Toggle navigation
Tình cảnh trái ngược của người Việt tại Mỹ trong 'vòng xoáy bão giá’
26/06/2022 | 05:17 GMT+7
Chia sẻ :
Từ học nấu ăn đến cắt giảm chi phí sinh hoạt, nhiều người Việt tại Mỹ đang “bất đắc dĩ” tìm cách sống chung với bão giá, song số khác lại chỉ thấy lạm phát “trên tivi”.

Ngồi nhẩm tính chi phí nấu ăn cho từng bữa, chị Linh Phan, sống tại Houston, Texas, vui mừng khi nhận thấy mình vừa tiết kiệm được khoảng 6 USD/ngày so với việc dùng bữa tại nhà hàng.

Trong thời buổi lạm phát leo thang trên khắp nước Mỹ, chi phí dành cho những bữa ăn tại nhà hàng đã tăng lên đáng kể. Vì vậy, dù là một người không giỏi nấu ăn và không thường xuyên làm việc này, chị Linh cũng phải “bất đắc dĩ” tự chuẩn bị bữa ăn để tiết kiệm tiền cho những “kế hoạch dài hơi khác” trong tương lai.

“Tôi gần như phải học lại nấu nướng từ đầu, do không giỏi nấu ăn và thường xuyên dùng bữa tại các nhà hàng để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây, giá cả mọi thứ tăng chóng mặt, để nhanh chóng tiết kiệm tiền mua nhà, tôi đành thắt lưng buộc bụng hết mức có thể”, chị nói.

Lạm phát là nỗi đau của nhiều người sống ở Mỹ trong suốt nhiều tháng qua, và người Việt đang sống tại đây cũng không ngoại lệ. Nhiều người Việt cho biết cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề trước tình trạng “bão giá”, song cũng có người may mắn đứng ngoài vòng xoáy trên.

lam phat o My anh 2
Nhiều người Việt tại Mỹ cho biết lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của họ. Ảnh minh họa: Reuters.

Giấy vệ sinh cũng phải tiết kiệm

Một trong những khoản cắt giảm khả dĩ nhất đối với chị Linh có lẽ là chi phí ăn uống. “Giá các món ưa thích của tôi đã tăng lên khoảng 2-5 USD. Nếu duy trì tần suất ăn ngoài thường xuyên, chi phí ăn uống hàng tháng của tôi sẽ tăng thêm một khoản lớn”, chị cho hay.

Chi phí đi lại cũng tăng đáng kể, nhưng do tính chất công việc, chị không thể cắt giảm khoản này. “Giá xăng đã vượt 5 USD/gallon (khoảng 3,8 lít) - một mức giá chưa từng có - nhưng rất khó để cắt giảm khoản này. Do tính chất công việc cần sự chủ động, tôi hầu như phải lái xe đi làm mỗi ngày”, chị nói.

Chung nỗi lo với chị Linh, chị Thu Anh, 28 tuổi, ở New Orleans, Louisiana (Mỹ) than thở: “Giá cả hiện nay tăng chóng mặt”.

lam phat o My anh 3

lam phat o My anh 4

lam phat o My anh 5
Theo nhiều người Việt, giá cả một số mặt hàng đã tăng "chóng mặt" trong nhiều tháng nay. Ảnh: NVCC.

Do thường xuyên đi chợ mua sắm thực phẩm cho gia đình, chị Thu Anh hiểu rất rõ lạm phát đang lan nhanh tới bàn ăn của gia đình chị như thế nào, đồng thời ăn mòn khoản tiết kiệm của gia đình ra sao.

“Chi phí dành cho ăn uống tăng khoảng 30 USD/tuần, trong đó thịt và rau quả tươi tăng khoảng 3%. Giá xăng tăng khoảng một USD/gallon”, chị nói với Zing. Về chi phí xăng xe, chị cho biết “để đổ đầy bình vào thời điểm này, chị phải chi ra số tiền gần gấp đôi so với trước”.

Chị cũng chia sẻ “cơn bão giá” đang ăn mòn túi tiền của gia đình chị mỗi ngày. “Đặc biệt, gia đình đang xây nhà nên chi phí đã đội lên đến 5.000 USD”.

Từ Texas (Mỹ), chị Anh Le, chủ một tiệm nail ở thành phố Corpus Christi, cho biết thời gian gần đây các mặt hàng ở Mỹ hầu như đều tăng gần gấp đôi.

“Mỗi loại sản phẩm có mức tăng khác nhau. Chẳng hạn, trước đây tôi đổ đầy bình xăng hết 75 USD thì giờ mất tới 115 USD. Thông thường, hàng tuần gia đình tôi đều đi chợ và chi khoảng 300 USD/lần, giờ đã phải trả đến 400-500 USD”, chị nói.

Không chỉ tiền sinh hoạt tăng, chi phí vật liệu phục vụ cho việc kinh doanh của chị Anh Le cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, tần suất khách quen đến tiệm cũng giảm theo.

“Giá vật liệu tăng 5-10 USD/thùng tùy từng loại. Do đó, tôi cũng phải tăng giá một số dịch vụ sử dụng nhiều vật liệu thêm khoảng 5 USD. Trước đây, khách quen thường tới tiệm khoảng 2 tuần/lần, nhưng giờ chỉ khoảng 3 tuần/lần”, chị chia sẻ.

