Dựa trên đặc tính mềm mại, nhẹ nhàng nhưng cũng rất dữ dội của dòng nước làm căn bản, võ sư Huỳnh Chiêu Dương đã sáng lập nên môn phái Thủy Pháp tại Bỉ và luôn thu hút nhiều môn sinh quốc tế theo học.
Vì có thể trạng ốm yếu nên từ nhỏ cậu bé Huỳnh Chiêu Dương đã tìm học những bài võ mang tính nhu – mềm mại, uyển chuyển của Võ cổ truyền Việt Nam với mong muốn cải thiện và rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai cho bản thân. Nhận thấy sự hiệu quả mà những bài võ mang lại, người võ sinh quê gốc Bình Dương đã tích cực sưu tầm, lĩnh hội từ nhiều thầy võ ở mọi nơi khác nhau rồi đúc kết, hệ thống lại thành giáo trình bài bản.
Khi sang Bỉ làm việc vào năm 2000, những người bạn làm trong ngành y ở đây đã tham khảo những bài võ của võ sư Huỳnh Chiêu Dương và nhận thấy có thể áp dụng trên phương diện vật lý trị liệu, rèn luyện sức khỏe nên khuyến khích ông mở lớp dạy. Năm 2002, võ sư Huỳnh Chiêu Dương chính thức sáng lập môn phái Thủy Pháp tại thủ đô Bruxelles – Bỉ và bắt đầu thu nhận môn sinh đến học.
Các bài võ của Thủy Pháp được thể hiện bề ngoài mềm mại, uyển chuyển nhẹ nhàng như nước chảy, có lúc tựa như vô hình, có lúc tựa như mây trôi, cứ thế tiếp diễn hết động tác này tới đường quyền khác. Những bài quyền này rất thích hợp cho người cao tuổi luyện tập, vừa nhằm rèn luyện sự dẻo dai vừa nâng cao sức khỏe.
Đoàn võ sinh của Thủy Pháp chụp hình giao lưu với các vận động viên các môn phái khác tại Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 7/2018.
Bên cạnh đó, Thủy Pháp cũng trau dồi những bài võ mang tính chất đối kháng, cương mãnh nhưng cũng dựa trên đặc tính dữ dội, tuôn trào của sức nước. Các bài song đấu của Thủy Pháp cũng dựa vào sức nước mà đưa đẩy nhau, nương theo lực đối phương quyện chặt lại làm đối thủ không thể tấn công, nhưng khác với Hiệp Khí đạo ở chỗ Thủy Pháp không đưa đối phương xuống đất mà chỉ đẩy ra xa để luôn giữ được thế chủ động.
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương chia sẻ: “Với tiêu chí rèn luyện sức khỏe, dưỡng sinh và phòng thân, Thủy Pháp chú trọng hướng đến các bài võ thuần nhu như dòng nước, khóa đối thủ và quyện theo đối thủ, chỉ cần đẩy lui đối thủ hoặc ra khỏi vòng tròn an toàn của mình, dựa trên tinh thần không làm tổn thương đối phương mà bảo vệ cơ thể mình một cách chính đáng, thận trọng, dung hòa”.
Ngoài ra, Thủy Pháp còn gìn giữ rất nhiều bài binh khí, là những khí cụ đặc trưng của người dân Việt Nam như: roi (côn), đao, kiếm, quạt… thông qua những phương pháp rèn luyện vô cùng nhẹ nhàng, uyển chuyển rất đặc trưng của môn phái.
Chị Đặng Thị Thu Quyên (31 tuổi, sống tại Bỉ) cho biết: “Tôi học môn võ Thủy Pháp chỉ mới nửa năm nhưng chồng tôi là anh Crevecoeur Jean-Philippe đã theo học với thầy Dương được 15 năm rồi. Tôi cảm thấy học môn võ này như giúp chúng tôi khỏe hơn, cơ thể thêm dẻo dai cũng như tăng thêm sức chịu đựng”.
Là thành viên thuộc liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam nên các môn sinh của Thủy Pháp thường xuyên về Việt Nam tham gia các hoạt động thi đấu, biểu diễn tại cái nôi của Võ cổ truyền. Đặc biệt, các môn sinh của Thủy Pháp đã tham dự tất cả những lần tổ chức Festival võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định và 3 lần tham gia Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh và đạt được những giải thưởng cao./.
Bài và ảnh: Sơn Nghĩa
Vnanet