Toggle navigation
Trại hè Tiếng Việt 2018 – âm vang tiếng Việt giữa lòng Belarus
22/08/2018 | 07:06 GMT+7
Chia sẻ :
Cha ông ta có câu “Người Việt còn thì tiếng Việt còn”. Quả thật vậy, dù ở đâu trên năm châu bốn bể, dù khó khăn cũng không thể ngăn cản những người con đất Việt hát vang khúc hát tự hào dân tộc bằng ngôn ngữ mà vốn từ lâu đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người.

Cùng chung vui tham gia trại hè. 

Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, gìn giữ hồn Việt nơi xứ người luôn là bổn phận, trách nhiệm và nhiệm vụ hàng đầu của tất thảy kiều bào xa quê. Cùng với mục đích đó. Trại hè Tiếng Việt 2018 của lớp Tiếng Việt tại Belarus đã đem lại những phút giây bổ ích, những bài học sâu sắc và những kỉ niệm khó quên cho hơn 40 con em người Việt đủ mọi lứa tuổi nơi đây.

Hòa mình vào cuộc sống tập thể trong vòng một tuần, ngày ra về không chỉ riêng tôi mà dường như tất cả mọi người đều tiếc nuối với nhau rằng “Sao trại hè lại trôi qua nhanh như vậy?”

7 ngày ở trại hè luôn được đổi mới với những chương trình hết sức đa dạng, phong phú. Cứ sau mỗi bữa sáng 30 phút, các em sẽ được tập hợp lại với nhau, tất cả chia thành 3 đội và cùng nhau tham gia vào những trò chơi vui nhộn: 1 trò chơi vận động, 1 trò chơi đòi hỏi sự khéo léo, và tất nhiên không thể thiếu trò chơi Tiếng Việt – nơi phần thưởng cao nhất luôn được ưu ái cho những ai giành chiến thắng.

Các trò chơi luôn được thay đổi mỗi ngày để tạo hứng khởi cũng như khơi gợi niềm ham muốn, niềm vui khi được vừa chơi vừa học. Và đặc biệt, dù có những bạn tiếng Việt còn kém, có những em dù còn rất nhỏ tuổi, nhưng đã tham gia trại hè thì tất cả mọi người đều phải giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, phải nói, đọc, viết, giải câu đố và cố gắng suy nghĩ bằng tiếng Việt trong mọi trò chơi.


Lưu lại những khoảng khắc bên nhau.

Tôi vẫn nhớ sự ngây thơ, hồn nhiên, những lỗi từ vựng và chính tả hết sức ngô nghê của các em khi tham gia trò chơi Tiếng Việt như “cái gỗ”, “đôi chiếc tất”, “bông khuyên tai”, “cái dường”… nhưng đôi khi cũng rất ấn tượng vì không nghĩ các em cũng biết tới những từ dường như chẳng sử dụng bao giờ trong đời sống thường ngày. Tính cạnh tranh trong trò chơi, những phần thưởng nho nhỏ sau những nỗ lực hết mình của các em đã thôi thúc, nhen nhóm trong mỗi người tình yêu lớn đối với tiếng Việt – ngôn ngữ dân tộc.

Và giờ đây sau khi trở về nhà, không ít bậc phụ huynh phải bất ngờ vì trình độ tiếng Việt của các em đã “nâng lên một tầm cao mới”, các em thích trò chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt nhiều hơn trước đây, và cũng mạnh dạn bày tỏ thắc mắc về những gì mình còn thiếu sót trong tiếng Việt để có thể sử dụng nó một cách thuần thục nhất.

Tiếng Việt cũng như mọi giá trị văn hóa khác, dễ bị bào mòn theo thời gian, trong môi trường phi ngôn ngữ và nhịp sống hối hả nơi xứ người, bởi vậy việc duy trì tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với những Việt kiều xa quê. Bởi ngôn ngữ không chỉ là tấm gương phản chiếu cuộc sống mà còn can thiệp vào bức tranh nhân cách, thông qua ngôn ngữ con người đặt vào nó nhãn quan thế giới, thể hiện trình độ văn hóa, ý thức tôn trọng cộng đồng và cả niềm tự hào dân tộc. Đây cũng chính là thành công lớn mà trại hè Tiếng Việt lần này đã thực hiện được.