Ngoài lạm phát tăng chóng mặt, nhiều người Việt sinh sống tại Mỹ cũng phải tìm cách ứng phó với sự thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu. “Bố mẹ chồng tôi thậm chí còn bắt các em phải cắt giảm sử dụng giấy vệ sinh để tiết kiệm chi phí”, chị Thu Anh cười nói.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu sữa bột cũng là điều người sống tại Mỹ “nhắc đi nhắc lại” trong nhiều tháng qua. “Việc mua sữa bột vào thời điểm này rất khó. Bạn tôi mới đẻ em bé, không có sữa mẹ nên phải dùng sữa bột cho con. Tuy nhiên, các kệ hàng hầu như luôn trống rỗng”, chị cho hay.

Ở khu nhà chị Thu Anh, người dân cũng bắt đầu rao tìm mua sữa bột cho con trẻ. Theo chia sẻ của chị, rất nhiều người phải mua lại từ người khác với giá khá cao.

Để giải quyết tình trạng thiếu sữa bột, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có cả việc viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) và thực hiện chiến dịch “không vận sữa bột” để vận chuyển hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Về vấn đề này, chị Thu Anh cho biết “những hành động của chính phủ cũng có ích. Tuy nhiên, một khi tình trạng thiếu hụt xảy ra, người dân sẽ có tâm lý hoảng loạn, tăng cường tích trữ. Điều này chắc chắn sẽ cần thời gian để bình ổn”, chị nói.

Trong khi đó, theo chia sẻ của chị Anh Le, nhiều người dân ở khu vực chị sống tỏ ra không hài lòng với phản ứng của chính phủ. Họ không nhận được sự giúp đỡ như mong muốn.

“Trước đây (chính phủ) có hỗ trợ vì dịch Covid-19, nhưng giờ thì ráng chịu. Một số người dân địa phương cũng giống như tôi, tỏ ra không hài lòng vì chính quyền hiện tại không giúp ích nhiều cho họ”, chị nói.

“Tôi chỉ thấy giá tăng trên tivi”

Tuy nhiên, với một số người Việt, cho tới lúc này, vòng xoáy lạm phát dường như đã bỏ qua họ. “Chỉ có giá xăng tăng, còn mọi thứ tôi thấy vẫn bình thường. Chi phí sinh hoạt của tôi vẫn như cũ, không có gì thay đổi”, chị Nguyệt Hà, 28 tuổi, hiện sống tại Georgia, nói.

“Đặc biệt, do chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng, tôi cũng không rõ xăng tăng nhiều hay ít vì không phải bơm xăng”, chị cho biết.

“Tôi chỉ thấy giá cả tăng trên tivi, còn cụ thể ra sao tôi cũng không rõ”, chị hài hước chia sẻ.

Chị Thu Anh cũng cho biết do vợ chồng chị đều là kỹ sư, có thu nhập cao hơn mức trung bình của Mỹ, đồng thời có thói quen mua sắm tiết kiệm từ trước nên “bão giá” không gây ra xáo trộn mạnh cho cuộc sống của gia đình.

“Ảnh hưởng duy nhất có lẽ là tiết kiệm của gia đình tôi sẽ giảm đi một chút. Còn đối với những thứ còn lại, tôi cũng tiếc nhưng không quá xót”, chị nói.

lam phat o My anh 6
Nhiều người Việt tại Mỹ quyết định nấu ăn tại nhà nhiều hơn để tiết kiệm chi phí. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, gia đình chị cũng chủ động sắp xếp thời gian để đi siêu thị vào cuối tuần. Vì đây là thời điểm số lượng mặt hàng lên kệ nhiều hơn.

“Đến bây giờ, gia đình tôi may mắn không phải chịu quá nhiều ảnh hưởng từ lạm phát nên tôi thấy không quá lo sợ. Vài tháng nữa có thể sẽ thiếu tương ớt sriracha, đến lúc đó tôi sẽ lo lắng”, chị hài hước chia sẻ.

Trong khi đó, chị Anh Le cho biết dù giá xăng tăng, người dân Texas vẫn duy trì thói quen di chuyển bằng xe ôtô vì rất khó thay đổi phương tiện khác.

“Một chiếc xe điện của Tesla trị giá khoảng 50.000 USD (đắt hơn so với xe thông thường). Nếu không có tiền đổ xăng thì sao có tiền mua xe điện để sử dụng?”, chị nói.

“Trong khi đó, phương tiện công cộng tuy rẻ nhưng rất mất thời gian. Chẳng hạn, từ nhà tới chỗ làm cách khoảng 10 km, tôi lái xe mất chừng 12 phút nhưng đi xe buýt sẽ mất tới 1 giờ 20 phút. Do đó, mọi người vẫn cố gắng sinh hoạt như bình thường, vẫn phải đổ xăng để đi làm và di chuyển hàng ngày”, chị nói với Zing.

Dù chi phí sinh hoạt tăng cao, may mắn gia đình chị không phải chịu thêm mức tăng tiền điện, nước do đã ký hợp đồng từ trước. Theo chị, “giá điện ở (Mỹ) thường ký theo hợp đồng vài năm với nhà cung cấp, và họ sẽ giữ nguyên giá đó cho tới khi hết hợp đồng chứ không thay đổi hàng tháng”.

“Bên cạnh đó, thành phố Corpus Christi cũng là nơi có nhiều nhà máy lọc dầu nên giá xăng dầu rẻ hơn nhiều nơi khác”, chị nói.

Theo Hải Linh - Vân Đinh
Zing
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com