Toggle navigation
Thủ khoa Việt tại ĐH Dược Tyler: 'Khởi đầu muộn, đi đường vòng để đỡ gánh nặng cho bố mẹ'
01/08/2019 | 09:25 GMT+7
Chia sẻ :
Xuất sắc nhận danh hiệu Thủ khoa ngành Dược khóa đầu tiên của Đại học Dược Tyler (trực thuộc Đại học Texas, Mỹ), Nguyễn Thị Hồng Ngọc (quê Bình Định) được vinh danh trên được tờ Tyler Morning Telegraph. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang là những điều chưa kể về nghị lực vượt bậc và con đường vòng mà cô gái Việt chọn đi.
Thi vào Đại học Quy Nhơn rồi mới bắt đầu nhen nhóm ý định du học, Ngọc có gặp khó khăn gì với khởi đầu dường như hơi muộn như vậy?

Cho dù mình khởi đầu hơi trễ so với các bạn trẻ khác nhưng mình thấy khoảng thời gian mình chuẩn bị về mặt tâm lý và kiến thức là hoàn toàn không uổng phí.

Có lợi thế từ ngành ngôn ngữ Anh, khi sang Mỹ mình thi đậu kỳ thi chuẩn tiếng Anh tại trường nên được miễn các lớp học bổ túc ngoại ngữ (ở các trường của Mỹ cho dù bạn có các bằng ngoại ngữ như TOEFL, IELTS thì vẫn phải thi kiểm tra khả năng tiếng Anh của bạn trước khi vào học).

Ngoài ra, về mặt tinh thần, mình cũng ý thức được hơn về cuộc sống tự lập khi đi du học nên cũng nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống ở Mỹ.

Thủ khoa Việt tại ĐH Dược Tyler: “Khởi đầu muộn, đi đường vòng để đỡ gánh nặng cho bố mẹ” - 1
Ngọc trở thành thủ khoa trường Đại học Dược Tyler sau hành trình cố gắng hết mình.

Du học ở Mỹ không hề rẻ, Ngọc đã trang trải chi phí học tập sinh hoạt bằng cách nào? Gia đình bạn đã hỗ trợ ủng hộ bạn ra sao trong con đường nhiều thử thách bạn chọn?

Mình đi đường vòng để bớt gánh nặng cho bố mẹ. Những năm đầu khi qua Mỹ mình chọn theo học một trường Cao đẳng cộng đồng để tiết kiệm chi phí cũng như dành thời gian tìm hiểu thêm về các ngành học.

Ở đây bạn có thể lấy các lớp cơ bản để chuyển tiếp lên các trường Đại học với giá tiền ít hơn rất nhiều. Song song với đó mình cũng đi làm thêm tại trường.

Thủ khoa Việt tại ĐH Dược Tyler: “Khởi đầu muộn, đi đường vòng để đỡ gánh nặng cho bố mẹ” - 2
Ngọc cùng bố mẹ đẻ và chồng cô.

May mắn là mình được ở nhờ nhà chú thím nên chi phí ăn ở cũng không tốn kém mấy. Sau này khi đi học trường Dược thì mình được học bổng và gia đình cũng hỗ trợ năm đầu, còn lại thì mình vay tiền của chính phủ để theo học.

Trong gia đình bạn có ai làm ngành y dược không? Tại sao bạn lại muốn theo đuổi con đường trở thành dược sĩ?

Mình có một chị con bác làm dược sĩ bên Úc. Khi còn nhỏ có nghe chị kể về công việc thì thấy rất là thú vị vì nó khác xa những gì mình biết về công việc của dược sĩ ở Việt Nam.

Nhưng mình chỉ hiểu sâu hơn về ngành này sau khi sang Mỹ khi mình may mắn xin được việc ở phòng thí nghiệm vi sinh và giải phẫu của trường.

Khoảng thời gian đó mình tiếp xúc với nhiều thầy cô và các bạn sinh viên, những người đã giúp mình định hướng nghề nghiệp trong ngành Y Dược.

Cuối cùng mình chọn Dược vì cơ hội việc làm phong phú và thời gian học ngắn hơn (6 năm học + 2 năm thực tập sau khi ra trường nếu muốn chuyên sâu) so với Y (8 năm học + 3 năm thực tập cơ bản sau khi ra trường + một số năm khác nếu muốn chuyên sâu).

Về việc làm, mình có thể chọn đi bán thuốc ở cửa hàng, đi làm bệnh viện, đi theo ngành công nghiệp bào chế thuốc hoặc đi dạy và còn nhiều cơ hội khác nữa.

Sang Mỹ du học, Hồng Ngọc thích nghi môi trường mới thế nào? Kinh nghiệm để bạn nhanh chóng hoà nhập, khẳng định mình trong học tập và hoạt động cộng đồng là gì?

Mình nghĩ một trong những ưu điểm của mình là thích nghi nhanh và mình đạt được điều này cũng là nhờ sự chuẩn bị kỹ về mặt kỹ năng và tâm lý như đã chia sẻ ở trên. Kết bạn có lẽ là cách dễ nhất để hoà nhập với cuộc sống.

Lúc mới qua mình quen một cô bạn là người di cư từ Sri Lanka, tới bây giờ hai đứa vẫn chơi với nhau dù mấy năm mới gặp một lần. Công việc ở trong phòng thí nghiệm tại trường cao đẳng đầu tiên mình theo học cũng giúp mình trở nên cởi mở hơn rất nhiều.

Thủ khoa Việt tại ĐH Dược Tyler: “Khởi đầu muộn, đi đường vòng để đỡ gánh nặng cho bố mẹ” - 3
Ngọc và các bạn tại trường Dược Tyler.

