Logistics là một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, rất quan trọng và đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhằm nâng cao năng lực phát triển của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics với Thái Lan cũng như thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại của Bộ Công thương, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp hai nước về Logistics tại Thái Lan.
Toàn cảnh Hội nghị “Thúc đẩy kết nối ngành logistics Việt Nam và Thái Lan”.
Ngày 29/10, phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy kết nối ngành logistics Việt Nam và Thái Lan” và “Chương trình Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan” tại Bangkok, Thái Lan, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng nhấn mạnh: “Thái Lan là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển ngành dịch vụ logistics trong khu vực. Tiềm năng liên kết ngành dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam hiện nay còn rất nhiều dư địa, từ đầu tư hạ tầng kho bãi, nhà xưởng, cầu cảng,... đến ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại; liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp hai nước”.
Việt Nam và Thái Lan thảo luận giải pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics.
Đại sứ Phạm Việt Hùng đánh giá, Việt Nam và Thái Lan có vị trí địa lý gần gũi, vì vậy kết nối doanh nghiệp hai nước, kết nối hạ tầng đường bộ, đường thủy, tiếp tục phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây và Hành lang kinh tế phía Nam, mở thêm các tuyến đường bay đã và sẽ đóng góp đáng kể vào quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan. Với nền kinh tế năng động và vị trí chiến lược của cả hai nước ở khu vực, quan hệ đối tác Việt Nam-Thái Lan có tiềm năng to lớn để phát triển sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng đánh giá, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan còn dư địa rất lớn.
Trong phát biểu của mình, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch VALOMA nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam và Thái Lan có nhiều điểm tương đồng về kinh tế và thương mại nhưng người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao hàng hóa của Thái Lan, trong đó bao gồm cả chất lượng và dịch vụ. Chính vì vậy, VALOMA hy vọng nhiều vào các hoạt động như tổ chức hội nghị nhằm tìm hiểu và kết nối giao thương về logistics giữa các doanh nghiệp và tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa Việt Nam và Thái Lan trong thời gian tới.
PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch VALOMA.
Ấn tượng và khâm phục về tốc độ tăng trưởng và phát triển trong lĩnh vực logistics của Việt Nam, ông Vathit Chokwatana, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, Thái Lan và Việt Nam có đặc điểm địa lý về logistics tương đồng, theo Báo cáo Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2023 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility, ngành logistics Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với vị trí thứ 10 trong tổng số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 14-16%, đạt 40-42 tỷ USD mỗi năm.
Còn ông Kich Aungvitulsatit, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến kinh doanh ASEAN của FTI nhận định tại hội nghị, lĩnh vực kinh doanh logistics là cơ chế quan trọng cho thương mại và đầu tư, là chuỗi cung ứng trung gian giữa người mua và người bán. Trong kinh doanh Logistics có rất nhiều ngành nghề khác nhau và các ngành nghề này lại có những khác biệt về kiến thức và kinh nghiệm, vì vậy việc đào tạo và phát triển tiềm năng nhân sự vấn đề này là rất quan trọng. Chính vì vậy, ông Kich Aungvitulsatit đánh giá cao việc tổ chức các hoạt động hội nghị và thúc đẩy xúc tiến hợp tác về logistics giữa các hội, hiệp hội và các công ty giữa hai nước.
Các đại diện phía Việt Nam tham dự sự kiện.
Chiều 29/10, các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan đã có buổi gặp gỡ, tìm hiểu về chiến lược và chính sách phát triển dịch vụ logistics của Chính phủ Việt Nam, về cơ hội hợp tác và kinh doanh tại Việt Nam. Tổng cộng có 169 cuộc gặp gỡ trao đổi 1-1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan (1-1 Business Matching) của 29 doanh nghiệp Việt Nam cùng với 32 doanh nghiệp Thái Lan thuộc các lĩnh vực kho bãi, vận tải, đóng tàu, giải pháp công nghệ logistics, tem nhãn và bao bì, may mặc, xăng dầu, bất động sản logistics… nhằm kết nối giao thương, tìm hiểu đối tác và các cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh. Kết quả, đã có 39 cơ hội kinh doanh được mở ra và 3 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên được thiết lập.
