Toggle navigation
Tiến sĩ khoa học Việt Nam tại Australia Nguyễn Trọng Hiếu được trao giải Quả cầu vàng
18/12/2021 | 12:55 GMT+7
Chia sẻ :
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Trọng Hiếu, nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện mặt trời tại Đại học quốc gia Australia vừa vinh dự được trao Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2021 trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.
Sự kiện này do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Trả lời TTXVN, TS Nguyễn Trọng Hiếu bày tỏ rất hạnh phúc và tự hào khi được bình chọn là một trong 10 tài năng trẻ, xuất sắc nhất của Việt Nam được nhận giải thưởng trên. TS Hiếu cho biết anh cũng rất ấn tượng với thành tích cùng sự đóng góp cho khoa học công nghệ của tất cả các ứng cử viên, dù đạt hay không đạt được giải.

Tiến sĩ khoa học Việt Nam tại Australia Nguyễn Trọng Hiếu được trao giải Quả cầu vàng
TS Nguyễn Trọng Hiếu hiện là nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện Mặt trời tại ĐH Quốc gia Australia. (Ảnh: Vietnamnet)

TS Nguyễn Trọng Hiếu (sinh năm 1988) là cựu sinh viên lớp Kỹ sư tài năng Điện – Điện tử của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Với thành tích xuất sắc, Nguyễn Trọng Hiếu được nhận học bổng toàn phần để hoàn thành hai năm cuối chương trình Đại học ở bang Oregon, Mỹ.

Đầu năm 2013, Trọng Hiếu sang Đại học Quốc gia Australia (ANU) học Tiến sĩ theo diện học bổng toàn phần, với đề tài vật liệu bán dẫn cho pin Mặt Trời và nhận bằng vào năm 2016.

Năm 2017, TS. Nguyễn Trọng Hiếu sang Mỹ làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia về năng lượng tái tạo và trở về ANU nghiên cứu, giảng dạy ngành công nghệ điện Mặt Trời vào đầu năm 2018.

Đầu năm 2019, nhóm nghiên cứu của TS.Nguyễn Trọng Hiếu đã công bố phát minh “phép màu của tốc độ và không gian", mở đường cho sự ra đời của thế hệ mới các công cụ phát hiện khiếm khuyết trên pin Mặt trời với độ phân giải và tính chính xác cực cao.

Theo TS Nguyễn Trọng Hiếu, vật liệu 2D được sử dụng trong nghiên cứu chỉ mỏng bằng một phần hàng trăm nghìn sợi tóc, kích cỡ gần như "tàng hình" trước mắt thường. Trong tương lai, loại vật liệu này có thể đóng vai trò quan trọng trong cách mạng hóa công nghệ dùng cho pin mặt trời, điện thoại di động và thiết bị cảm biến.

Với nghiên cứu này, TS Nguyễn Trọng Hiếu và nhóm đã chọn con đường khác với đa số dự án về pin mặt trời, vốn tập trung vào cải thiện chất lượng của phần lõi bên trong pin mặt trời, mà quan tâm tới lớp màng mỏng bên trên của pin, có chức năng dẫn điện từ pin và bảo vệ phần lõi.

Hiện anh đang là nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện Mặt trời tại ĐH Quốc gia Australia (Australian National University – ANU).

Đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Trọng Hiếu đã được Cơ quan Năng lượng Tái tạo Australia cấp khoản tài trợ lên tới 1 triệu AUD (hơn 17 tỷ đồng) cho dự án phát triển pin Mặt Trời thế hệ mới.

Trong hơn 5 năm qua, tính từ năm 2016, anh đã nhận được số tiền tài trợ nghiên cứu khoảng 6,8 triệu AUD (khoảng 115 tỷ đồng) trong vai trò trưởng hoặc đồng trưởng dự án.

Tính từ năm 2014 đến nay, TS Nguyễn Trọng Hiếu đã có 72 công bố trên tập san quốc tế. Anh sáng lập và quản lý 2 phòng thí nghiệm quang học tại Đại học Quốc gia Australia.

Theo Mai Anh 
Thời đại
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com