Toggle navigation
Từ Hoa Kỳ nghĩ về giáo dục và đào tạo của Việt Nam (*)
01/09/2018 | 05:59 GMT+7
Chia sẻ :
Giáo dục là chìa khóa mở cửa cho sự phát triển kinh tế và xã hội, là thước đo văn minh của một quốc gia. Do vậy hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, luôn có những chính sách tiếp cận, học hỏi nền giáo dục tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển.

Sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội chụp ảnh kỷ yếu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sinh viên Việt Nam học tập tại các trường đại học ở Hoa Kỳ thường được đánh giá cao về năng lực học tập và nghiên cứu trong tất cả các ngành nghề. Thực sự trong mỗi lần gặp và trao đổi như vậy, tôi luôn cảm thấy tự hào về các thế hệ học sinh, sinh viên tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc ta – một nền văn hóa có truyền thống hiếu học, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Nếu không đến các trường đại học của Hoa Kỳ vào dịp đầu tháng 9 hàng năm là mùa nhập học, thì không thể hiểu vì sao sinh viên nhập học đông như thế. Sinh viên đủ các châu lục, đủ các màu da... đổ về học tập và nghiên cứu. Các trường đại học ở Hoa Kỳ không thể tổ chức thi cho tất cả các thí sinh trên khắp thế giới, nhưng có thể khẳng định, chất lượng đầu vào của sinh viên là không thể gian lận. Đại học ở Hoa Kỳ là nơi học thuật thực sự sáng tạo ra tri thức - sứ mệnh quan trọng nhất của trường đại học. Hồ sơ đánh giá chất lượng sinh viên nhập học có mấy yêu cầu nhập học cơ bản, từ trình độ Anh ngữ đến các môn học chuyên ngành đã được chuẩn hóa. Từ chuẩn hóa ấy kết hợp với tiêu chí hoạt động vì cộng đồng để đánh giá tố chất và phẩm chất của sinh viên để phân cấp học bổng và gửi giấy mời nhập học cho sinh viên. Việc tuyển chọn được những sinh viên ưu tú trên toàn cầu sẽ tạo nên sự khác biệt và đẳng cấp của các trường đại học. Qua đó tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt trong chất lượng đào tạo của các trường đại học ở Hoa Kỳ.

Ở Hoa Kỳ, việc đào tạo và tuyển sinh là do trường đại học tự quyết định. Họ dựa vào các tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế có uy tín để tuyển chọn đầu vào, chứ không dựa vào kết quả điểm thi đại học của một cấp quản lý giáo dục địa phương vì như vậy dễ gây ra sự gian lận về điểm số (điểm ảo), dẫn đến tình trạng chất lượng đầu vào của các trường đại học cũng “ảo” ngay từ khi sinh viên nhập học.


Ảnh minh họa

Cho đến phiên thảo luận ngày 8/8 vừa qua, Quốc hội Việt Nam vẫn chưa thể thông qua Luật giáo dục (sửa đổi), vì chưa nhận được sự thống nhất cao của giới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, thêm vào đó là sự cố gian lận chất lượng thi cử ở một số địa phương đã xảy ra vừa qua. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì dự luật này sẽ được đưa ra xem xét vào kỳ họp của Quốc hội tháng 5/2019.

Dự luật ấy rồi đây sẽ được thông qua để đáp ứng nhu cầu hội nhập của đất nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên có ai dám khẳng định sau khi có dự luật ấy thì chất lượng giáo dục và đào tạo của ta sẽ ngang bằng các nước phát triển? Đó là một đòi hỏi, thách thức và yêu cầu bức thiết của xã hội cần các nhà quản lý giáo dục của ta hoạch định chính sách nhanh nhạy, quyết đoán và năng động sáng tạo hơn trong giai đoạn mới.

Nhìn nhận khách quan về những chặng đường đã qua, đất nước ta bên cạnh sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội... thì giáo dục và đào tạo của Việt Nam đã có sự phát triển tích cực trên nhiều góc độ. Chính những kết quả đạt được ấy của giáo dục và đào tạo đã góp phần tạo động lực thúc đẩy sự thay đổi vị thế của dân tộc ta trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh tổng thể về giáo dục của ta, chắc hẳn phần đông chưa hài lòng, vì nền giáo dục đang tạo ra nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu hội nhập.