Trong học tập, mình chủ động đặt câu hỏi cho mọi thứ mà mình học. Ngoài những kiến thức trong giáo trình ra thì mình cũng thích đọc những tài liệu nghiên cứu khoa học để hiểu rõ về vấn đề “tại sao lại dùng thuốc này mà không phải là thuốc kia”.

Mình không phải là mọt sách nhưng có lẽ sự tò mò đã làm mình hứng thú đọc hiểu hơn. Việc hiểu một vấn đề cũng làm cho mình đỡ tốn công khi phải ghi nhớ điều gì đó.

Ngoài giờ học, Ngọc tham gia các hoạt động nghiên cứu, ngoại khoá nào hay dành thời gian cho các sở thích khác?

Mình có nghiên cứu một vài nội dung, trong số đó thì có một bài được đăng lên tạp chí khoa học mà mình là tác giả chính; còn lại những nghiên cứu khác được mình trình bày ở hội thảo toàn quốc cho ngành dược.

Mình cũng sắp xếp thời gian tham gia hoạt động xã hội trong và ngoài trường như đi tư vấn sức khoẻ tại nơi công cộng, làm việc tại phòng khám thiện nguyện…

Ngoài ra, mình còn một công việc làm gia sư cho các bạn sinh viên tại trường Dược nữa. Có lẽ vì bận rộn như vậy nên sở thích của mình đơn giản chỉ là dành thời gian nấu ăn, xem phim, trò chuyện với bạn bè và người thân.

Thủ khoa Việt tại ĐH Dược Tyler: “Khởi đầu muộn, đi đường vòng để đỡ gánh nặng cho bố mẹ” - 4
Mở lòng với bạn bè, cô nhanh chóng hòa nhập môi trường mới.

Được biết, Ngọc được nhận thực tập nội trú hai năm ở Bệnh viện đa khoa Dallas Methodist, bạn có thể chia sẻ trải nghiệm của mình ở đây?

Giữa tháng 3 năm nay mình được nhận vào 1 trong 3 vị trí thực tập sinh ở Methodist Dallas Medical Center. Để xin vào các vị trí thực tập sinh này cũng khá là gian nan.

Có khoảng trên 100 đơn nộp xin việc và trong số đó chỉ 15-20 được chọn phỏng vấn mà thôi. Mình phỏng vấn cả ngày, bao gồm kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình trong vòng 20 phút.

Sau đó bên bệnh viện sẽ sắp xếp các ứng cử viên từ cao xuống thấp, còn bên mình cũng sắp xếp các bệnh viện từ chỗ ưng ý nhất đến chỗ ít thích nhất (mình phỏng vấn ở 5 bệnh viện). Cuối cùng, hơn một tháng sau hệ thống tự động sẽ chọn ra ứng viên và bệnh viện (gọi là matching). Công việc này kéo dài trong vòng 1 năm.

Sau đó mình dự tính xin vào một vị trí thực tập như vậy nữa để nghiên cứu chuyên sâu vào thuốc điều trị ung thư.

Song song với đó mình cũng muốn tham gia giảng dạy ở các trường Y Dược trong khu vực; hiện tại trường Đại học Tyler cũng ngỏ ý muốn mình về dạy theo tiết, có lẽ sang năm mình mới sắp xếp được.

Cuối cùng, mình cũng muốn học thêm về quản lý hệ thống y tế và về quản trị kinh doanh nữa, nên có lẽ con đường học hành của mình còn dài lắm.

Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc sống, sự nghiệp của bạn?

Để chọn ra một người thì khó quá vì quá trình mình được như ngày hôm nay có sự hỗ trợ từ rất nhiều người. Nhưng có lẽ người có ảnh hưởng lớn nhất là ông xã của mình.

Anh tốt nghiệp trường Y lúc 38 tuổi, trước đó anh có một công việc khác nhưng quyết định chuyển qua Y vì sự đam mê chăm sóc cho những người bệnh.

Mình tuy ở Việt Nam sang nhưng cũng có sự hỗ trợ từ gia đình, còn anh thì theo đúng nghĩa là đi lên từ hai bàn tay trắng. Lúc mới quen mình thực sự ấn tượng bởi tư tưởng cầu tiến và tinh thần ham học hỏi nơi anh ý. 

Thủ khoa Việt tại ĐH Dược Tyler: “Khởi đầu muộn, đi đường vòng để đỡ gánh nặng cho bố mẹ” - 5
Ngọc cùng ông xã trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam.

Anh cũng là giúp mình định hướng cho mình trong quá trình phát triển bản thân một cách hoàn hảo hơn để trở thành ứng cử viên sáng giá khi đi xin việc. Mình lập gia đình được 4 năm rồi và hiện tại thì gia đình mình gồm 2 vợ chồng và một em cún.

Dự định của bạn trong tương lai gần và ước mơ lớn nhất của bạn?

Như đã chia sẻ ở trên, trong tương lai gần mình muốn học hỏi thêm kiến thức liên quan về mặt chuyên môn và quản lý. Ước mơ của mình là góp phần đem tới một cái gì đó mới mẻ và tiến bộ hơn trong ngành y tế ở Mỹ và ở Việt Nam.

Ở Mỹ mình sẽ làm điều đó thông qua việc ủng hộ hoặc đề xuất các dự luật. Còn ở Việt Nam mình cũng hy vọng sẽ được cộng tác với các trường đại học hoặc các tổ chức y tế để góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Xin cảm ơn Ngọc đã chia sẻ!

Theo LỆ THU
DÂN TRÍ
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com