Các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đã giới thiệu về sự cần thiết cũng như các phần mềm ứng dụng cho công tác này.
Trong khuôn khổ khóa Tập huấn dạy tiếng Việt dành cho các giáo viên kiều bào mới đây, đã diễn ra buổi tọa đàm “ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy tiếng Việt cho người VN ở nước ngoài”. Các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đã giới thiệu về sự cần thiết cũng như các phần mềm ứng dụng cho công tác này.
PGS TS Đỗ Phương Thảo trao đổi với giáo viên kiều bào về các phần mềm mà cô giáo đã ứng dụng trong việc giảng dạy tiếng Việt cho học sinh người Việt ở nước ngoài. Điều này cho thấy, các giáo viên kiều bào đã cố gắng rất nhiều trọng việc cập nhật những công nghệ giảng dạy mới. Ngoài những phần mềm phổ biến, TS Đỗ Phương Thảo cũng giới thiệu một số phần mềm tiên tiến khác để có thể soạn bài, tập hợp danh sách học viên hay kết nối với phụ huynh. TS Đỗ Phương Thảo cũng khẳng định về sự phong phú của nguồn học liệu số trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài:“Với môn tiếng Việt thì nguồn học liệu số vô cùng phong phú. Đây mới chỉ là một số logo của một số nguồn học liệu số mà tôi lựa chọn. Tiêu chí lựa chọn là nguồn học liệu số gần gũi, thông dụng trong quá trình thầy cô dạy cho trẻ em và người lớn của mình ở nước ngoài. Tuy nhiên, phải biến đổi linh hoạt cho phù hợp”.
Phổ biến kiến thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong các lớp học tiếng Việt ở Séc. Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+
Từng nhiều kỳ tham gia các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thiện Nam, đến từ Đại học quốc gia Hà Nội có nhiều kinh nghiệm truyền đạt dễ hiểu nhất cho các thầy cô. Câu chuyện của tiến sĩ Nguyễn Thiện Nam về việc dạy chữ việt trực tuyến cho một trẻ 7 tuổi người Việt tại Mỹ đã giúp cho các thầy cô giáo dễ dàng nhận biết về việc áp dụng hiệu quả việc dạy học phải phù hợp giữa nội dung và người học. Việc dạy trực tiếp trong một khoảng thời gian hợp lý với phương pháp dạy phát âm tiếng Việt đã mang lại hiệu quả, giúp cho các em nhanh chóng nắm được mặt chữ. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến vai trò của người dạy. Ngoài khả năng giao tiếp, quản lý lớp học, phương pháp sư phạm…., tiến sĩ Nguyễn Thiện Nam khẳng định, người dạy cần phải am hiểu văn hóa Việt:“Am hiểu về văn hóa Việt Nam và đa dạng văn hóa. Để có thể giải thích dễ hiểu về văn hóa VN cho con em. Đa dạng văn hóa phải tôn trọng văn hóa của những người học tiếng Việt. Dạy tiếng là một nghề và chúng ta cần phải học nghề đó. Để học được nghề đó, chúng ta phải có những tri thức đó”.
Với ảnh hưởng của đại dịch COVID-9, càng cho thấy sự cần thiết áp dụng các phương pháp trực tuyến trong việc giảng dạy để việc lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài không bị ngừng trệ. Bà Vũ Thị Tú Anh, phó vụ trưởng vụ giáo dục thường xuyên bộ giáo dục đào tạo khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên, thường xuyên được tiếp cận, bồi dưỡng công nghệ mới trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài như sau:“ Đội ngũ giáo viên tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, việc tổ chức bồi dưỡng thông tin,cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, trao đổi phương pháp giảng dạy là vô cùng cần thiết. Điều này vừa giúp cho giáo viên giảng dạy dễ dàng hơn, hiệu quả hơn,vừa góp phần duy trì ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho con em kiều bào, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: BTC
Những ý kiến của các nhà khoa học các nhà chuyên môn tại cuộc tọa đàm đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy tiếng Việt không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Trong đó, vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học trong việc truyền đam mê cho các thầy cô giáo để các thầy cô lan tỏa tình yêu tiếng Việt cho con em kiều bào là vô cùng cần thiết. Mỗi thầy cô giáo với niềm đam mê, nhiệt huyết luôn mong muốn đổi mới phương pháp giảng dạy với việc ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật kiến thức mới để các bài giảng cho dù là khó hiểu nhất cũng đến được với người Việt và trẻ em kiều bào.
Theo HM
VOV