Mỗi lần bay về Việt Nam hay bay đi các nước khác, ít nhiều tôi đều có dịp gặp người Việt Nam. Trong đó chủ yếu là số trẻ từ 20-40 tuổi, nhưng họ đại đa số là đi lao động xuất khẩu, chỉ một số là du học sinh, người đi du lịch hoặc chữa bệnh. Và theo thời gian, qua nhiều hành trình bay khác nhau, tôi lại gặp người Việt nhiều hơn, ở nhiều quốc gia. Điều đó cho tôi cảm xúc vui và chạnh buồn xáo trộn. Vui vì đất nước mình đã hội nhập sâu rộng, thế hệ trẻ và mọi lứa tuổi có thể đi làm việc, học tập và du lịch khắp năm châu. Nhưng buồn vì nỗi trăn trở tại sao phần đa lại đi lao động phổ thông. Phải nhìn nhận một cách nghiêm túc là giáo dục của ta tuy phát triển, nhưng còn hạn chế và chưa đáp ứng chất lượng nguồn nhân lực cao để kịp thời đáp ứng cho công cuộc chấn hưng dân tộc và hội nhập quốc tế.


Sinh viên trường Đại học Yale - bang Connecticut, Hoa Kỳ

Trong lần về Hà Nội vừa qua, tôi có dịp trao đổi cùng một giảng viên từng tốt nghiệp tiến sỹ triết học ở Đức, hiện giảng dạy bộ môn triết học tại Học viện Chính trị Quốc gia, anh Nguyễn Xuân Hoài - Tiến sỹ Dược phẩm học tại Hoa Kỳ, đang làm việc tại một trường đại học tại Hoa Kỳ và một số bạn đã từng được đào tạo tại các nước phát triển, nay giảng dạy ở các trường đại học trong nước. Các anh đều nhận rõ sự mất cân đối trong đào tạo của Việt Nam, đánh giá giáo dục và đào tạo của mình chưa thực chất và chưa đáp ứng được nhu cầu bức thiết của thị trường lao động. Xã hội cần người có tay nghề chuyên nghiệp trong các lĩnh vực của đời sống từ sửa chữa máy công cụ, chế biến sản phẩm sau thu hoạch trong nông nghiệp, điện chiếu sáng, điện lạnh, nước, ô tô, xe máy, máy bay, điều hòa, xây dựng, chăm sóc người bệnh..., nhưng hệ thống dạy nghề của ta rất yếu kém về cả lý thuyết lẫn thực hành. Thậm chí có những nghề thị trường rất cần nhưng không được đào tạo hoặc có đào tạo nhưng thiếu chuyên nghiệp.

Sự bất cập trong đào tạo của ta không phải chỉ những người được đào tạo ở Đức, Hoa Kỳ hay các nước phát triển khác về mới hiểu, mà ai cũng hiểu. Chính vì lẽ đó nên hiện nay ở nông thôn, nhiều người đã không nuôi giấc mộng cho con vào đại học bằng mọi giá. Những người có điều kiện thì cho con đi du học; một số xoay sở cho con đi lao động ở nước ngoài; số khác cho con em tự tìm đến các chủ cơ sở tư nhân trong nước, vừa làm vừa học nghề để tự nuôi sống bản thân. Theo lẽ thường, khi hệ thống giáo dục đào tạo chưa tạo được điều kiện cho tầng lớp dân nghèo phát triển, thì con đường tìm kiếm theo kiểu tự phát, manh mún và đào tạo thiếu cơ bản là điều tất yếu. Và xã hội ấy vẫn sẽ loay hoay, xoay trở trong vòng kim cô nghiệt ngã ấy mà không thể nào thoát ra được do sự yếu kém về giáo dục và đào tạo.

Theo thiển ý của tôi thì không ai có thể lái thay con tàu của giáo dục Việt Nam tiến thẳng đến ga mới industry 4.0 ngoài những nhà quản lý giáo dục của Việt Nam. Với sự khiêm tốn và cầu thị để học hỏi các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ và các nước khác trên toàn cầu, kết hợp với sự quan tâm của hệ thống chính trị, cùng với sự tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến đóng góp của toàn xã hội thì công cuộc chấn hưng nền giáo dục và đào tạo của ta sẽ sớm khắc phục những tồn tại. Hy vọng chất lượng giáo dục và đào tạo của ta sớm đáp ứng tốt nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

(*) Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.
Hà An (Hoa Kỳ)
Quehuongonline
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com