Tết này chưa chắc em về được...
Mỗi khi mùa xuân về trên quê hương, những người Việt xa xứ lại nao lòng và nhớ… Quê nhà xa thẳm, nơi gốc rễ cội nguồn đang vào một bước chuyển mình, bỏ lại sau lưng những lo toan bề bộn để đón chào một năm mới với bao nhiêu hy vọng sáng tươi. Nếu như những năm trước, thời điểm này nhiều người đã có mặt ở Việt Nam, cùng gia đình quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Thế nhưng năm nay, dịch bệnh đã khiến cho các cuộc đoàn tụ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Và nỗi nhớ quê cứ thế đong đầy…
Mâm cơm ngày tết khiến những người con xa xứ càng nhớ quê hương
"Tôi thường nhớ về tết xưa với những kỉ niệm khó quên. Những năm 80, đất nước còn khó khăn lắm. Khi ấy tôi còn nhỏ, mỗi lần sắp đến tết là mong chờ, được bố mẹ người thân cho đi sắm tết, được mua quần áo mới. Được như thế là cả năm bố mẹ đã phái lao động vất vả rồi, mới dành dụm cho con được cái Tết như thế"...
Đó là những lời tâm sự của ông Nguyễn Bá Toàn, người Việt ở Xanh Pê-téc-bua, Liên bang Nga khi cùng chúng tôi rảo bước trên những đại lộ tuyết trắng. Những ngày Tết quê hương như một miền ký ức không thể nào quên, để rồi cứ mỗi khi xuân sang ở quê nhà, thì những kỉ niệm ấy lại ùa về trong trái tim người đàn ông đã luống tuổi, vì mưu sinh mà đã rời quê hương và gắn bó với xứ sở bạch dương hơn 30 năm qua. Ông Toàn bày tỏ, sau bao nhiêu năm bôn ba nơi xứ người, lẽ ra Tết năm nay ông sẽ về Việt Nam ăn Tết, nhưng do dịch bệnh covid 19 nên kế hoạch đó không thực hiện được. Vậy là thêm một mùa xuân nữa xa quê hương.
Nhà hàng Phở Vân ở Băng-cốc, Thái Lan với những chiếc bánh chưng gói bằng lá chuối
Một điều thật tự hào, là người Việt dù ở đâu cũng luôn cố gắng giữ cho riêng mình những nét đẹp của Tết Việt, như lời chị Vân Anh, chủ chuỗi nhà hàng Phở Vân ở Băng-cốc, Thái Lan. "Ngày Tết rất quan trọng với những người Việt. Những người xa quê như em càng nhớ đến quê nhà hơn. Năm nay do công việc và dịch bệnh nên em không về được. Tết năm nay em cũng gói bánh chưng, không có lá dong nên phải gói bằng lá chuối. Theo truyền thống, ngày 30 em chuẩn bị mâm cỗ để lễ, và ngày mùng 1, mùng 2 đi chùa để cúng lễ cho một năm mới may mắn" - chị Vân Anh chia sẻ.
Chị Vân Anh (áo dài trắng) và bà con người Việt ở Băng-cốc vẫn giữ tục lệ đi chùa đầu năm
Từ Dallas, bang Texas, chị Khuất Thanh Thúy gửi về quê nhà những bức hình áo dài mà chị mới chụp cùng mấy người bạn thân trong những ngày giáp tết. Chị Thúy tâm sự: "Năm nay là Tết covid đầu tiên nên nhiều Việt kiều, du học sinh hay những người đi làm xa nhà đều không về quê ăn tết được nên lại càng nhớ Tết của quê hương. Tết bên này chúng tôi không được nghỉ, nhưng may năm nay lại vào cuối tuần nên có nhiều thời gian hơn dành cho tết. Tuy nhiên dịch ở đây rất căng nên chúng tôi cũng rủ nhau mặc áo dài đi lễ chùa và đeo khẩu trang chứ không tổ chức tiệc như mọi khi. Mỗi nhà sẽ nấu vài món như gói bánh chưng, làm giò thủ, làm nem, rồi trao đổi với nhau để mâm cỗ tết được phong phú".
Bà con người Việt ở Dallas, Texas mặc áo dài đi chùa đầu xuân
Chị Thúy (thứ 4 từ trái qua) cùng chị em người Việt ở Texas chuẩn bị mâm cỗ Tết sum vầy
Nếu như ở nơi chị Thúy, Tết Việt vẫn được mọi người cùng nhau gìn giữ và duy trì, thì ở tỉnh bang Ontorio nơi chị Đỗ Minh Hiếu đang sống, số lượng người Việt rất ít và việc liên hệ với nhau rất khó khăn. Những năm trước, chị Hiếu thường trở về quê hương trong những ngày xuân để thực hiện các dự án từ thiện của mình, sẻ chia và đem lại niềm vui cho những cảnh đời bất hạnh nơi quê nhà. Nhưng năm nay, mọi chuyện dã hoàn toàn khác.
"Tôi đang sống ở tỉnh bang Ontario của Canada. Mùa đông tuyết rơi trắng xóa. Tỉnh bang của tôi bị ảnh hưởng của đại dịch covid rất nặng, và Thủ hiến của bang đã ban hành lệnh lock down lần thứ 3 rất nghiêm khắc. Tất cả mọi người đều bị bắt buộc phải ở trong nhà ngoại trừ những việc cần thiết như đi làm, đi chợ hay đi bác sĩ, bệnh viện. Ngay cả cha mẹ con cái mà không có cùng địa chỉ cũng không được gặp nhau. Các con của tôi đều đã sống độc lập, nên năm nay tôi và các con sẽ không thể đón tết cổ truyền với nhau được. Tôi cũng không còn cha mẹ ở Canada nên có lẽ sẽ chỉ đón xuân qua màn hình cùng đồng bào trong nước mà thôi" - chị Minh Hiếu nghẹn ngào.
Trên trang facebook, chị Minh Hiếu đăng bức hình kỉ niệm ngày vui cùng các con cho vơi bớt nỗi trống trải của những ngày Tết nơi xa xứ
Ai đi xa xứ cũng sẽ mang nhiều nỗi nhớ trong lòng về quê hương xứ sở. Nhưng có lẽ nỗi nhớ cồn cào nhất, đau đáu nhất, da diết thẳm sâu nhất mỗi độ trời đất chuyển mùa sang năm mới là nhớ Tết. Và khi dịch bệnh còn là nỗi ám ảnh với mọi người trên toàn thế giới, thì với nhiều người Việt, Tết nơi quê nhà lại như càng xa hơn, như lời chia sẻ của bà Lê An Tuyên, kiều bào tại CHLB Đức: "Như những mùa xuân trước, mỗi năm đại sứ quán và hội đoàn người Việt đều tổ chức đón tết rất vui, chu đáo đầm ấm. Nhưng năm nay theo lệnh chính phủ nước sở tại còn bị phong tỏa, chưa biết đến khi nào an bình trở lại, nên năm nay nhà nào tự lo nhà đấy. Tết đến xuân về, những người con xa quê hương đều mang trong mình nỗi khát khao được trở về đoàn viên đón tết với gia đình người thân bè bạn. Trở về nghe thật dễ nhưng sao khó thực hiện đối với những người con xa xứ. Bên này không đúng lịch nghỉ tết của VN và còn nhiều lý do khác nữa, nên trong lòng mỗi người Việt xa quê khi tết về lại càng thêm thương thêm nhớ. Bên này cũng có đủ mọi thứ như bánh chưng xanh, câu đối đỏ, hoa đào hoa mai… nhưng lại thiếu đi một thoáng hương trầm bay trong gió xuân, thiếu đi tiếng chào nhau râm ran trước ngõ. Đó chính là không khí thuần Việt chỉ có ở quê nhà".
Mâm cỗ Tết của người Việt ở nơi xa
Muôn vàn tâm sự ẩn đằng sau nỗi nhớ nhà của những người con đất Việt sống nơi xứ người. Nỗi nhớ nhà có thể bị khỏa lấp bởi bao bộn bề cuộc sống nhưng nó vẫn âm ỉ trong lòng, và mỗi khi đến Tết nỗi nhớ ấy lại trỗi dậy mãnh liệt hơn. Chỉ có phút giây được trở về bên gia đình, hưởng ấm áp của tình thân mới làm nỗi nhớ cồn cào ấy tan biến, như lời tâm sự của ông Nguyễn Bá Toàn: "Tâm trạng chung của mỗi người con xa quê hương thì đều hướng về đất mẹ, vì khi mình khó khăn, không có nơi bao bọc nơi đất khách thì thường thấy tủi thân. Và khi ấy mình lại hướng về quê hương như hướng về vòng tay của mẹ, nâng đỡ mình lúc khó khăn trong cuộc sống".
“Tết này chưa chắc em về được / Em gửi về đây một tấm lòng” – câu thơ mở đầu bài Xuân tha hương của nhà thơ Nguyễn Bính năm nào, nay được cô giáo Thúy Anh từ Michigan, Hoa Kỳ gói ghém tâm tư gửi về quê nhà cách xa nửa vòng trái đất. Thèm lắm đóa thược dược mẹ vẫn mua mỗi khi Tết đến, nhớ lắm mùi hương nhu, vỏ bưởi lẫn mùi già tắm gội tất niên, nhớ mùi bánh chưng, nhớ không gian phố phường nhộn nhịp hoa đào những ngày xuân sang, rồi những giọt nước mắt rơi mỗi khi xa quê... Những ký ức ấy sẽ như những sợi dây kết nối quê hương với những người con xa, dù đi muôn phương vẫn không quên được cội nguồn dân tộc.
Theo Bảo Trang
VOV