việc khác góp tiền lại ủng hộ chị, gần bằng số tiền mất.

Một số người Việt lâu năm ở Lebanon khi nhận thêm một vài buổi làm việc ở ngoài còn tính bớt giá tiền, hoặc “chỉ lấy tiền xe thôi”, vì muốn chia sẻ với những gia đình chủ vốn quen biết. “Bây giờ ở đâu cũng khó khăn”, chị Huế nói.

Chị Huế cũng hào hứng kể rằng chị và người Việt nói chung đeo khẩu trang cẩn thận trước người các nước ở Lebanon. Chị còn khâu khẩu trang vải cho nhà chủ, chỉ cho họ đeo thế nào cho đúng, và chủ động lau chùi hàng hóa chuyển đến.

“Tôi để sẵn nước rửa tay khô ở cửa nhà. Mọi khi chắc không cho để, nhưng lần này họ thấy mình đúng nên nghe mình”, chị nói.

nguoi viet o cac nuoc don giao thua anh 7
Cây thông Noel có ghi tên của những người thiệt mạng trong vụ nổ ở cảng Beirut, được đặt gần kho ngũ cốc đã bị hư hại, ngày 22/12. Ảnh:

Reuters.“Không phải về với gia đình mới là Giáng sinh”

Đối với Lê Thu Phương, 29 tuổi, ở Brooklyn, New York, Giáng sinh và giao thừa năm nay được đón mừng kèm theo nhiều sự tế nhị và thông cảm, nhằm bảo vệ lẫn nhau.

Về nhà ba mẹ chồng dịp Giáng sinh ở bang Connecticut bên cạnh, trên đường cao tốc, Phương thấy những biển hiệu nhắc mọi người “không cần phải về với gia đình thì mới là Giáng sinh”. Để tự cách ly, cô và chồng từ chối mọi lời mời ra ngoài ăn trong 14 ngày trước khi về ba mẹ, và mọi người đều thông cảm.

Về tới Connecticut, ba mẹ chồng không muốn Phương và chồng đi siêu thị, đề phòng hai người nếu có nhiễm virus thì cũng không ảnh hưởng tới người trong siêu thị.

“Hai đứa từ New York về nên không được đi... họ có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng của họ khá cao”, cô nói với Zing.

Phương sẽ đón giao thừa bằng bữa tối nhỏ, chỉ khoảng 5 người, chỉ mời bạn bè mà cô biết chắc trong 14 ngày tới không gặp người lớn tuổi. “Mời khách năm nay tế nhị hơn nhiều”, cô nói.

Đọc báo, Phương thấy New York Times Magazine đăng bài về sự mất mát của Mỹ vì dịch Covid-19 mất kiểm soát. “Người ta chụp bàn ăn 2 người mà 3 cái đĩa, tức có một người mất đi... khá là buồn, nên phải cảnh giác, tỉnh táo hơn cho hành động của mình”.

Thành phố New York là một trong những tâm dịch đầu tiên của Mỹ, trải qua một năm 2020 tổn thất to lớn về sinh mạng, về kinh tế. Một số cửa tiệm “đặc trưng” phải đóng cửa. Có nhiều dự đoán về những thay đổi vĩnh viễn cho “thành phố không bao giờ ngủ”.

Đường phố “rất vắng” - nhiều người sống và làm việc ở đây về nhà ba mẹ ở ngoại ô, vì không còn lý do trả tiền thuê nhà “ngất trời” nữa. Vùng ngoại ô như Long Island dường như đông hơn các quận trung tâm như Brooklyn hay Queens, theo quan sát của Phương.

Đi chợ ở Whole Foods, Trader Joe’s mùa lễ cũng không còn hàng dài. Trình diễn nghệ thuật, Broadway, diễu hành - mà Phương gọi là “cái màu của NYC” - giờ không còn, “rất ảm đạm”.

Bầu trời ở thành New York vẫn xanh, nhưng “cái màu của thành phố” đang “rất ảm đạm” trong năm 2020, theo lời của Phương. Ảnh: Lê Thu Phương.

“Trên tàu điện ngầm, ‘ngày xưa’ chỉ còn một chỗ là ai cũng chen vào, bây giờ họ ngồi xa hơn hoặc thà không ngồi”, Phương nói thêm. “Nỗi sợ Covid-19 đánh bay đi thói quen ‘hustle’ (chen lấn) thường thấy ở New York”.

Dịch Covid-19 và những “cánh cửa mới”
Nhưng Phương nhìn năm 2020 một cách tích cực, dạy cho mình nhiều bài học, “mở cánh cửa mới”.

“Trải nghiệm rất khác biệt, ba mẹ mình nói sống 30-40 năm cũng không thấy cảnh như thế này, không ai cho mình lời khuyên được, không sách vở nào dạy cho thời đại dịch”, cô nói.

