Nền kinh tế phát triển cùng thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho người dân Australia một cuộc sống trù phú, sung túc với, an sinh xã hội tốt, y tế tốt, một nền giáo dục nổi tiếng… Có lẽ vì thế đây cũng là miền đất hứa, điểm đến mơ ước của dân di cư cũng như các du học sinh và thực tế cũng đã có nhiều du học sinh thành danh trên đất bạn. Thế nhưng, không phải cứ sang được xứ xở chuột túi là bước vào thiên đường.
Người Việt buôn bán ở khu Cabramatta, Sydney.
Nuôi dưỡng niềm đam mê
Trong số hơn 500.000 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Australia, có khoảng gần 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam và còn nhiều hơn số đó đang học tập tại các trường, cơ sở giáo dục của Australia tại Việt Nam. Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Australia luôn được đánh giá cao về thành tích học tập xuất sắc cũng như sự năng động trong hoạt động xã hội. Hội Sinh viên Việt Nam tại các trường đại học, các thành phố hoặc các bang ở Australia thường có hoạt động rất mạnh, các bạn trẻ rất nỗ lực để tạo nên sự khác biệt cho cộng đồng du học sinh tại xứ sở chuột túi này.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick chia sẻ, ước tính có khoảng 60.000 người Việt Nam đã học tập tại Australia và đều có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam. Họ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau - là những nhà quản lý, lãnh đạo, những doanh nhân, những học giả. Phần lớn các sinh viên Việt Nam đều trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học. Họ yêu thích cuộc sống ở Australia, nhưng họ vẫn trở về vì gia đình và cộng đồng của mình. Họ trở về vì họ có mong muốn đóng góp xây dựng Việt Nam trở thành đất nước tốt đẹp hơn.
Nếu “điểm danh” tên của những bạn trẻ thành đạt ở Australia có lẽ là khá nhiều. Có thể kể đến Dimitry Tran. Chưa bước qua tuổi 30 nhưng anh đã tạo lập được một hệ thống quản lý y tế dựa trên Deep Learning (Học hỏi sâu rộng) và trở thành sáng lập viên của Tổ chức phi lợi nhuận Harrison AI, đồng thời là người đứng đầu bộ phận sáng tạo quan trọng nhất của Ramsay Health Care - doanh nghiệp y tế. Tại buổi tọa đàm “The Inspiration - Niềm cảm hứng” tại Sydney do Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales, Australia tổ chức, Dimitry Tran chia sẻ với các bạn đang là du học sinh Việt Nam tại Australia, nếu có tham vọng, đừng chỉ tập trung vào việc học tập, mà còn phải biết nuôi dưỡng niềm đam mê, thể hiện cá tính riêng của mỗi cá nhân trong công việc và cả cuộc sống.
Cũng như Dimitry Tran, Vân Hà, cựu quản lý đầu tư tại ngân hàng lớn nhất Australia Commonwealth Bank đến Australia học tập với một suất học bổng toàn phần do Chính phủ Australia cung cấp. Vân Hà không những học rất giỏi mà còn là một thành viên tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Hà chia sẻ, chính các hoạt động ngoại khóa đã tạo ra các nền tảng kinh nghiệm, tạo ra một tác phong tự tin, chuyên nghiệp cho bản thân - “vũ khí” lợi hại giúp em giành được lợi thế trong quá trình nộp hồ sơ xin việc.
Hầu hết sinh viên Việt Nam tại Australia đều được đánh giá cao với thành tích học tập đáng nể. Ngoài Hà, Dimitry Tran còn nhiều cái tên khác có thể nhắc đến như Bùi Trung Hiếu và Trần Đặng Đình Áng vinh dự được nhận bằng khen từ Toàn quyền bang New South Wales, Australia, cùng phần thưởng trị giá 1.000 AUD/em. Hay Phạm Anh Khôi, tiến sỹ chuyên ngành Kinh tế Bất động sản tại trường Western Sydney University, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty tư vấn và quản lý bất động sản hàng đầu Colliers International; Thắng Lê, thạc sỹ ngành công nghệ thông tin và cơ khí, quản trị cao cấp mạng Network Site Reliability; Tùng Lê, Chủ tịch Công ty Tư vấn kế toán và Di trú Tiến Thịnh, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực bất động sản tại Ngân hàng ANZ...
