Nhưng với những người con xa xứ, những tình cảm đó, kỷ niệm đó càng sâu sắc hơn. Ở nơi xa, mỗi ngày đến Tết độc lập, tình cảm với quê hương càng thêm sâu nặng.
Với những người con đất việt, Quốc khánh 2/9 luôn là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của họ từ khi tấm bé cho tới lúc trưởng thành. Nhưng với những người con xa xứ, những tình cảm đó, kỷ niệm đó càng sâu sắc hơn. Ở nơi xa, mỗi ngày đến Tết độc lập, tình cảm với quê hương càng thêm sâu nặng.
Nhiều năm sống ở nước ngoài, nhưng cứ đến ngày Quốc khánh mùng 2/9, ông Hoàng Trường Giang lại bồi hồi kể về kỷ niệm khi còn bé, đó là vào năm 1975, Tết độc lập đầu tiên khi đất nước được thống nhất, ông được cha mẹ đưa ra phố xem chương trình tổng duyệt diễu binh, duyệt binh. Rồi những năm sau này, khi đã trưởng thành, Tết độc lập luôn là những kỷ niệm ông không quên:“ Tôi nhớ nhà ở đường Bà Triệu. Quốc khánh thì tôi được bố mẹ đưa ra góc Bà Triệu, Trần Hưng Đạo để xem tổng duyệt duyệt binh, xe tăng đi qua. Tập trước mấy đêm, sau duyệt binh, diễu hành đi qua. Lớn hơn chút thì sau ngày 2/9 là đến ngày tựu trường, kết thúc kỳ nghỉ hè. Sau này, khi lớn, tôi nhớ năm 1985, tham gia sinh hoạt đoàn phường, anh phụ trách cử tôi đeo băng đỏ, buổi đêm, ra giữ gìn an ninh, nhắc nhở người dân”.
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9 -2019 tại Vancouver . Ảnh: TTXVN
Khi mới sang Đức, ông cũng nhớ những năm đầu tiên thường cùng bạn bè tổ chức đón Quốc khánh và những năm sau, khi có Hội người Việt thì gia đình ông thường tham dự:“ Lúc mới sang Đức khi còn đội, thì chúng tôi cũng thường tụ tập, ăn uống nhân kỷ niệm ngày 2/9, mời cả khách nước ngoài đến. Những năm về sau,khi đội giải toán thì không tổ chức, khi đó chưa có hội người việt nên chỉ nhớ thôi, nhớ về ngày 2/9.. Sau này, khi có Hội đoàn thành lập, những năm mà chưa có dịch, thì cũng tổ chức lễ kỷ niệm, cũng tổ chức múa hát”.
Còn với bạn trẻ Hoàng Nguyễn Khánh An, kỷ niệm về Quốc khánh của nước nhà cũng khá rõ. Hoàng Nguyễn Khánh An kể:“ Nhà em ở Chương Dương, Hàm Tử Quan, gần bờ Hồ. Mỗi lần Quốc khánh, khi còn bé, em nhớ được ông ngoại đưa đi xem bắn pháo hoa. Người thì rất đông, pháo hoa cũng rất đẹp. Rồi nhớ ngày Quốc khánh, phải treo cờ. Lúc đó, nhà em chưa treo, ông tổ trưởng đi nhắc nhở…”.
Bạn Hoàng Nguyễn Khánh An, du học sinh tại Hungary
Sống và học tập tại Hungary, mỗi dịp Quốc Khánh, Nguyễn Hoàng Khánh An cũng tham gia nhiều hoạt động mừng Quốc khánh với các Hội sinh viên. Ở nơi xa, ngày kỷ niệm của dân tộc luôn mang cho Khánh An những cảm xúc thật đặc biệt:“Có sự gắn bó khi đi xa đất nước. Với những ngày như thế này thì có mình có cảm xúc đặc biệt hơn, nhớ quê hương nhiều hơn. Bình thường cũng luôn luôn nhớ, nhưng những ngày như thế này thì nhớ nhiều hơn, có cảm xúc đặc biệt hơn”.
Những người con Việt, khi đi xa càng nhớ quê hương, nhớ những kỷ niệm của gia đình, nhất là vào những dịp lễ lớn của dân tộc như Tết Nguyên Đán, Quốc Khánh 2/9, thì nỗi nhớ càng nhiều. Thường xuyên cập nhật tin tức từ gia đình, vào thời điểm này, điều mong muốn nhất đối với mỗi người con xa quê là quê hương sớm vượt qua đại dịch, để họ lại được trở về nhà.
Theo Hân My
VOV