Bên lề hội nghị, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan, ông Vathit Chokwatana, Phó Chủ tịch FTI khẳng định thêm, để tăng hiệu quả kết nối logistics giữa Việt Nam và Thái Lan, cần kết nối các tuyến giao thông giữa hai nước bởi sẽ giảm chi phí do hạn chế việc không phải dỡ hàng, chuyển hàng cũng như tiết kiệm thời gian vận chuyển.
Ông Vathit Chokwatana, Phó Chủ tịch FTI.
Trong khi đó, ông Kich Aungvitulsatit, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến kinh doanh ASEAN của FTI, khẳng định: Hiện nay, Thái Lan nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam bởi chúng ta đã là những đối tác lâu năm. Việt Nam có đường biển dài bên bờ Thái Bình Dương. Thái Lan cũng có đường biển trên bờ Thái Bình Dương, tuy nhiên ngắn hơn, nhưng Thái Lan có lối ra biển Ấn Độ Dương. Nếu muốn đi lại qua lối Thái Bình Dương nhiều hơn, Thái Lan nên hợp tác với Việt Nam để hai nước cùng phát triển mạnh mẽ.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Hữu Nghĩa, Giám đốc Nhân sự Công ty U&I Logistics của Việt Nam đánh giá, tiềm năng, cơ hội hợp tác của Việt Nam và Thái Lan còn nhiều vì một số công nghệ, giải pháp logistics của hai nước có thể kết nối với nhau như vận tải bằng xe container chạy khí gas, xe vận tải bằng điện để giúp cho việc phát thải khí nhà kính giảm xuống theo mục tiêu của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Thái Lan bày tỏ sự quan tâm thúc đẩy hợp tác với phía Việt Nam.
Những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan ngày phát triển sâu rộng và thực chất. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam (tổng vốn đăng ký đạt gần 14 tỷ USD). Kim ngạch thương mại song phương từ 10,4 tỷ USD năm 2013 lên gần 19 tỷ USD năm 2023 và hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng.
Trong lĩnh vực logistics, Việt Nam và Thái Lan có nhiều tiềm năng hợp tác nhờ vị trí địa lý chiến lược của cả hai nước trong khu vực ASEAN. Với việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và kết nối các hành lang kinh tế như EEC (Thái Lan) và Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), hai nước có thể phối hợp để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy thương mại qua biên giới. Việt Nam hiện có trên 40.000 doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, kho bãi, giao nhận, chuyển phát…
Các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan gặp gỡ tại sự kiện.
Chỉ số hoạt động logistics của Việt Nam đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và cùng thứ hạng với Philippines. Việt Nam cũng nằm trong số 10 thị trường logistics mới nổi hàng đầu và đứng thứ 4 về Chỉ số cơ hội logistics quốc tế, tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao.
Hội nghị “Thúc đẩy kết nối ngành logistics Việt Nam và Thái Lan” và “Chương trình Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan” ngày 29/10 tại Bangkok do VALOMA phối hợp cùng FTI tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Cơ quan Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan và các cơ quan hữu quan hai nước Việt Nam và Thái Lan.
Đoàn xúc tiến thương mại về Logistics của VALOMA thăm cảng Laem Chabang.
Trong thời gian từ ngày 27/10 đến 2/11, đoàn xúc tiến thương mại về Logistics của VALOMA còn có nhiều hoạt động quan trọng như thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Đại học Thammasat, làm việc Hiệp hội Giao nhận quốc tế Thái Lan (TIFFA), khảo sát, tham quan các cảng biển của Thái Lan, khu thương mại tự do tại sân bay, làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Thái Lan như Hazchem Logistics Management Co., Ltd, TIFFA ICD Co., Ltd, Fukuyama Transporting Thailand Co., Ltd và nhiều doanh nghiệp về logistics của Thái Lan.
Theo XUÂN SƠN - ĐINH TRƯỜNG
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan