Thu Ballabio: Ở Italia, tôi vẫn có thể nấu được nhiều món ăn chuẩn vị quê nhà Việt Nam
PV Hà Linh trò chuyện với Minh Thu, nghe chị chia sẻ đam mê mà theo nói đùa của chị là muốn khuân cả “thế giới” rau gia vị và cây trái Việt sang Milan, Italia
Dẫu bao nhiêu năm sống xa quê hương, dù được ăn hàng trăm món ngon vật lạ, nhưng nhiều người con Việt vẫn thủy chung với món ăn Việt truyền thống. Tuy rất mộc mạc, giản đơn nhưng những món Việt đã in sâu vào tâm trí của bao người xa xứ. Giờ đây ở nước ngoài, không khó tìm được nguyên liệu để làm bánh chưng, hay nấu món bún bò Huế, canh cá chua, nem chả cuốn, bún chả…. nhưng nếu như chỉ thiếu một chút hương vị như của gừng, xả, rau răm, hành ngổ, giềng tỏi… thì món ăn vẫn chưa thể đạt được đến vị chuẩn Việt được…
Với mong muốn giúp chị em người Việt ở Italia nấu được những món ăn giống ở quê nhà, chị Minh Thu (Thu Ballabio), sinh sống ở thành phố Milan quyết định mang giống các loại cây rau gia vị và cây trái thuần Việt sang Italia. PV Đài TNVN PV Hà Linh trò chuyện với Minh Thu, nghe chị chia sẻ đam mê mà theo nói đùa của chị là muốn khuân cả “thế giới” rau gia vị và cây trái Việt sang Milan.
PV: Xin chào Minh Thu, trong cộng đồng người Việt tại Italia nhất là chị em nội trợ, ai cũng biết đến chị Thu Ballabio ở Milan chuyên cung cấp đồ nông sản, món ăn Việt, đặc biệt chị là đại lý gần như là duy nhất phân phối các loại cây rau gia vị Việt. Vốn làm nghề về thiết kế thời trang, từ khi nào chị lại có thêm một niềm đam mê với công việc này vậy?
Chị Minh Thu (Thu Ballabio) đang sinh sống ở thành phố Milan. Ảnh nhân vật cung cấp
Thu Ballabio: Ngày tôi bắt đầu sang Italia sinh sống là năm 2018. Khi đó mọi thứ lạ nước lạ cái rồi cũng không vấn đề gì, duy chỉ món ăn Việt là nhớ cồn cào luôn. Suốt 3 tháng đầu tôi buồn phát khóc vì không thể tìm được đồ Việt để nấu. Vốn thích nấu ăn nên khi đó nhớ món ăn Việt quá, tôi đi rất nhiều nơi để lùng tìm mua các đồ khô các nguyên liệu, gia vị Việt. Tuy nhiên, rất khó kiếm bởi người Việt tại Italia rất ít. Theo tìm hiểu của tôi lúc đó, tính tất cả người Việt trên khắp Italia có khi chưa bằng một thành phố nhỏ như ở CH Séc, hay Đức có người Việt sinh sống. Từ bản thân tôi, khi mà nấu một món ăn Việt gọi là chuẩn rất nhiều khó khăn bởi cái chính là thiếu các loại cây rau quả gia vị.
Ví dụ như muốn nấu Phở bò thì rất khó kiếm các gia vị như quế, hồi, thảo quả chẳng hạn, hay như món bún bò không có mắm ruốc, xả thì không thành vị được. Khi mới sang, khi nấu và ăn thấy không đúng vị món ăn chút nào càng thấy nhớ nhà, nhớ Việt Nam đến cồn cào. Thế nên, tôi nảy ra ý tưởng thử làm đại lý để nhập đồ Việt từ bên CH Séc về gom các đơn đặt hàng rồi phân phối cho bà con mình ở bên Italia. Đường vận chuyển từ bên CH Séc sang Italia không gặp nhiều khó khăn, chỉ từ 4- 1 tuần là có hàng về.
Những cây rau củ giống từ Việt Nam được trồng tại Italia. Ảnh nvcc
PV: Có khó khăn gì mà chị không tìm kết nối vận chuyển trực tiếp từ Việt Nam mà phải thông qua một nước thứ 3, chẳng hạn như CH Séc?
Thu Ballabio: Khó khăn là đồ cây rau gia vị hay đồ khô gì đó là không có đường vận chuyển thẳng. Từ Việt Nam phải qua CH Séc, hay Đức sau đó mới đi sang Italia một lần nữa, nên chi phí hàng thường cao hơn. Tuy nhiên, không vì thế người Việt mình bên này không mua, trái lại bà con mà đặt hàng rất nhiều. Những cây rau gia vị như hành xả, rau thơm rau răm ở Việt Nam thì rất bình thường nhưng với người Việt mình bên này thì quý lắm. Gặp nhau, đến thăm nhà nhau tặng nhau các loại rau, quả gia vị là quý lắm, tiết kiệm từng cọng hành, lá răm củ xả…héo rồi vẫn cất tủ lạnh dùng tiết kiệm. Ở bên Italia cũng có hành, gừng củ, lá to nhưng không thơm, không cay không giống các thức rau gia vị được trồng ở nước mình được, cho nên vẫn phải nhập rất nhiều loại gia vị, nguyên liệu cây trái Việt Nam sang.
Gia đình có mảnh vườn đủ lớn để chị Thu có thể trồng được nhiều loại cây rau và cây ăn trái
PV: Để giúp không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu cũng như các loại gia vị Việt, Minh Thu giúp các chị em bên này tự gieo trồng chăm sóc các loại cây rau gia vị Việt để có sẵn. Thế với thổ nhưỡng và khí hậu ở bên Italia có khó trồng những loại cây rau gia vị như rau răm, lá lốt, húng quế…?
Thu Ballabio: Vì đường vận chuyển từ CH Séc sang Italia cũng mất tầm 5-7 ngày nên rất khó bảo quản được cây rau, quả tươi được. Cho nên, tôi đang mở rộng phát triển mô hình để bán cây giống rau vị và cây ăn trái Việt Nam. Nhưng mà để trồng và phát triển cây này thì vô cùng khó khăn vì mùa đông bên Italia rất lạnh, có lúc xuống đến 10 độ. Lúc đó, chị em lại phải quây ấm, trùm lại hoặc đưa vào hiên nhà che chở lạnh cho chúng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chị em không làm được, càng khó vậy càng đam mê, nâng niu hơn. Chị em rất thích chia sẻ cách làm, kinh nghiệm với nhau. Ai mà trồng những cây này sống qua được mùa đông thì được ngưỡng mộ lắm. Hiện tại mọi người đặt hàng tôi rất nhiều chủ yếu các loại cây rau giống như rau răm, lá lốt, rau húng quế. Tôi cũng cung cấp các loại hạt giống để chị em tự gieo trồng. ở Việt Nam có nhiều loại gieo rất dễ, nhưng ở bên Italia, mùa hè rất ngắn, mùa thu, mùa đông dài và lạnh nên hạt giống rất khó nảy mầm, không phù hợp với sự phát triển tự nhiên của cây trồng của Việt Nam. Thật sự mà muốn giữ được hương vị ẩm thực, món ăn truyền thống chuẩn quê nhà thì khó khăn gấp nhiều lần so với ở Việt Nam.
PV: Đúng là không dễ dàng chút nào? Minh Thu và các chị em bên đó có thường hay thử kết hợp gia vị Việt vào trong món ăn của người bản xứ không? Chẳng hạn như sự kết hợp của nước mắm Việt, hay rau răm, rau mùi, xả với món ăn Itlia?
Thu Ballabio: Có chứ. Chị em người Việt thì thương làm và biến tấu. Với những người bản xứ tTôi vẫn thường giới thiệu những bạn bè thử thích kết hợp chế biến món ăn với hương vị Việt và họ rất thích. Ở Italia cũng có một số cây rau gia vị gần giống với Việt Nam, chẳng hạn cây húng quế, nhưng vị cay có khác mạnh hơn. Nên khi mình thay thế cây gia vị Việt vào chế biến và các bước nấu ăn khác hơn một chút mới ngon được. Khi mời các bạn bè Italia đến chơi nhà tôi thường làm món thịt nướng và thường ướp thêm thêm xả, giềng đôi khi chút húng lìu vào…khiến món ăn cực kỳ dậy mùi, quyến rũ. Mời mọi người, ai cũng khen ngon.
Trồng hành lá
PV: Hẳn là công việc của chị đang làm lan tỏa và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Việt thông qua ẩm thực, và cũng là qua đó giúp tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng người Việt xa xứ?
Thu Ballabio: Từ ngày dịch bệnh Covid-19 diễn ra đến giờ, cũng may mắn là đường vận chuyển không bị ảnh hưởng gì lắm. Hầu hết tất cả các mặt hàng đều đến được Italia. Tôi thấy vui là trong thời kỳ xảy ra dịch bệnh, mọi người ở nhà và nấu ăn món Việt nhiều hơn và chia sẻ niềm vui nấu ăn với nhau nhiều hơn. Mọi người vẫn có cơ hội được thưởng thức món ngon Việt và kết nối với quê nhà.
Nhóm chị em rất thích có sở thích nấu nướng và làm vườn tược. Ảnh nvcc
Tôi cũng mong công việc của mình duy trì được lâu dài. Trong khi làm công việc này, cảm giác như mình như đang ở quê nhà Việt Nam. Và cũng là qua đó người Việt mình sẽ càng thấy quý nhau, thương nhau hơn. Chỉ cần có sở thích chung về nấu ăn là đến được và chơi với nhau. Có hôm các chị em tụ tập nhau chỉ để nấu ăn với nhau là có thể vui cả ngày, cả tuần rồi. Thế nên, qua công việc này, tôi có cơ hội được gặp gỡ với rất nhiều người Việt mình bên này, qua đó khiến mình không có lúc nào cảm thấy lạc lõng nơi xa quê hương.
PV: Cảm ơn Minh Thu và xin chúc cho các gia đình, bà con người Việt mình ở Italia luôn mạnh khỏe, vui vẻ và thành công.
Theo VOV