Toggle navigation
'Tết là nỗi buồn của mẹ tôi'
12/02/2021 | 09:10 GMT+7
Chia sẻ :
Đối với những người Việt xa xứ, Tết là sợi dây gắn kết họ với quê hương, cũng có thể là lời nhắc nhở về cách biệt xa xôi của họ đối với người thân và cả quá khứ.
"Tết đến xuân về, tại Việt Nam, khắp các ngả đường, mọi người đôn đáo đi chợ, mua sắm. Những chuyến xe về quê nối dài, xếp xếp thành hàng như vô tận".

Đối với những người gốc Việt xa xứ, đặc biệt là những người trẻ trưởng thành từ một nền văn hoá khác, Tết vừa thực vừa hư và mang một cảm giác lạ lẫm, đôi khi không có những hình ảnh quen thuộc như trên.

Đón Tết khi tuyết rơi

Sinh ra tại Việt Nam và cùng gia đình chuyển đến Slovakia sống từ năm 2 tuổi, số lần chị Trần Thị Ánh Hồng quay trở về nước đón Tết rất ít ỏi. Dịp Tết Nguyên đán cũng là lúc thành phố Košice trở lạnh. Tuyết phủ trắng từ mặt đường, phủ kín chiếc ô tô, và bám vào khung cửa nhà. Cái cảm giác lạnh lẽo ấy khiến cho bố mẹ chị - những người đã dành nhiều thập niên sinh sống ở Việt Nam trước khi chuyển đến đất nước xa xôi này - càng nhớ quê nhà.

Tháng trước Tết, gia đình chị Ánh Hồng thường nhận được cuộc gọi từ người thân ở Việt Nam nhiều hơn so với bình thường. Ông bà và chú bác hỏi thăm xem năm nay ở bên này, mọi người đón Tết thế nào.

Ở thành phố này, người Việt sinh sống rất đông. Mọi người ở đây đến từ ba miền Bắc, Trung, và Nam. Tất cả thương nhau như anh em một nhà. Gia đình đối với chị Ánh Hồng là ở đây.

Tet,  nguoi Viet hai ngoai,  van hoa anh 1
Không khí Tết vui vẻ của cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày Tết còn là lúc để những bạn trẻ như Ánh Hồng học hỏi về văn hoá Việt Nam. Năm nào cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia cũng tổ chức Tết thật to. Nhiều nguyên liệu được gửi từ Việt Nam qua trước hàng tháng.

Không thể kiếm những cành đào, mai, hay quất tại vùng nửa ôn đới và nửa lục địa nên mọi người mua đào, mai giả về và cùng nhau ghép chúng thành cây. Tết phải có chút hồng của đào và chút vàng của mai mới trọn vẹn.

“Tháng giêng là tháng ăn chơi", người Việt ở đây đồng ý vậy. Đồ ăn được chuẩn bị rất kỹ càng. Một mâm cơm không thể thiếu các món đặc trưng như gà luộc, nem, giò, hay các món hầm.

Người lớn tuổi hơn dành cả ngày để gói bánh chưng. Chiếc bánh chưng nhân thịt mỡ được bao phủ bởi một lớp đậu xanh, và lớp ngoài cùng là gạo nếp. Gạo gói bánh được gửi từ Việt Nam qua, dẻo, và thơm hương vị của đồng lúa, của nông dân cày cấy Việt Nam.

Nhiều người ngồi trông bánh chưng, chừng hơn 9 tiếng đồng hồ. Bên bếp lửa, người ta trò chuyện với nhau, mấy câu chuyện của người xa xứ hàng chục năm.

Cộng đồng người Việt tại Slovakia gói bánh chưng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mới chuyển đến thành phố Košice này được hơn một năm, Trần Thị Thuỳ Dung không thể giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhận được tình yêu thương to lớn từ cộng đồng người Việt tại đây.

“Người Việt ở đây sống rất tử tế với nhau. Mọi người giúp đỡ nhau khi cần. Đợt mới sang, tiếng Slovak của mình chưa giỏi, các cô chú giúp tôi học rất nhiều”, chị Thuỳ Dung chia sẻ.

Hơn nữa, đợt Thuỳ Dung mới qua cũng là dịp Tết Nguyên đán. Ăn Tết cùng với mọi người giúp chị vơi đi nỗi nhớ nhà. Chị cảm thấy may mắn bởi dù đi xa nhưng văn hoá Việt Nam vẫn tồn hiện xung quanh cuộc sống của chị.

