Toggle navigation
Văn hóa Việt là sự lan tỏa từ tình yêu trong trái tim người Việt
05/02/2019 | 03:04 GMT+7
Chia sẻ :
Những câu chuyện về người Việt Nam vẹn toàn tình nghĩa đôi đường đối với đất mẹ và nơi mình gửi gắm cuộc đời cho thấy vẻ đẹp văn hóa và dân tộc Việt.
Hiện nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có khoảng 4,5 triệu người, trong đó ở Mỹ đông nhất với 2,2 triệu người (du học sinh 24.000 người), rồi đến Nhật Bản 300.000 người… và hơn thế nữa, thế hệ thứ 3, thứ 4 cũng dần trưởng thành, góp phần hình thành nên một lớp người Việt tại nước ngoài, gắn kết với người Việt trong nước, tạo nên một sức mạnh con người, một sức mạnh văn hóa Việt tồn tại cùng thế giới.

Vinh quang nơi xứ người

Trong lịch sử hàng trăm năm trước đã có nhiều người Việt Nam lưu tiếng thơm, ghi danh muôn đời khi sống và cống hiến tại nước ngoài, để lại tự hào cho nước Nam.

Bữa cơm quây quần của một gia đình Việt Nam tại Nhật Bản

Và ngày nay, truyền thông trong và ngoài nước, nhiều người Việt Nam đã biết tới Tiến sĩ Alan Phan là doanh nhân Việt đầu tiên đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán Mỹ.

Hay ông Trần Ngọc Phúc (tên Nhật của ông là Kazufuku Nitta) là người Việt vừa được nhận Huân chương Mặt trời mọc từ Nhà vua Nhật Bản (tháng 11/2018) vì đã phát triển kỹ thuật “máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số (HFO)” cho trẻ em sơ sinh và các cháu sinh thiếu tháng, góp phần tích cực vào trị liệu y khoa tại Nhật Bản.

Hay như Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam. Hiện ông là đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc cao cấp quản lý tài sản của Blackstone, là một trong những thương nhân châu Á thành công nhất tại Mỹ. Hiện ông Chu đang được lãnh đạo Blackstone giao phó nhiệm vụ "tổng chỉ huy" cho chiến dịch trị giá 25 tỷ USD,

Giáo sư Trần Văn Thọ, sống tại Nhật Bản, là người Việt duy nhất cho đến thời điểm này được tặng Thụy Bảo của Thiên hoàng Nhật Bản, ông cũng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của đương kim Thủ tướng Việt Nam.

Và gương mặt điển hình là Hạ nghị sĩ Stephanie Đỗ, hiện nay là chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt. Ngoài ra, tuy tuổi đã cao, nhưng vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc với Quỹ giáo dục Odon Vallet đã đóng góp không ngừng nghỉ cho sự phát triển tri thức Việt Nam.

Và có cả hàng triệu trái tim Việt khác trên khắp địa cầu vẫn từng giờ từng phút lao động đóng góp sức mình vào sự phát triển của nước sở tại và luôn đau đáu về quê hương. Hàng năm, số lượng kiều bào về nước là trên dưới 1 triệu người. Đến thời điểm hiện tại, NVNONN đã đầu tư gần 3.000 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỉ USD tập trung vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, lượng kiều hối đang có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng 10% - 15%/năm; năm 2017 là 13,8 tỉ USD (theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới), năm 2018 đạt 15,9 tỉ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước.

Như vậy, có thể nói NVNONN đã vẹn toàn tình nghĩa đôi đường đối với cả đất mẹ lẫn nơi mình gửi gắm cuộc đời.

Khơi gợi tinh thần Việt, san sẻ yêu thương

Dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam luôn có một tinh thần tự hào dân tộc, cảm hóa và gây dựng lòng tin để những người xung quanh hiểu rằng sự yêu thương và sẻ chia mới là tất cả.

Sư Cô Thích Tâm Trí, Hội Trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản trong nhiều năm qua đã đóng góp sức mình vào duy trì một tinh thần phong phú cho người Việt sống tại Nhật Bản khi đã cùng với Hòa thượng người Nhật Bản Daiichi xây dựng chùa Nisshin Kutsu tại Tokyo và chùa Đại Ân Honjo tại tỉnh Saitama. Những ngôi chùa này là nơi sinh hoạt tâm linh cho cộng đồng Việt tại Nhật Bản và phật tử Nhật Bản.

