Toggle navigation
Tôi là người Việt Nam
03/09/2018 | 08:32 GMT+7
Chia sẻ :
Dọn ra bàn khay röstis - món khoai tây bào nướng pho mát nổi tiếng của Thụy Sĩ, anh Pascal đưa cho tôi lọ gia vị và nói “nên ăn với hạt tiêu Việt Nam mới tuyệt. Tôi rất mừng siêu thị ở Geneve bán hạt tiêu ghi rõ của Việt Nam, thuộc loại thơm và cay nhất thế giới”.
Chương trình nhạc kịch của nhóm J-VOX

Sau chiến tranh, người Việt đã dùng ẩm thực, gia công may mặc để đi rất xa. Một nhóm người ăn chay trường lên kế hoạch du lịch Pháp, Đức, Ba Lan, Czech, cần tìm nhà hàng chay ngon, thêm điều kiện “ưu tiên món Á, nhất là món Việt”. Vừa lên mạng hỏi, ngay lập tức nhà hàng của người Việt ở Warszawa và Krakow tại Ba Lan, đồng loạt trả lời “Ăn đồ chay quán tôi có đấy”, “Nhà mình không nấu đồ chay, nhưng cần tớ vẫn đặt làm riêng cho nhé”. Mùa hè năm nay, khi dạo chơi dọc sông Thames, lúc hướng về cầu Tháp, tôi vừa vui vừa tự hào nhận ra một quầy bán đồ ăn nhanh Vietnamese street food giữa trái tim London - thủ đô đắt đỏ hàng đầu thế giới. 

Những niềm tự hào chung và riêng không chỉ có thế. Đi nhiều, xa xứ lâu, tôi dần nhận ra, chịu khó nói tiếng Việt hơn, chủ động giới thiệu mình là người Việt hơn, càng được đón nhận nhiều niềm vui bất ngờ. 

Người Việt ở châu Âu, hay bị nhận nhầm là người Thái, Trung, Nhật, Hàn... âu cũng là chuyện bình thường như ta khó phân biệt người Pháp khác Đức, Hà Lan, Phần Lan thế nào, nếu không trò chuyện. Tôi hay bị người qua đường chào hỏi kiểu “Ní hảo!”, “Chị từ Thái sang phải không?” “Đúng là Nhật, đi đâu cũng thích chụp ảnh!”… Bị nhầm nhiều đến nỗi bực chẳng muốn trả lời, cải chính. Nhưng bình tâm lại, thẳng thắn đáp “Không! Tôi là người Việt Nam”, lập tức, mạch chuyện được khơi mào. Và biết bao điều tự hào về quê hương xứ sở nghe được cũng thơm ngon như món röstis có mùi hạt tiêu Việt Nam trên bàn ăn của người Thụy Sĩ vậy.

Mới đây, ngồi nghỉ ở công viên Parc Guell (Tây Ban Nha), tôi không để ý có người đàn ông đang chơi cùng con nhỏ ở ghế đối diện. Tôi nói vài câu tiếng Việt với con, không ngờ anh lắng nghe, mạnh bạo hỏi “Cô là người Việt Nam?” “Sao anh biết?”. Chuyện tuôn như suối “Tôi từng sang Việt Nam ba tháng đấy, còn nhận ra giọng điệu. Tôi mê món Việt lắm, không nhiều dầu mỡ, không quá đậm cà ri và tương ớt, rất thơm ngon, tinh khiết. Người dân còn chịu khó mỉm cười, dễ gần”. Như muốn đáp đền tình cảm người Việt từng đối đãi với mình, người đàn ông Pháp đang làm việc ở Tây Ban Nha này cho tôi danh sách những nơi nên đi, phải đến để trải nghiệm thật sự văn hóa - con người Tây Ban Nha. Đang lớ ngớ vì không quen ai ở Barcelona, bỗng nhiên gặp được người tư vấn lý tưởng này mừng lắm. Cũng bởi vì tôi đã chịu khó nói tiếng Việt với con.

Liên quan đời sống nghệ thuật của người Việt ở nước ngoài, nhu cầu được nghe, được hát tiếng Việt rất lớn. Gần chục năm trở lại đây, Paris không chỉ biết các nhóm nghệ sĩ, ca sĩ từ Việt Nam sang biểu diễn, khán giả gốc Việt của ca nhạc thính phòng còn một sân khấu riêng để đến, đó là các chương trình biểu diễn của nhóm J- VOX (tức Jeune Voix, Những giọng ca trẻ), giá cả cũng rất phải chăng, 30 - 35EUR/vé. Nhóm bán chuyên nghiệp này khoảng 18 người, đều gốc Việt, là bác sĩ, kỹ sư xây dựng, nhân viên văn phòng, chuyên viên địa ốc, giáo viên dạy nhạc... muốn được hát cho thỏa đam mê và mong chia sẻ tình yêu này với khán giả. 

Thành lập từ 2010, đến nay J-VOX đã tổ chức khá nhiều chương trình như The First Noel, J- VOX Gala 1, Mười năm Trịnh Công Sơn, Tiếng thu... Và ngày 11-11-2018 tới đây, nhóm sẽ ra mắt đêm A musical night  tại Espace Ararat với các trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng The Sound of music, Mama Mia, Phantom of the Opera, New York! New York! Cats, Singing in the rain... Trần Đình Nam Anh, từng học Nhạc viện TPHCM, năm 2005 sang Pháp học chuyên ngành piano, thanh nhạc, chỉ huy hợp xướng, là người biên tập, dàn dựng và chỉ huy các đêm diễn của J- VOX. “Tôi dịch và soạn bản tiếng Việt riêng để nhóm hát. Nhóm đa năng, trình diễn được nhiều thể loại và nhiều ngôn ngữ như Pháp, Anh, Việt. Nhưng vì yêu tiếng Việt nên vẫn hát tiếng Việt hay nhất”.

Theo LÂM VĂN
SGGP
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com