Thứ Bảy ngày 13/10/2018, tại Tòa thị chính Arcueil, Paris, Pháp, đã diễn ra lễ khai mạc cuộc triển lãm tranh, sách Việt Nam kỷ niệm 45 năm quan hệ Ngoại giao Pháp-Việt, do Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Tòa thị chính thành phố Arcueil và Hội Aurore (do nhà văn Trần Thu Dung làm Chủ tịch) tổ chức.
Các họa sĩ, nghệ sĩ cùng khách tham dự triển lãm
Tại đây khách tham dự được giao lưu với 6 nghệ sĩ, họa sĩ đến từ Việt Nam: Thành Chương, Đào Châu Hải, Bùi Phan Trung Dũng, Phạm An Hải, Vương Văn Thạo, Lê Anh Quân và nhà phê bình nghệ thuật Phạm Long cùng một số nhà văn Việt Nam tại Pháp, với nhiều tranh, sách bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, được xem các tiết mục văn nghệ do các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn.
Khách tham quan bất ngờ trước triển lãm hội họa với tên "Một thoáng Hà Nội" của sáu họa sĩ nổi tiếng Việt Nam. Nhà báo Anne Hugot Le Goff (báo Figago) đã đến dự và đánh giá cao tranh tượng của các họa sĩ. Bà tiếc rằng những nghệ sĩ tài hoa này ít được biết ở Pháp. Bà trân trọng giới thiệu với tựa đề 'Một thoáng Hà Nội ở Arcueil': "Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Paris và Hội Aurore đã tổ chức cuộc triển lãm tranh của 6 họa sĩ Hà Nội, tất cả đều rất hấp dẫn, tuy nhiên không nhiều người Pháp biết đến.
Tôi thích nhất tranh sơn mài của họa sĩ nổi tiếng Thành Chương, người đã kết hợp nghệ thuật truyền thống với cảm hứng hiện đại, ông đã đùa với chủ nghĩa lập thể mang sắc thái riêng. Tác phẩm của ông đã khơi lại một thời gian đã qua.
Ở triển lãm, bạn có thể ngắm 4 bức tranh sơn mài (Sơn nữ, Bé chăn trâu dưới trăng, Mẹ con và Chân dung) của Thành Chương và bốn bức tranh chân dung của Đào Châu Hải, với họa sĩ này thế giới thật là phi lý. Phạm An Hải với bốn mùa sinh động như: Xuân xanh da trời, Hè đỏ, Thu vàng và Đông xám. Bùi Phan Trung Dũng với 4 bức Mộng du (2018), gợi lên những hình ảnh xưa nhưng một nửa phần đã bị tan hủy. Lê Anh Quân với những vật liệu tổng hợp diễn tả Trẻ thơ (2018) và Vương Văn Thạo đã hóa thạch quá khứ vùi trong vật liệu lung linh.
Buổi ra mắt triển lãm rất ấn tượng, hấp dẫn với màn âm nhạc dân tộc Việt Nam. Triển lãm kết thúc, nhưng một cuốn sách đẹp lưu lại tiểu sử và chân dung các họa sĩ, cùng các bức tranh đã giúp cho cuộc triển lãm thêm hoàn hảo". (*)
Tại buổi triển lãm, tiếng đàn, tiếng hát của các nghệ sĩ Đoàn Minh Thông, Trần Sinh… và đặc biệt, họa sĩ Thành Chương tình tứ hát bài dân ca quen thuộc cùng nữ ca sĩ Xuân Quỳnh duyên dáng đã gây bất ngờ cho mọi người. Tiếng đàn điêu luyện ngẫu hứng của nghệ sĩ ưu tú Trần Sinh thu hút sự chú ý của nhiều bạn Pháp và Việt. Nhiều người ấn tượng khi lần đầu tiên được xem một buổi nhạc dân tộc Việt sống động.
Triển lãm tranh và sách diễn ra đơn giản, không có những bài diễn văn dài dòng, tất cả chỉ nhằm giới thiệu các họa sĩ và nghệ sĩ Việt. Âm nhạc dân gian với trang phục dân tộc, sách, những bức tranh ấn tượng và siêu thực của các họa sĩ thời công nghệ làm phong phú thêm hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong số sáu họa sĩ, có lẽ chỉ có Thành Chương là người duy nhất còn giữ chút phong cách dân tộc qua bốn bức sơn mài truyền thống với những hình ảnh thân quen như nữ sơn cước, bé chăn trâu. Nhưng họa sĩ đã kết hợp tài ba kỹ thuật cổ truyền và hiện đại với phong cách phương Tây. Ông đã thổi hồn vào những bức tranh đồng quê mang tính cách hiện đại được nhiều người chú ý. Có lẽ vì trong đoàn họa sĩ, ông là họa sĩ đứng tuổi nhất nên lưu luyến nhất chất dân gian.
