Tuổi 30 làm trưởng một phòng nghiên cứu về khí tượng thủy văn khá mạnh tại Mỹ, TS Trịnh Quang Toàn là đối tác của Cục Công binh Mỹ trong vấn đề dự báo tác động của siêu bão lên hệ thống hồ đập nước này. Anh cũng đang chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất thế giới về Việt Nam.
TS Trịnh Quang Toàn nguyên là sinh viên Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội. 9 năm trước, khi vừa tốt nghiệp đại học, anh vinh dự được một GS Mỹ nhận đặc cách làm nghiên cứu sinh (không qua thạc sỹ) tại Đại học California Davis. Lý do của sự đặc cách này là thời sinh viên, anh tham gia vào nhiều nghiên cứu khoa học, có cả những công bố quốc tế khi đang trên ghế nhà trường đồng thời nhận được nhiều Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam. “GS thấy mình có định hướng nghiên cứu rõ ràng nên nhận làm nghiên cứu sinh, thay vì học qua thạc sỹ”, TS Toàn chia sẻ.
TS Trịnh Quang Toàn (giữa) tham dự lễ ký kết thỏa thuận tài trợ chuyên gia giỏi nước ngoài tham gia dự án của FIRST. (Ảnh: Nguyễn Hoài)
Năm ngoái, ở tuổi 30, TS Toàn đã làm Trưởng phòng nghiên cứu khí tượng thủy văn của Đại học California Davis. Đây là phòng nghiên cứu khá mạnh trong lĩnh vực mô hình tính toán khí tượng thủy văn của Mỹ. TS Toàn chia sẻ, phòng nghiên cứu của anh có hơn 20 sinh viên, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng, Mỹ. Đáng tiếc chưa có sinh viên Việt Nam. Vì vậy, mong muốn của anh là thời gian tới có thể đưa một vài sinh viên Việt sang đây nghiên cứu. “Sinh viên Việt Nam có tư duy, nỗ lực và sự cầu tiến”, anh nói.
Phòng nghiên cứu của TS Toàn có rất nhiều đối tác ở Mỹ và các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, siêu bão Irma đổ bộ vào bang Florida của Mỹ khiến giới chức phải sơ tán 6,3 triệu dân, một trong những chiến dịch sơ tán lớn nhất lịch sử nước Mỹ. “Bọn mình được Cục Công binh Mỹ giao cho số tiền gần 1 triệu USD để dự báo ảnh hưởng của siêu bão đến hệ thống hồ đập của nước này”, TS Toàn chia sẻ. Anh cho biết thêm, phòng nghiên cứu của mình đang hợp tác với Malaysia trong vấn đề biến đổi khí hậu, hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề chuyển giao mô hình tính toán, dự báo thực với hệ thống hồ đập. “Bọn mình vừa làm nghiên cứu cơ bản, vừa có những mô hình ứng dụng, tính toán tiên tiến nhất được áp dụng trong dự báo khí tượng thủy văn”.
Là người phát triển một trong những mô hình tính toán dự báo thủy văn hiện đại của Mỹ, TS Trịnh Quang Toàn mong muốn sẽ đưa công nghệ về Việt Nam, để giải quyết một trong những vấn đề bức xúc của Việt Nam hiện nay là an toàn hồ đập trên lưu vực sông lớn. Vì thế, trong lần về nước vừa qua, anh không chỉ tham gia vào Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 mà là một trong 10 nhà khoa học được dự án First (Dự án khoa học công nghệ có vốn ODA lớn nhất ở Việt Nam) mời tham gia nghiên cứu.
TS Toàn sẽ thực hiện dự án chuyển giao công nghệ tính toán mưa, lũ lớn cho các lưu vực sông liên quốc gia trong điều kiện hạn chế hoặc không có dữ liệu đo đạc - Áp dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Đà, sông Thao, gồm cả lưu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Giúp Việt Nam giải bài toán dự báo tác động hệ thống hồ đập từ Trung Quốc
TS Toàn chia sẻ, tại thượng nguồn của hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình và sông Mê Kông, Trung Quốc xây dựng nhiều hồ đập song quốc gia này không chia sẻ dữ liệu. Bài toán đặt ra là nếu hệ thống hồ đập đó có sự cố, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như nào? Dự án của TS Toàn sẽ khôi phục dữ liệu từ phía Trung Quốc. “Bọn mình sẽ dùng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, radar, vệ tinh để khôi phục lại một phần dữ liệu cần thiết cho Việt Nam”.
Dự án cũng sẽ giúp phía Việt Nam quan trắc được mực nước hồ ở Trung Quốc thông qua ảnh vệ tinh. “Công nghệ ảnh vệ tinh sẽ giúp phía Việt Nam theo dõi mực nước hồ trên thượng nguồn hàng ngày, thậm chí hàng giờ”.
TS Toàn cho biết, công việc bên Mỹ rất bận rộn, khi nhận thêm dự án này, áp lực với anh là rất lớn nhưng anh vẫn quyết tâm làm bởi mong muốn “làm sao đưa công nghệ của mình về Việt Nam để Việt Nam không chỉ ứng dụng mà còn có thể làm chủ công nghệ, thay vì đi vay mượn. Một lý do nữa là “khi làm dự án tại Việt Nam mình có cảm giác như làm cho chính bản thân mình”.
Chia sẻ việc có về nước làm việc không? TS Toàn nói, nếu ở Việt Nam mà đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam thì mình sẵn sàng trở về, còn nếu ở bên kia mà có thể đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam thì mình sẽ ở bên kia. Mình không có mục tiêu rõ ràng là ở lại Mỹ hay về Việt Nam mà quan trọng nhất là ở đâu có thể giúp cho Việt Nam nhiều hơn.
Trước mắt, vị TS trẻ sẽ có 11 tháng để hoàn thành dự án của FIRST. Năm 2019 anh sẽ lại về nước để tham gia chương trình đào tạo tiên tiến cho Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, tham gia đào tạo về nguồn nhân lực cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Áp dụng mô hình tính toán do TS Toàn chuyển giao, Việt Nam có thể dự báo thực tác động của hệ thống hồ đập Trung Quốc đến Việt Nam. Trường hợp xảy ra sự cố, chúng ta có thể dự báo trước 12h, 36h, 48h để có thể làm công tác chuẩn bị như di dân.
Theo Nguyễn Hoài
Báo Tiền Phong