Sư cô Thích Tâm Trí (đứng giữa) tại một gian hàng bán trong Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản nhằm mục đích quyên tiền giúp đỡ người Việt Nam gặp khó khăn ở đây.

Hội trưởng Thích Tâm Trí cho biết, trong những năm qua Hội đã xây dựng niềm tin, củng cố sự hoà hợp trong cộng đồng, định hướng, làm chỗ dựa tinh thần cho các bạn tu nghiệp sinh, du học sinh đang học tập, làm việc tại Nhật Bản; thông qua những hoạt động thiết thực để mang hình ảnh đất nước, con người, phật giáo Việt Nam tới bạn bè Nhật Bản.

Từ khi thành lập tới nay, Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã có rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, gắn kết, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam, đồng thời là cầu nối hữu nghị quan hệ Việt - Nhật. 

Hội quyên góp hàng triệu yên Nhật ủng hộ nạn nhân động đất tại tỉnh Kumamoto và 2,5 triệu yên, hỗ trợ bà con tỉnh Hà Tĩnh chịu thiệt hại lũ lụt. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, hội đã trực tiếp cầu siêu, làm lễ hỏa táng, đưa thi hài, tro cốt cho hơn 80 trường hợp người Việt Nam không may bị chết tại Nhật Bản. Hàng năm, Hội cũng tổ chức cầu siêu cho hương linh các anh hùng, liệt sỹ hy sinh để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Có lẽ, đối với một con người, tiếng nói của đất mẹ sẽ là nguồn cội của máu thịt chính bản thân mình. Tại  thành phố Kobe, tỉnh Hyogo, Nhật Bản, những thế hệ thứ 3, thứ 4 đã dần quên tiếng Việt khi tiếng Nhật mỗi ngày một giỏi lên. Nhưng may mắn thay tại đây đã có lớp học tiếng Việt cho các cháu từ 3-13 tuổi do Hội người Việt Nam tại đây tổ chức. Hiểu tiếng Việt các cháu lại hiểu thêm sự thiêng liêng của việc dòng máu trong người mình là dòng máu Việt, thích thú với những bài hát, câu chuyện về nguồn cội. Cuộc sống lăn lộn để mưu sinh khiến cha mẹ các em dần theo thói quen nói tiếng bản địa, quen với cả món ăn và sở thích sinh hoạt nơi vùng đất mới. Vì thế, lớp học Tiếng Việt nơi đây cùng với sự giúp đỡ liên kết của các cơ quan chức năng của Chính phủ Nhật Bản, đã làm phát triển một nền văn hóa Việt trong một cộng đồng Việt ở một nền văn hóa khác văn hóa Việt.

Học sinh Việt Nam tại các trường của Nhật Bản.

Quang cảnh một buổi thi năng lực tiếng Việt dành cho người Nhật tại Nhật Bản

Hội người Việt tại Kobe nói riêng và Hội người Việt Nam tại Nhật Bản nói chung đã đang tích cực ngoài việc tích cực tổ chức các lớp dạy tiếng Việt còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, bán hàng từ thiện gây quỹ, kêu gọi cộng đồng ủng hộ những trường hợp gặp khó khăn tại Nhật Bản cũng như tại Việt Nam, ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại lũ lụt ở các địa phương Việt Nam hay động đất, sóng thần tại Nhật Bản.

Không chỉ ở Nhật Bản, các khu vực khác như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Cộng hòa Séc, Đức… và nhiều nơi trên thế giới đều có những tổ chức hội của người Việt Nam đang hoạt động tích cực vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người Việt Nam tại nước sở tại, vừa góp phần duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt, quảng bá, giới thiệu những nét đẹp đặc trưng của con người, văn hóa Việt Nam tới người dân các nước nơi mình sinh sống và làm việc. Những hoạt động đó không rầm rộ, mà âm thầm như những mạch nước ngầm, hết năm này qua năm khác, mặc cho thiên tai hay rủi ro nào đó, bền bỉ đưa suối nguồn văn hóa Việt Nam đến chính với người Việt Nam. Văn hóa Việt Nam chỉ được bạn bè quốc tế biết đến khi mỗi con người Việt Nam thật sự cảm nhận được giá trị và truyền bá bằng tâm hồn của người con đất Việt.

Nghệ thuật truyền thống Việt Nam được giới thiệu tại Lễ hội Việt Nam ở tỉnh Kanagawa, Nhật Bản.