Tham gia các hoạt động tập thể.

Bên cạnh các hoạt động hằng ngày còn có những cuộc thi nhỏ như thi vẽ, trang điểm, làm móng, tạo mẫu tóc ấn tượng… dành riêng cho những bạn khéo tay. Dù phần thưởng không lớn nhưng các em cũng tham gia hết sức nhiệt tình và nhờ đó cô trò đã cùng nhau phát hiện ra rất nhiều những tài năng nhí.

Cùng với những cuộc thi, trò chơi bổ ích, các em còn được tận mắt chứng kiến cách làm mật ong, tự tay quay mật và nếm thử mật ong tươi nguyên chất. Những trải nghiệm lý thú đó không chỉ các em mà cả những tình nguyện viên như chúng tôi cũng hoàn toàn bị thu hút. Mọi phút giây trong trại hè luôn vui vẻ và đáng nhớ như vậy.

Nghỉ hè vốn là niềm vui của trẻ con nhưng luôn là nỗi lo của người lớn, bởi theo guồng quay công việc, họ khó có thể theo sát mọi hoạt động của con cái cũng như luôn trò chuyện cùng con mỗi ngày. Trại hè Tiếng Việt  đã giải quyết được phần nào nỗi lo lắng đó của những phụ huynh Việt, đã mở ra một không gian vui chơi hết sức lành mạnh cho các em. Nơi đây các em được tắm hơi, bơi lội, đá bóng thỏa thích, được cùng nhau nhảy múa, ca hát, xem phim… Cũng tại nơi này đã nảy nở rất nhiều những tình bạn đẹp, những kỉ niệm khó quên.

Dù trại hè đã kết thúc nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày hè cùng hò nhau dậy vào mỗi sáng sớm, những trưa nắng gồng mình kéo co, chuyền bóng, đá chai, và những chiều muộn hát hò vang vọng cả một khoảng trời. Chúng tôi đã tạo ra một không gian riêng, một không gian rất Việt trong cái không gian chung nơi xứ người xa xôi này. Và cũng từ đó, một lần nữa cộng đồng chúng ta lại thêm phần đoàn kết, gắn bó.

Trại hè là một cộng đồng thu nhỏ, giữa trẻ con với nhau tất nhiên không thể tránh khỏi những tranh chấp, cãi vã. Nhưng sau những xung đột nhỏ đó, không chỉ các em mà cả chúng tôi – những tình nguyện viên luôn sát cánh bên cạnh cũng đã học được rất nhiều những bài học quý giá từ cô giáo phụ trách.

Chúng tôi thấu hiểu được rằng mỗi người phải biết thay đổi bản thân, dung hòa mọi sự bất hòa thì mới có thể hòa nhập, vươn xa, phát triển trong mọi hoàn cảnh khác nhau được. Trong những ngày ở trại hè, chúng tôi được trải nghiệm cuộc sống tập thể, biết đúng giờ hơn, biết nhường nhịn, lắng nghe, chăm sóc lẫn nhau hơn, và cũng từ đó lớn dần lên, trưởng thành hơn mỗi ngày.


 Miệt mài ghi danh tham gia trại hè.

Sau một tuần trở về, các em không chỉ được bổ sung thêm kiến thức tiếng Việt, mà còn học được cả kỹ năng sống và hoàn thiện nhân cách - điều mà ngoài bố mẹ ra, không phải ai cũng dạy ta một cách miễn phí cả.

Tôi vẫn không sao quên được những cái ôm đầy lưu luyến, những gương mặt đầy nuối tiếc của những trại viên nhí khi ôm chầm lấy cô giáo trong nước mắt: “Năm sau cô tổ chức một tháng luôn đi ạ”. Tiếng Việt – như một chất keo vô hình – đã gắn kết chúng tôi một cách tự nhiên, bền chặt như thế.

Hy vọng năm sau, năm sau nữa, tôi vẫn có cơ hội được tham gia vào những sự kiện bổ ích như thế này, để có thể tự hào khoe với mọi người rằng dù ở đâu, chúng tôi – những người con Việt Nam – vẫn luôn cố gắng từng ngày bảo vệ và gìn giữ tài sản văn hóa quý giá – Tiếng Việt của dân tộc.

Duyên Hồng (từ Belarus)
Quehuongonline
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com