Thuỳ Dung chia sẻ rằng Tết ở đây thường do những người lớn qua lâu năm tổ chức. Bữa tiệc Tết rất lớn, và thường mời các quan chức của lãnh sự quán Việt Nam và "các bác" chức cao trong thành phố Košice đến tham dự.

Mọi người ăn xong sẽ thưởng thức đêm diễn ca nhạc. Sau đó, tất cả ùa lên sân khấu nhảy nhót và ăn mừng năm mới với nhau. Bữa tiệc thường kéo dài đến 3h sáng hôm sau.

Dịp năm mới, đi trên đường phố thỉnh thoảng sẽ thấy thấp thoáng dáng áo dài Việt Nam. Ở Slovakia, người Việt không đến nhà nhau hỏi thăm chúc Tết bởi mỗi người có một lịch khác nhau. Ngày Tết Việt Nam nhưng bọn trẻ vẫn phải đến trường, còn người lớn vẫn đi làm. Mọi người dành trọn một ngày cho nhau, và như thế là đã có thể mang Tết từ Việt Nam qua châu Âu rồi.

"Chưa năm nào thiếu Tết"

Chuyển đến Mỹ từ năm 10 tuổi, anh Phúc Trần, chia sẻ rằng chưa năm nào gia đình anh không tổ chức Tết mặc dù anh sống ở vùng ít người Việt tại Georgia.

“Tôi có một danh sách những ai sẽ lì xì cho mình. Nhưng khi mọi người mừng tuổi cho mình, tôi luôn cố tỏ vẻ lịch sự và làm như thể mình không quan tâm đến tiền", anh Phúc Trần cười.

Vì là người gốc Đà Nẵng, gia đình Phúc ăn bánh tét. Bố mẹ anh đặt mua bánh từ các khu chợ của người Việt. Đêm giao thừa, cả nhà thức chờ đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, rồi cùng ăn bánh với nhau.

Sinh ra và lớn lên tại Little Saigon, California, Priscilla Nguyễn cảm thấy may mắn vì ở nơi chị sống giữ gìn trọn vẹn truyền thống và văn hóa giống hệt như ở Việt Nam.

Dịp Tết đến, đường xá, các cửa hàng, và các ngôi nhà người Việt sẽ được trang trí lộng lẫy. Mọi người tổ chức múa lân ở ngoài đường phố. Mấy đứa trẻ con cảm thấy háo hức và hiểu được dịp lễ này quan trọng như thế nào trong năm. Năm nào chị Priscilla cũng mặc áo dài du xuân. Ở Little Saigon, các bà các cô các chị đều tự hào mặc áo dài đón Tết như vậy.

“Tôi chưa bao giờ cảm thấy Tết không phải là một ngày lễ phổ biến ở Mỹ. Bởi mọi người ở đây làm cho mọi thứ quá hoàn hảo và nhộn nhịp", Priscilla chia sẻ.

Nguyễn Tường Vi lớn lên tại vùng đông người Việt ở Georgia. Ở đây, mỗi dịp Tết đến, chị sẽ đi đến nhà thờ cùng gia đình. Nhà thờ sẽ tổ chức Tết. Họ mời ca sĩ đến hát. Học sinh của nhà thờ cũng tham gia với các tiết mục múa hát. Tiếng ca vang bao trọn không gian, đó là những khúc hát ca ngợi văn hoá Việt Nam của những người Việt xa xứ.

Một người gốc Việt khác, chị Linh Phan, sống ở Houston, bang Texas. Đây là bang có số người Việt đông thứ 2 trên nước Mỹ. Người Việt khi đặt chân đến vùng này và tạo dựng sự nghiệp ở đây đã xây nên nhà thờ và chùa chiền. Chị Linh chia sẻ rằng ở Houston, người Việt giữ đủ truyền thống của Việt Nam như lì xì lấy may hay mặc áo dài du xuân.

“Dù không được nghỉ Tết như ở Việt Nam và vẫn phải đi học đi làm như những ngày bình thường khác nhưng tôi vẫn cảm thấy vui và nôn nao trong lòng mỗi dịp Tết đến”, chị Linh chia sẻ với Zing.

Tet,  nguoi Viet hai ngoai,  van hoa anh 3
Chị Linh Phan cùng anh trai đi lễ chùa Ông Bổn tại Mỹ vào dịp Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đã từng đón 10 cái Tết ở Việt Nam, chị Linh Phan nhớ lại rằng ở Việt Nam, bạn thường đi thăm mộ ông bà tổ tiên vào ngày mùng Một. 7 ngày Tết 10 ngày xuân còn lại, bạn dành để thăm họ hàng và gia đình. Có những dịp, chị còn được đi chơi xa.

Ở Mỹ, không phải năm nào chị cũng có cơ hội đi thăm người thân vì mỗi người có cuộc sống riêng, và nhất là khi Tết ở bên này, mọi người vẫn phải làm việc.

Tự hào vì có một ngày lễ riêng

ỞMỹ có những ngày lễ lớn như Giáng sinh, Halloween hay lễ Tạ ơn. Đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, có thể có một ngày lễ lớn riêng trong năm chỉ thuộc về văn hoá của mình là một điều đặc biệt.

“Tết là ngày lễ duy nhất mà tôi thấy sự gắn kết chặt chẽ với gia đình. Cả nhà tôi thích Tết, và ai cũng hào hứng khi Tết về”, chị Tường Vi chia sẻ.

Priscilla Nguyễn cho rằng Tết là một ngày lễ thể hiện truyền thống của quê hương và nhắc nhở chị về nguồn cội của bố mẹ. Priscilla đặc biệt thích đón Tết ở đại học vì chị có thể chia sẻ đồ ăn và văn hoá của mình đến bạn bè.

“Dịp Tết là ngày đại gia đình hội họp. Mọi người dành thời gian cho nhau và chúc nhau sức khỏe, tiền tài, và hạnh phúc”, Priscilla nói.

Chị Anh Thư chuyển tới California từ năm 4 tuổi. Dành gần trọn cuộc đời đón Tết tại Mỹ, chị tin rằng Tết không chỉ còn là ngày lễ mà trở thành biểu tượng của Việt Nam.

"Tôi cảm thấy tự hào vì có một ngày lễ riêng dành cho người Việt. Tôi rất yêu cộng đồng của mình", Anh Thư chia sẻ.

Tet,  nguoi Viet hai ngoai,  van hoa anh 4
Chị Anh Thư (thứ hai từ bên phải) đón Tết cùng gia đình tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Mẹ tôi buồn mỗi lần Tết về"

Đặng Uyên sinh ra và lớn lên tại khu vực chủ yếu là người da trắng nói tiếng Anh ở Florida, Mỹ. Ký ức về Tết trong chị rất mơ hồ. Ở đây, gia đình chị không có người thân.

Khi Uyên còn nhỏ, mẹ chị thường phát lì xì cho hai anh em như để thông báo rằng Tết đã đến. Những người đồng nghiệp của mẹ chị ở tiệm nail cũng tặng lì xì cho hai anh em kèm những lời chúc may mắn.

Trước khi vào đại học, cứ mỗi dịp Tết đến, cả ba người trong gia đình Uyên ngồi bên nhau gọi điện về cho ông bà ngoại ở Việt Nam. Mẹ Uyên dù bận đến đâu những lúc nào cũng túc trực điện thoại, và trông ngóng nhìn thấy cả nhà.

Đặng Uyên cảm nhận rõ sự khác biệt ở hai đầu dây. Đầu bên kia, các hoạt động lễ Tết diễn ra rất sôi nổi và tràn ngập tiếng cười, và ở bên đó không có ba mẹ con Uyên. Ở đầu bên này, tất cả chỉ là sự lẻ loi.

Suốt cuộc đời mình, Uyên cảm nhận được sự cô đơn và nỗi buồn của mẹ khi Tết chẳng được sum họp với gia đình ở Đà Lạt.

Tết trong Uyên đều qua lời mẹ kể. Năm nào cũng vậy, mẹ Uyên sẽ kể rằng hồi còn ở Đà Lạt, mẹ Uyên làm những gì vào dịp Tết. Cụ Uyên sẽ đốt pháo, còn ông bà ngoại sẽ chuẩn bị đồ ăn. Điều đó khiến Uyên mong ước một lần trở lại Việt Nam và đón Tết cùng với đại gia đình.

Uyên luôn hy vọng có thể chung sống và trải nghiệm những ký ức đẹp đẽ của mẹ với Tết ở quê nhà. Bạn cũng ao ước rằng có thể mẹ có thể tận hưởng ngày lễ đặc biệt trong lòng mình với gia đình.

Theo Thanh Lam 
Zing
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com