Một điều vô cùng đáng quý như lời của Đại sứ Craig Chittick chia sẻ, các sinh viên Việt Nam khi thành đạt đều cho biết có chung một nguyện vọng được đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và hướng về quê hương Việt Nam.
Những màu sắc khác
Không chỉ có nền giáo dục chất lượng, Australia là quốc gia có nhiều thành phố nằm trong danh sách đô thị có chất lượng sống tốt nhất thế giới như: Sydney, Perth, Melbourne...Đây chính là lý do rất nhiều người muốn được sống và trở thành công dân Australia. Cộng đồng người Việt tại Australia cộng đồng di dân lớn thứ 6 ở đây với trên 330.000 người. Thế nhưng, không phải ai sang đây cũng thành đạt…
Australia rất thiếu những lao động chân tay như thợ mộc, thợ nề, thợ xây, thợ hàn, nấu ăn, làm tóc, hái hoa quả. Thế nên, ngoài các sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH danh tiếng của Úc với vốn ngoại ngữ tốt hay những doanh nhân có vốn liếng, nhạy bén với thị trường...thì rất nhiều người Việt đã chọn cho mình những công việc phổ thông, đơn giản. Với bản tính chăm chỉ, siêng năng, cần cù, nên chẳng ai thất nghiệp.
Thông thường tiền lương cho 1 giờ lao động phổ thông là 18 AUD (khoảng 300.000 đồng), nếu biết chắt chiu thì không chỉ trang trải được cuộc sống mà còn có thể tích lũy gửi về quê nhà. Nhưng phải dùng từ chắt chiu bởi các khoản sinh hoạt phí hàng ngày rất cao, những hóa đơn tiền nhà, điện, nước, xăng xe, thuế các loại, bảo hiểm nhà, xe, cầu đường... phải đóng theo tuần, tháng, năm nên đa phần bà con người Việt chọn cách làm thêm giờ để có thêm thu nhập.
Bích Hằng, sống ở bang New South Wales sang Australia đã 7 năm, quá quen thuộc với cuộc sống đắt đỏ ở xứ xở chuột túi, chị chia sẻ, trung bình một gia đình 3 người gồm hai vợ chồng và 1 đứa con nhỏ thì chi phí mỗi tháng khoảng hơn 3.000AUD (khoảng 50 triệu VND). Bởi tiền thuê nhà đã mất một nửa số đó, khoảng 1.500AUD, rồi đủ các loại tiền thuế, phí, bảo hiểm, điện nước... Để có tiền trang trải, hai vợ chồng Hằng đã phải làm tới 8-9 tiếng/ngày. Bởi với công việc phổ thông thì ngoài tăng giờ làm không có cách nào để tăng thu nhập.
Hằng bảo, có lần tham công tiếc việc cũng chỉ với mong muốn có chút tiền dư dả để tích lũy, ngoài giờ làm nail cô đã nhận thêm nấu ăn, hái hoa quả để kiếm được khoảng 200 AUD một ngày. Thế nhưng cũng chỉ kham được một thời gian rồi thôi bởi sự quá tải đã vắt kiệt sức của một bà mẹ 32 tuổi, sau giờ làm về nhà cô chỉ muốn lăn ra ngủ, không có thời gian chăm sóc gia đình. Đó cũng có lẽ cũng là lý do sang đây 7 năm nhưng Hằng hầu như không biết địa điểm nào ngoài con đường từ nhà đến những chỗ làm.
Chia sẻ của Hằng cũng là nỗi niềm của một số người Việt sang đây làm những nghề lao động giản đơn nhưng lại không được đào tạo hay có văn bằng chuyên môn, tiếng Anh không giỏi, thường bị chủ là những người châu Á bóc lột về thời gian, trả tiền công thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu quy định. Hằng bảo, lúc đầu chồng cô sang đây làm bốc vác cho một cửa hàng tạp hóa ở Tây Sydney, chỉ được trả có 10AUD/1 giờ. Không giỏi tiếng Anh, không nắm được luật lệ nên họ đâu có biết “mức giá” trung bình cho 1 giờ lao động phải là 17-20AUD. Sau nhờ người quen tư vấn, anh Đức chồng cô mới quyết định chuyển sang một ngành nghề mới hơn là tài xế cho một công ty du lịch.
Theo Hoài Nam
Đại đoàn kết