Các họa sĩ trẻ mạnh dạn đem những kỹ thuật mới của Phương Tây để miêu tả cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam một cách siêu thực. Lê Anh Quân đã miêu tả sự ô nhiễm vào tâm hồn những đứa trẻ thơ. Chiến tranh tưởng đã đi xa, những trẻ thơ, nạn nhân chịu sự tàn dư của tro bụi chất độc màu da cam, khói bom nguyên tử, phủ kín khuôn mặt, dù máu vẫn chảy, vẫn sống, vẫn khát vọng tồn tại. Những bím tóc tết ngây thơ tung tăng đầy khói than. Con người thèm khát trở lại tuổi thơ, nhưng là một tuổi thơ ám đầy nỗi kinh hoàng vũ khí hiện đại.
Vương Thạo nhẹ nhàng lặng lẽ âm thầm hóa thạch tất cả quá khứ. Những hình vẽ như đều ám ảnh của thức ăn nhanh Macdonald. Còn đâu bữa ăn gia đình, còn đâu tình mẹ và con của Thành Chương. Tất cả cứ như cỗ máy sắp đặt công nghiệp, đều đều đơn điệu, nhạt nhạt. Tất cả cứ ảo ảo mờ mờ như tranh Mộng du của Bùi Phan Trung Dũng.
Đào Châu Hải thả nỗi cô đơn bất lực đến dửng dưng vào những khối màu đặc quánh, con người nghẹt thở. Người xem cảm giác những cái đầu đầy những khối ung thư mọc hơn là những cần ăng ten để bắt kịp nhịp sống hiện đại. Bốn mùa ấn tượng bằng màu sắc mạnh của Phạm An Hải trở thành phông chính tỏa chút nắng giữa phòng tranh. Bốn mùa đâu có đổi, chỉ có con người là đổi. Đừng đổi tại thiên nhiên, thiên nhiên mãi đáng yêu nếu con người biết trân trọng nó.
Họa sĩ Pháp Christian Lemoine, lần đầu tiên xem tranh Việt Nam đã nói: "Tôi rất ấn tượng với triển lãm tranh của sáu họa sĩ ". Ông rất vui có dịp được làm quen và trao đổi nghệ thuật và hy vọng có dịp giao lưu với các nghệ sĩ Pháp-Việt.
Bà Vintraud chưa từng đến Việt Nam, qua buổi ra mắt tranh, sách và văn nghệ, đã chủ động đề nghị Hội Aurore tổ chức một chuyến đi thăm Việt Nam với mục đích tìm hiểu nghệ thuật Việt ngày nay rất sống động đổi mới, chứ không phải như trong sách thời Đông Dương mà bà từng đọc. Những cuốn sách dịch Victor Hugo, Hector Malo, Lamamartine… đã thể hiện người Việt rất yêu văn hóa Pháp. Triển lãm sách và tranh đã giúp người Việt xa quê hương xích lại gần nhau và người Pháp hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam.
Bà Trần Thu Dung nhân dịp này giới thiệu cho các bạn châu Phi và học sinh nước ngoài biết về đất nước Việt Nam qua hội họa Việt Nam. Họ đã rất xúc động trước những hình ảnh trẻ thơ ám ảnh khói than của Lê Anh Quân đối với hình ảnh ngây thơ thổi sáo ngắm trăng của chú bé chăn trâu trong tranh sơn mài của Thành Chương.
Có người bạn Pháp yêu Việt Nam khi đến triển lãm đã mang kỷ vật của cha chú thời Đông Dương đến cho các họa sĩ xem. Kỷ vật là một bằng chứng cho mối quan hệ Việt - Pháp khăng khít vì người Pháp từng đem luồng ánh sáng hội họa, văn hóa phương Tây đến Việt Nam. Nhưng với họ, cũng còn những kỷ niệm không quên về một dân tộc bất khuất độc lập, không chịu làm nô lệ. Thật thú vị trước cửa vào triển lãm là đài tưởng niệm về những người lính Pháp đã hy sinh ở chiến trường Đông Dương. Người Việt giờ đến Pháp để triển lãm và giới thiệu về đất nước Việt Nam yêu hòa bình, muốn làm bạn với tất cả mọi người trên thế giới.
Đi một đàng học một sàng khôn. Triển lãm cũng là một dịp để các họa sĩ, nghệ sĩ, nhà văn Việt ra nước ngoài học hỏi. Đoàn họa sĩ đã kết hợp đi xem triển lãm hiện đại ở Pompidou –Trung tâm văn hóa hiện đại giữa Paris, và bảo tàng Louvre nổi tiếng để tìm hiểu thêm về hội họa thế giới xưa và nay. Trong chuyến thăm, Đoàn triển lãm sách cũng có buổi gặp gỡ với một nhà xuất bản Pháp.
Văn hóa không chỉ là giới thiệu hình ảnh đất nước mà chính là nhịp cầu hòa bình nối kết tình bạn trên trái đất.
Theo Trần Thu Dung
Quehuongonline
Họa sĩ Thành Chương ngẫu hứng hát cùng nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Trần Sinh cùng nữ ca sĩ Xuân Quỳnh
Kỷ vật thời Đông Dương của một người bạn Pháp mang đến phòng triển lãm.
Đoàn họa sĩ trước nhà văn hóa Pompidou.