Đầu năm, Phương đang trong giai đoạn đàm phán lương cho một công việc mới thì New York phong tỏa, và công ty ngừng tuyển. Trong nhiều tháng sau đó, cô chỉ nhận sự im lặng hoàn toàn - “không phản hồi, không từ chối” - từ mọi công ty đăng tuyển. Mùa thu có vẻ bận rộn hơn với một số cuộc phỏng vấn.

“Một người tìm việc mãi như mình thì đã khó, đã thấy cứ kỳ vọng, kỳ vọng, kỳ vọng rồi bị từ chối, rồi tiếp tục kỳ vọng”, Phương nói. “Nhưng so với người đang có việc, con cái, tiền nhà, tiền xe phải trả, mà đột nhiên mất việc hồi hè thì còn khổ hơn cho họ”.

Nhưng dịch bệnh cũng cho Phương nhiều thời gian tìm “cánh cửa mới” - theo đuổi việc sáng tạo nội dung, học thêm về video, làm kênh YouTube, làm được nhiều số podcast theo tuần, viết blog.

Cô cũng bất ngờ khi nhắc tới một số người bạn chuyển về Việt Nam. “Nhiều người khi sang Mỹ, Australia có giấc mơ lớn là chinh phục cuộc sống của họ ở nước ngoài, nhưng Covid-19 khiến họ chấm dứt để đi con đường mới... một năm khá thú vị, nhiều người sang trang mới của cuộc đời”.

Bị giới hạn ở nhà, luôn chạm mặt nhau cũng là thử thách với các cặp đôi nói chung, và với vợ chồng Phương trong năm đầu tiên lấy nhau.

nguoi viet o cac nuoc don giao thua anh 10
Năm nay là năm “khá thử thách” với các cặp đôi, vợ chồng, Phương cho biết. Ảnh: Lê Thu Phương.

“Ngày xưa cãi nhau rồi đi làm, tối về lại hòa lại. Thời Covid, cãi nhau thì không có đâu để đi, đâu ra quán café ngồi được đâu”, cô chia sẻ. “Mình phải đối mặt với sự xung đột, học cách giải quyết, giãi bày bức xúc với người thân của mình”.

Cũng giống người Việt đang đi du lịch trong nước nhiều hơn, dịch Covid-19 cũng làm Phương cảm thấy gắn bó với thành phố New York hơn, đi chơi xung quanh New York nhiều hơn, “nhận ra Long Island có nhiều thú vị”.

“Thời điểm dịch đang cao, cứ 19h tối, từ căn hộ, mình nghe tiếng mọi người đồng loạt vỗ tay để cảm ơn y tá, bác sĩ đang làm việc liên tục”, cô nói. “Khi ông Joe Biden thắng cử, mọi người chạy lên nóc nhà gõ chảo, nồi, chúc mừng nhau”.

Cô tin chắc rằng năm sau nhịp sống New York “chắc chắn quay trở lại, lúc nào cũng có sức sống và muôn màu muôn vẻ, với vô vàn con người luôn ‘hustle’ (chen lấn) để nuôi giấc mơ riêng của họ”.

Sau những gián đoạn, hạn chế, phong tỏa do đại dịch, một số người Việt lại thấy rằng trải nghiệm học, làm việc từ xa có phần tích cực, tiết kiệm thời gian.

“Bản thân em thích học qua mạng hơn... mỗi bài giảng đều có thể xem lại”, Vũ Tuấn Hưng, du học sinh ở Đức, nói với Zing. “Em cũng làm được nhiều thứ hơn. Ngày xưa đi học trên trường thì đi học từ sáng về nhà cũng đã 18h tối rồi”.

Ông Nguyễn Ứng Long, 74 tuổi, ở ngoại ô Paris, thường sinh hoạt các khóa thiền của làng Mai ở Pháp, nhưng trong dịch Covid-19 thì gặp nhau và nói chuyện qua Zoom.

“Tôi thấy điều đó khá hay vì không mất thời gian đi xa tới những chỗ thiền, mà vẫn có thể trao đổi ý kiến với nhau. Tôi nghĩ việc hoạt động online sẽ duy trì vì bên này có những trung tâm thiền ở khá xa, đến nơi cũng khổ lắm”, ông nói với Zing.

“Khi mọi thứ chậm lại - hay đúng hơn là bị ép phải chậm lại, từ bỏ nhiều thứ - thì nhận ra cái gì quan trọng và nên đầu tư thời gian vào”, Nguyễn Ngọc Hoàng Sơn, du học sinh ở London, nói với Zing. “Cảm giác mình hiểu về bản thân nhiều hơn”.

Theo Trọng Thuấn
Zing
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com