Các thế hệ Việt kiều tại Pháp hòa cùng những bài ca đầy tự hào về đất nước, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham dự có Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường; Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO Trần Thị Hoàng Mai; Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Kinh tế Báo Nhân Dân Nguyễn Thị Thu Hà; đại diện Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội đoàn Pháp - Việt cùng đông đảo bà con Việt kiều và bạn bè Pháp.
Cách đây vừa tròn một thế kỷ, vào ngày 18-6-1919, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt “Nhóm người An Nam yêu nước”, tiền thân của phong trào Việt kiều yêu nước và Hội người Việt Nam tại Pháp (NVNTP) ngày hôm nay, gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị Versailles. Sự kiện này đã gây tiếng vang và được xem như là ngòi pháo hiệu đầu tiên khơi dậy tiềm thức và nguyện vọng yêu nước của hàng nghìn bà con thuộc các tầng lớp công nhân, chiến binh, trí thức, sinh viên, tiểu thương Việt Nam đang có mặt trên đất nước Pháp lúc bấy giờ.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt, tổ chức các hoạt động của Nhóm và đoàn kết các tầng lớp người Việt ở Pháp vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng từ chính mảnh đất Pháp này, Người đã kêu gọi nhiều nhân sĩ, trí thức hàng đầu người Việt ở Pháp về nước tham gia kháng chiến như Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Bác sĩ Trần Hữu Tước, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên hay Kỹ sư Võ Quý Huân… Những tên tuổi ấy đã trở thành những biểu tượng cao quý của lòng yêu nước, sự gắn bó với dân tộc và tinh thần đại đoàn kết toàn dân.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm ở Nhà Tương tế (Maison de Mutualité), nơi diễn ra cuộc gặp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn 2.000 kiều bào ngày 15-7-1946 trong thời gian Người thăm chính thức Pháp, ông Ngô Kim Hùng cho biết, hàng loạt hội đoàn yêu nước của người Việt tại Pháp đã ra đời, dưới nhiều hình thức và danh nghĩa khác nhau, với mục tiêu đoàn kết người Việt Nam tại Pháp đấu tranh cho nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Các hội đoàn như Việt kiều liên minh, Văn hóa Liên hiệp, Ái hữu Việt Nam, Hội những người An Nam nấu bếp, Hội tương trợ của những người lao động, Tổng hội sinh viên Đông Dương... rồi tới Hội Liên hiệp Việt kiều và sau đó là HNVNTP được thành lập năm 1975, đã dốc toàn lực góp sức trên nhiều mặt cho cuộc kháng chiến giải phóng và thống nhất đất nước, nhất là trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán, ký kết Hiệp định Paris (1968-1975).
Ông Ngô Kim Hùng nhấn mạnh, kỷ niệm 100 năm phong trào Việt kiều và HNVNTP, chúng ta ghi ơn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì chính Người đã đặt viên đá đầu tiên cho việc hình thành các tổ chức cộng đồng ở Pháp, tiền thân của HNVNTP và Người cũng đã nêu lên tinh thần và phương hướng hoạt động cho phong trào yêu nước tại Pháp. Suốt một thế kỷ qua, ngọn lửa yêu quê hương, đất nước của kiều bào ở Pháp đã được được lưu truyền qua các thế hệ, không ngừng được thắp sáng và tiếp nối theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Tiếp nối bề dày truyền thống lịch sử, bước vào giai đoạn mới cùng với đất nước thực hiện đường lối đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng Việt Nam phát triển, Hội NVNTP tiếp tục phát huy vai trò là hội đoàn có uy tín, ảnh hưởng, tập hợp được đông đảo thế hệ kiều bào tại Pháp hướng về quê hương, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, vun đắp và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hiện nay giữa hai nước Việt - Pháp.
Nhân dịp này, Chủ tịch HNVNTP gửi lời tri ân các thế hệ Việt kiều đã vượt qua mọi gian khó, có những đóng góp hết lòng vì đất nước vì phong trào yêu nước tại Pháp, cám ơn Bộ Ngoại giao, Ủy ban người Việt ở nước ngoài của TP Hồ Chí Minh và Báo Nhân Dân đã phối hợp và hỗ trợ để tổ chức sự kiện vô cùng ý nghĩa với cộng đồng người Việt tại Pháp.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường đánh giá cao những đóng góp quan trọng của phong trào Việt kiều tại Pháp, góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Dù có những thời kỳ bị chính quyền sở tại cấm hoạt động, bị khám xét nhà, bị hỏi cung… các hội đoàn Việt kiều vẫn tìm cách dưới nhiều hình thức khác nhau vì đất nước.
Tiếp bước những nhân sĩ, trí thức yêu nước thuộc thế hệ thứ nhất theo lời kêu gọi của Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến, lớp thế hệ trí thức thứ hai cũng đang ngày ngày miệt mài đóng góp trên nhiều lĩnh vực cho công cuộc phát triển của quê hương. Ghi nhận những đóng góp quan trọng cho đất nước, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất lần thứ hai và nhiều hình thức khen thưởng khác cho Hội và các cá nhân trong phong trào Việt kiều tại Pháp.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường bày tỏ tin tưởng rằng, ngọn lửa yêu nước của kiều bào tại Pháp được tiếp nối qua các thế hệ cho tới hôm nay sẽ tiếp tục đồng hành với mọi người con đất Việt trên khắp thế giới và bạn bè quốc tế để cùng đất nước đi trên chặng đường lịch sử tiếp theo vì một Việt Nam phát triển và thịnh vượng, sánh vai các cường quốc năm châu.
Thông báo về những thành tựu của Việt Nam, mới đây nhất là việc trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, nhiệm kỳ 2020-2021, với số phiếu cao kỷ lục 192/193 trong lịch sử 75 năm của Liên hợp quốc, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường khẳng định, những thành tựu vừa qua đã và đang tạo dựng nền móng vững chắc, góp phần củng cố niềm tin, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tạo điều kiện thuận lợi để những người con đất Việt ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay vững bước trên con đường đổi mới.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, HNVNTP giới thiệu cuốn sách "Một thế kỷ - Một con đường (1919-2019)" kèm đĩa phim DVD có cùng chủ để với những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện cộng đồng, ký ức nhân chứng, bài viết cảm nhận… về lịch sử của phong trào Việt kiều và hoạt động yêu nước của nhiều thế hệ và thành phần Việt kiều tại Pháp trong suốt 100 năm qua.
Nhân dịp này, HNVNTP và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức triển lãm những hình ảnh lịch sử về phong trào Việt kiều và về Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào tại Pháp. Cũng tại lễ kỷ niệm, còn có chương trình văn nghệ của Việt kiều và các nghệ sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh với các tiết mục tái hiện tinh thần "hào hùng - cách mạng - yêu nước - trữ tình - sáng tạo cộng đồng - tự hào" của Việt kiều tại Pháp trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Kinh tế Nguyễn Thị Thu Hà chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại lễ kỷ niệm.
Các thế hệ Việt kiều tại lễ kỷ niệm.
Lễ kỷ niệm diễn ra trong không khí trang trọng, ấm tình quê hương.
Bài viết "Kiều bào yêu nước" của Bác Hồ đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 15-8-1955 được giới thiệu tại lễ kỷ niệm.
Theo KHẢI HOÀN VÀ ĐÌNH TUẤN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp