Có cơ hội sống và làm việc ở nhiều quốc gia phát triển, TS Chu Đình Tới (35 tuổi, hiện là giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) vẫn quyết định trở về Việt nam để cống hiến.
TS Chu Đình Tới (giữa) trao đổi với đại biểu tại Diễn đàn trí thức trẻ VN toàn cầu lần thứ nhất - Ảnh: C.NHẬT
Nhân Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất (diễn ra tại Đà Nẵng trong hai ngày 28, 29-11), anh đã tâm tình với Tuổi Trẻ về lựa chọn trên.
* Đang có điều kiện nghiên cứu và làm việc lâu dài ở nước ngoài, vì sao anh lại quyết định quay về Việt làm việc?
- Cá nhân tôi cho rằng giới trẻ Việt có nhiều bạn rất có năng lực, đầy đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn ra nước ngoài học tập. Vấn đề là không phải ai cũng có khả năng tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ra nước ngoài học tập hiệu quả, nhất là cách kiếm học bổng.
Song song đó là câu chuyện làm sao để cạnh tranh được với nguồn nhân lực trình độ cao của quốc tế để có những công việc tốt ở trong và ngoài nước. Do đó, một trong những mong muốn của tôi khi trở về là góp phần xây dựng một chương trình tìm kiếm, đào tạo và hỗ trợ các bạn trẻ Việt trước các vấn đề trên. Tôi hi vọng điều này góp phần phát triển đất nước bằng cách này hay cách khác, cho dù họ chọn ở lại nước ngoài hay quay về VN.
* Nhưng vẫn còn đó những trăn trở từ một cựu du học sinh như anh?
- Tôi khá trăn trở về năng lực và điều kiện nghiên cứu khoa học và tiệm cận quốc tế của Việt nam để tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ đạt tầm cách mạng công nghiệp 4.0 (chẳng hạn như việc có các bài báo đạt chuẩn ISI/Scopus, các sản phẩm công nghệ chuyển giao chất lượng...) để góp phần phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế của đất nước.
Tôi mong muốn sẽ có những nguồn tài trợ nghiên cứu khoa học cho những bạn trẻ, nhà khoa học trẻ Việt Nam, đồng thời có những chương trình đào tạo để nâng cao năng lực tiếp cận và nghiên cứu khoa học của họ tiến đến tầm quốc tế.
Tôi đang bước đầu xây dựng và đào tạo đội ngũ nghiên cứu trẻ về lĩnh vực y sinh để phần nào hỗ trợ tốt nhất các bác sĩ, cử nhân và các cán bộ nghiên cứu trẻ Việt Nam.
Tôi từng du học và làm việc ở nhiều nước như Hàn Quốc (thạc sĩ), Ba Lan (tiến sĩ) và Na Uy (làm việc sau tiến sĩ). Các nước này cũng có du học sinh, và những du học sinh xuất sắc của họ khi về nước được nhà nước áp dụng những chính sách hỗ trợ rất mạnh để họ phát triển và cống hiến cho đất nước.
Hàn Quốc là một điển hình rất thành công trong việc thu hút nhân tài từ nước ngoài về quê hương góp phần phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế đất nước, tạo ra những đột phá trong công cuộc công nghiệp hóa, điều làm nền tảng cho những bước phát triển thần kỳ của xứ sở kim chi.
* Chính phủ các quốc gia trên có những ưu đãi gì để "giữ chân" những người tài đến học ở nước họ?
- Những nước tôi đến đều có những chính sách đãi ngộ, ưu đãi rất cạnh tranh để thu hút nhân tài đến nước họ làm việc. Na Uy có nhiều chương trình/gói tài trợ cho những nhà khoa học trẻ từ nước ngoài đến Na Uy làm việc, trong đó chương trình Scientia của Na Uy và EU đồng tài trợ, hoặc các gói tài trợ nghiên cứu của Quỹ nghiên cứu Na Uy.
Các quỹ này nhìn chung đều tài trợ rất hiệu quả. Họ không chỉ trả một mức lương cạnh tranh mà còn tài trợ cho các nhà khoa học trẻ thực hiện các nghiên cứu của họ.
* Anh mất bao lâu để suy nghĩ quyết định trở về? Và gia đình anh nghĩ gì?
- Tôi mất một thời gian dài đắn đo, vì Na Uy luôn được chọn là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới, thu nhập cao hàng đầu, sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học... là những điều mà một số bạn bè nhắc tôi để suy nghĩ kỹ.
Nhưng sau cùng tôi lại nhận ra một điều rất đơn giản: dù chắc chắn sẽ có không ít thử thách nhưng mình là người Việt, được quay về Việt Nam cống hiến thì đó là điều ý nghĩa, hạnh phúc nhất. Và tôi rất may mắn khi cả gia đình đều rất ủng hộ quyết định này.
Trở về từ quốc gia đáng sống
TS Chu Đình Tới trở về VN từ đầu tháng 11-2018 sau gần 10 năm học tập và làm việc ở Hàn Quốc, Ba Lan và Na Uy. Gần đây nhất, TS Tới là nghiên cứu viên tại khoa y học, ĐH Oslo Na Uy từ năm 2015-2018.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Trưa 29-11, Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất năm 2018 đã khép lại. Anh Lê Quốc Phong, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nhận định diễn đàn lần thứ nhất đã bàn về các nhóm vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, đặc biệt là trong sự tác động mạnh mẽ của công nghiệp 4.0 đến sự phát triển của đất nước chúng ta.
Anh Phong cho hay Trung ương Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo với Chính phủ, chuyển những đề xuất, kiến nghị từ diễn đàn đến các bộ ngành liên quan, giúp hiện thực hóa các giải pháp, đề xuất, ý tưởng phù hợp trong tương lai gần.
Anh Phong cho biết: "Tiếp nối thành công của diễn đàn lần thứ nhất, nội dung diễn đàn 2019 sẽ có chủ đề "Hướng đến sự phát triển bền vững". Đây là chủ đề rất rộng, rất đa dạng nhưng sẽ kỳ vọng nhiều bạn trẻ trong nhiều chuyên ngành, lĩnh vực tham gia đề xuất các vấn đề hướng đến sự phát triển của Việt Nam".
Tại phiên bế mạc diễn đàn cũng chính thức ra mắt Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. PGS.TS Trần Xuân Bách, tổng thư ký Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất, thông tin phạm vi hoạt động của Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu bao gồm 4 phần chính.
Đó là những nội dung liên quan đến kết nối thông qua việc tổ chức những diễn đàn toàn cầu, các chuỗi hội thảo chuyên đề, liên trường, liên ngành, các chuỗi đào tạo kỹ năng. Về đào tạo, mạng lưới sẽ xây dựng cơ chế đào tạo nghiên cứu cơ bản trực tuyến, chương trình trợ lý nghiên cứu, chương trình thực tập nghiên cứu và nghiên cứu thực nghiệm.
Về cơ chế phân tích chính sách, hằng năm mạng lưới sẽ tham vấn, xác định đầu tư, phát triển một số sản phẩm, giải pháp, nghiên cứu đáp ứng nhu cầu mang tính bối cảnh hóa của Việt Nam; biến những nghiên cứu thành sản phẩm cụ thể. Nhóm nghiên cứu liên ngành giúp giải quyết vấn đề cụ thể từ phía doanh nghiệp, tạo ra những cơ chế đặt hàng nghiên cứu, đề ra nội dung hoạt động hằng năm, qua đó Bộ Khoa học - công nghệ, các cơ quan liên quan có thể đặt hàng với mạng lưới.
ĐOÀN NHẠN
Theo Công Nhật
Tuổi Trẻ