Toggle navigation
Trải nghiệm của cô dâu Việt trên đất Nhật: Đến chuyện nhỏ như đổ rác cũng không hề dễ dàng
28/11/2018 | 10:00 GMT+7
Chia sẻ :
Bài viết dưới đây được trích dẫn từ chia sẻ của chị Ngọc Lan (30 tuổi), hiện sống ở thành phố Yao, tỉnh Osaka, Nhật Bản về những thay đổi của bản thân sau 4 năm làm dâu ở xứ sở hoa anh đào.

Sau đám cưới diễn ra vào năm 2014, chị Lan đã theo chồng sang Nhật định cư. Chị kể, cuộc sống ở quê chồng – một đất nước xa lạ khiến bản thân vô cùng bỡ ngỡ, có những lúc cảm thấy lạc lõng bởi lối sống quá khác nhau, nhưng càng khám phá chị càng thấy Nhật Bản là một quốc gia hết sức thú vị.


Càng khám phá, chị Lan càng thấy Nhật Bản là một quốc gia hết sức thú vị. (Ảnh: japan.net)

Chị Ngọc Lan chia sẻ: Hồi mới sang, chị sống cùng với bố mẹ chồng. Họ đều đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn đi làm. Bố chồng chị làm bảo trì điện còn mẹ làm đóng gói hàng trong một công ty. Sáng nào mẹ cũng dậy sớm để làm cơm hộp cho cả nhà mang đi làm. Bà cũng cẩn thận để dành một phần cơm ngon lành cho con dâu ngủ dậy ăn. Chị Lan không đi làm bên ngoài nên chỉ ở nhà dọn dẹp và rửa chén bát. Dù vậy, chị vẫn được gia đình bên chồng rất tôn trọng, chưa bao giờ bố mẹ đề cập đến vấn đề tìm việc làm. Điều này có lẽ hiếm thấy ở Việt Nam, bởi nếu con dâu không đi làm thì gia đình bên chồng nhất định sẽ không vui.

Hơn nữa, trong các sinh hoạt thường ngày, chị Lan không ít lần khiến mẹ chồng “giật mình”, nhưng bà luôn chỉ dạy chị một cách cẩn thận chứ không bao giờ mắng nhiếc. Ví như việc đổi rác, như thói quen ở Việt Nam, chị vẫn đổ chung nhiều loại rác gồm thức ăn thừa, vỏ hộp… vào chung thùng rác mà chẳng nghĩ ngợi gì. Cho tới khi mẹ chồng đi làm về, bà mới lúi húi đổ ra, phân loại từng thứ một. Ban đầu chị Lan cũng hốt hoảng lắm vì không hiểu tại sao mẹ lại làm vậy. Sau khi được giải thích chị mới biết hóa ra người Nhật phân loại rác rất rõ ràng: Rác không tái chế được (thức ăn, giấy gói thực phẩm…) ; rác tái chế (như vỏ lon, chai thủy tinh) và rác ngoại cỡ (như xe đạp, tivi cũ, sofa…).


Người Nhật phân loại rác rất rõ ràng và khoa học (Ảnh: japan.net)

Không chỉ phân loại rác, để ngăn mùi hôi thối, mọi người cho rác vào túi nilong cực kín và để chỗ riêng. Trừ thức ăn ra thì những loại rác khác đều phải rửa sạch, để khô rồi mới mang đi vứt. Lon gas, bình xịt… cũng phải đâm cho xả hết hơi ra. Những loại rác to phải mua con tem bỏ rác theo loại, và điện thoại hẹn công ty rác tới lấy đi…

Mỗi ngày sẽ có lịch đổ rác từng loại riêng, tùy theo khu và được cố định giờ. Ví dụ như ở khu chị Lan ở, một tuần có 2 ngày đổ các loại rác không tái chế, một ngày đổ rác nilong… Một tháng có 2 ngày đổ các loại vỏ chai, vỏ lon và một ngày đổ các chai nước nhựa… Mỗi hộ gia đình sẽ được phát từ đầu năm lịch đổ chi tiết từng loại rác, túi đựng rác cũng được phát mới 6 tháng/lần với màu sắc khác nhau theo từng khu vực.


Người Nhật được giáo dục về giữ gìn vệ sinh chung từ khi còn bé (Ảnh dẫn theo zing.vn)

Nếu phân loại rác không đúng, nhân viên vệ sinh sẽ không gom mà để lại cho tới khi phân loại đúng từng loại. Làm sai nhiều lần thì sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, thông thường những gia đình Nhật không bao giờ làm sai, vì họ được giáo dục từ nhỏ, chỉ có du học sinh hoặc những người ngoại quốc chưa nắm rõ mới phân loại nhầm hoặc cố tình không làm.

Chị Lan chia sẻ, từ việc rất nhỏ là vứt và phân loại rác hàng ngày, chị đã học được cách sống ý thức hơn nhiều, biết chú ý tới môi trường sống xung quanh, và đặc biệt là thói quen đúng giờ. Bởi vì nếu đem rác muộn, sẽ không có ai mang đi, đồng nghĩa với việc mình phải chịu đựng mùi hôi thêm vài ngày. Người Nhật vốn không có khái niệm “cao su”.


Người Nhật tạo ra những câu chuyện đầy cảm hứng khiến cả thế giới ngưỡng mộ, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. (Ảnh: suntravel)

Nhìn cách người Nhật làm việc và sinh sống, từ lúc nào chị Lan đã hình thành được một nếp sống khoa học: sắp xếp đồ đạc trong nhà đâu ra đấy, cái gì hay dùng, cái gì ít dùng sẽ để ở đâu cho thuận tiện, lên kế hoạch làm việc cụ thể theo từng khoảng thời gian chứ không còn thích gì làm nấy như trước… Chị tâm sự:

Bốn năm sống ở đây, tôi cũng học được nhiều thứ, từ chính chồng mình, từ bố mẹ và những người xung quanh. Tôi học được ở anh sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm cao. Dù có sự cố lúc 1-2 giờ đêm anh vẫn phi tới công ty ngay. Tôi học từ bố mẹ chồng sự quan tâm, san sẻ trách nhiệm khi cả nhà đi chơi, ông bà luôn là người bế cháu, xách đồ để tôi đỡ mệt. Dù có kinh tế, bố mẹ tôi vẫn sống tiết kiệm, chăm chỉ làm việc. Tôi cũng học được ý thức xếp hàng trật tự, không bao giờ chen lấn, sự trung thực… từ những người dân nơi đây.

Chúng ta đã quá quen với những câu chuyện đầy cảm hứng của người Nhật, đã nghe quá nhiều những lời khen về đất nước văn minh và hiện đại ấy. Chúng ta khao khát một ngày Việt Nam cũng được giống như nước bạn. Nhưng nếu như chỉ dừng ở mức ngưỡng mộ mà không bắt đầu thực hiện thì sẽ chẳng bao giờ cái ngày tươi đẹp ấy thành hiện thực. Và, có lẽ nỗ lực thay đổi để trở nên vĩ đại, phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất, như chuyện đổ rác chẳng hạn.

Theo Hiểu Minh
Cộng đồng Hoa Kỳ
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com