Quang cảnh Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản

Có lẽ những người con Việt nổi tiếng và thành công tại một đất nước khác cũng là lẽ thường tình, tuy nhiên cũng rất đáng trân trọng. Truyền thống Việt Nam bao đời nay vẫn tồn tại một triết lý sống bằng những câu thành ngữ kết tinh từ cuộc sống yêu mến “thương người như thể thương thân”. Sự yêu thương ấy lại lan tỏa khắp 5 châu bốn biển khi một Đặng Văn Mong, thực tập sinh Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản đã lao mình xuống dòng kênh lạnh âm 2 độ C để cứu một người đàn ông có nguy cơ chết đuối. Dù vinh dự được Thống đốc Fukuoka vinh danh nhưng với anh Mong, anh lại nghĩ nhẹ nhàng rằng hành động đó đơn giản chỉ là muốn cứu người gặp nạn. Hơn thế nữa, trong bối cảnh tình trạng người Việt Nam tại Nhật Bản có xu hướng vi phạm pháp luật đang gia tăng, anh mong muốn người Nhật Bản vẫn suy nghĩ tốt đẹp về người Việt Nam như vốn có, và người Việt Nam tại Nhật Bản có những suy nghĩ không lành mạnh hãy sống đúng và đẹp hơn.

David Phung, chàng trai người Mỹ gốc Việt, đã được truyền thông quốc tế hết lời ca ngợi vì hành động đầy nhân văn khi can đảm lao xuống dòng nước xiết để cứu một phụ nữ trong cơn lũ lịch sử ở bang Lousiana, Mỹ năm 2016. Nếu như không có hành động ấy của Phung, thì có lẽ người phụ nữ đó và con chó của bà đã không còn nữa.

Và sư cô Thích Tâm Trí vẫn hun hút bóng gầy tại ngôi chùa Đại Ân Honjo, Nhật Bản, hàng ngày tụng kinh niệm phật cầu an lành cho chúng sinh, đất nước hưng thịnh, thức trắng đêm làm đồ ăn, quyên góp tiền giúp đỡ người dân Nhật Bản khi có thảm họa thiên tai.

Ngoài ra, còn rất nhiều người Việt Nam, các tổ chức, Hội người Việt như thế tại những quốc gia và khu vực dù giàu có như Mỹ, Nhật Bản, hay còn nghèo như người Việt tại Biển Hồ-Campuchia, chiến tranh và bất ổn như Iraq, Ai Cập… vẫn như con đò chiều chở khách qua sông, đau đáu nỗi niềm mong muốn trở về quê hương. Đó là những người con Việt Nam mang hồn cốt Việt Nam.

Có lẽ văn hóa Việt Nam không đơn thuần chỉ tồn tại ở những di sản vật thể to lớn như cố đô Huế, Phố cổ Hội An… di sản phi vật thể như dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế… với sự tôn vinh của UNESCO mà là tồn tại ở chính mỗi con người Việt Nam. Không một tấm bằng vinh danh, hay sự công nhận của một tổ chức văn hóa của thế giới nào dành cho mỗi con người Việt Nam có thể thay thế được bằng chính giá trị gồm cả phần “xác” lẫn phần “hồn” người Việt được nuôi dưỡng bằng dinh dưỡng của phù sa Sông Hồng, của dòng nước ngọt ngào đất “chín Rồng”, của truyền thống con Lạc, cháu Hồng nghìn năm lịch sử. Cả Hồn và Xác ấy vẫn hàng ngày gieo mầm hạnh phúc, tạo niềm vui cho những người dân tộc khác dù đó là nơi đâu, dù nơi ấy hiểm nguy với hạt nhân và phóng xạ nguyên tử. Đó chính là người Việt Nam của dân tộc Việt Nam bởi chỉ có sự lan tỏa bằng chính tình yêu từ mỗi trái tim mới chính là bản sắc tốt đẹp nhất của văn hóa Việt./.

Ông Katsuhito Asana - Nguyên Thứ trưởng, nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản

“Tôi đã từng nghĩ văn hóa Việt Nam các bạn chính là sự cần cù của mỗi con người. Nhưng có lẽ nếu nghĩ thế thì thật thiếu sót. Ở Nhật Bản chúng tôi, khi cảm thấy lòng tin bị lung lay với một ai đó, thì chúng tôi cứ âm thầm rút lui. Nhưng ở các bạn thì đó là sự nhẫn nại để thuyết phục lòng tin của bạn là đúng. Đó là sự hiểu mình, hiểu người và vị tha chứ không ích kỷ. Vị tha có lẽ là một đắc sắc trong những đặc sắc của văn hóa Việt Nam”.

Theo Bùi Hùng
VOV-Tokyo
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com