Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng thiết bị và chó nghiệp vụ để tìm dấu vết các nạn nhân tại Antakya, thủ phủ tỉnh Hâty, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN)
Chuyến công tác thực hiện "sứ mệnh trái tim" mang đầy ý nghĩa nhân văn của hai đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam đạt kết quả cao có phần hỗ trợ không nhỏ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Việt tại quốc gia này.
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 200 người. Ngay sau khi trận động đất xảy ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành họp khẩn để lên những kịch bản sớm nhất cho công tác bảo hộ công dân.
Đại sứ quán đã nhanh chóng liên lạc với nhiều nguồn, từ các chính quyền địa phương cho đến cộng đồng, bà con người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ để nắm được thông tin về số lượng kiều bào sinh sống, làm việc tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng. Sau hơn 2 tuần kể từ khi thảm họa xảy ra, chưa có thông tin về công dân Việt Nam thương vong trong trận động đất này.
Tuy nhiên, 7 gia đình có cô dâu người Việt ở các địa phương bị ảnh hưởng hiện đang phải tạm trú trong các lán trại do nhà cửa bị hư hại nặng nề và cuộc sống vô cùng khó khăn.
Việc thường xuyên trao đổi, liên lạc, nắm bắt tình hình cộng đồng đã giúp Đại sứ quán Việt Nam nhanh chóng triển khai công tác bảo hộ công dân, trong đó có việc hỗ trợ tiền bạc và đồ dùng thiết yếu cho các gia đình gặp nạn.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Bùi Xuân Mai, Trưởng hội sinh viên Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, đánh giá Đại sứ quán đã nhanh chóng, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân. Không chỉ ngay lập tức liên hệ với các đầu mối và đăng thông tin về đường dây nóng để bà con người Việt nắm được, sau động đất 3 ngày, Đại sứ quán đã cử cán bộ đến Adana - nơi rất gần với khu vực tâm chấn động đất, sẵn sàng hỗ trợ công dân Việt Nam nếu cần.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải cũng trực tiếp liên lạc, đề nghị anh Mai thay mặt Đại sứ quán tới động viên, thăm hỏi 2 gia đình người Việt ở Adiyaman. Khi đoàn tới thăm, chị Hồng, mới sang Thổ Nhĩ Kỳ chưa lâu và gia đình chỉ có 5 người phụ nữ sống với nhau, đã òa khóc vì xúc động.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải trả lời phỏng vấn PV TTXVN tại Hatay. (Ảnh: TTXVN)
Với chị Hồng, trong lúc khó khăn, hoạn nạn ở một đất nước xa xôi, gặp được người cùng tiếng nói với mình là điều vô cùng trân quý. Sự quan tâm, động viên, thăm hỏi của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ giúp chị Hồng như có một điểm tựa để vượt qua giai đoạn khó khăn này, cảm thấy Đại sứ quán Việt Nam như một "mái nhà" che chở, bảo vệ cho kiều bào.
Anh Dương Nam Phương, quản trị viên trang cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, hiện sống và làm việc tại Istanbul, cho biết: “Khi động đất xảy ra, cán bộ Đại sứ quán đã gọi điện đề nghị đăng thông tin liên hệ lên trang của cộng đồng và theo dõi rất sát sao tình hình an toàn của bà con tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, tôi có đăng bài đính kèm đường dây nóng của Đại sứ quán để mọi người có thể liên hệ."
Nắm rõ giai đoạn tái thiết sẽ còn khó khăn hơn, Đại sứ quán cũng đã có kế hoạch phối hợp với cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ, triển khai các chương trình nhằm cung cấp hỗ trợ thiết yếu cho bà con để cuộc sống có thể trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.
Trước sự động viên, quan tâm, khích lệ của Đại sứ quán Việt Nam, tinh thần của bà con từ chỗ khá hoảng loạn trong những ngày đầu tiên do chưa bao giờ chứng kiến trận động đất nào lớn, gây hậu quả nghiêm trọng đến vậy, nay đã khá ổn định hơn, yên tâm hơn.
Đại sứ quán còn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tối đa hai đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Ngay khi các đoàn đặt chân đến Istanbul, Đại sứ quán đã cử cán bộ đi theo tới hiện trường, đáp ứng tối đa yêu cầu của các đoàn, từ nhu yếu phẩm tới tiếp xúc với chính quyền sở tại, huy động các nguồn lực từ phía bà con Việt Nam đang sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng để kịp thời cung cấp những hỗ trợ cần thiết.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara cũng đã treo cờ rủ nhằm chia sẻ thông điệp đoàn kết, nhân ái và chia buồn sâu sắc với toàn thể người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Trên tinh thần “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, toàn bộ cán bộ, nhân viên và gia đình tại Đại sứ quán còn tổ chức quyên góp tối thiểu 1 ngày lương cũng như các vật dụng thiết yếu, chăn, quần áo ấm cho các nạn nhân của trận động đất.
Cùng với Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng liên lạc, chia sẻ thông tin và kêu gọi quyên góp quần áo ấm, chăn, màn, lương thực, trao cho cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ để đưa đến các khu vực bị ảnh hưởng.
Dù mới làm dâu Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 năm, nhưng chị Hoàng Đào Ngọc An, sinh sống ở thủ đô Ankara, luôn coi quốc gia này là quê hương thứ hai của mình. Với chị An “thiên tai là điều khó lường trước và có thể xảy đến với bất kỳ ai, nhưng không ảnh hưởng đến mình là nhờ mình may mắn, nên mình giúp đỡ lại người ta một phần."
Nhớ đến truyền thống "chia ngọt, sẻ bùi" ở quê nhà, anh Dương Nam Phương đã kêu gọi quyên góp, ủng hộ trên trang cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và đã nhận được hưởng ứng nhiệt liệt. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 14/2 đến ngày 20/2, nhóm của anh đã 3 lần ủng hộ phía bạn nhiều quần áo trẻ em, quần áo người lớn, 50 thùng thực phẩm, hàng hóa và chăn ấm.
Những người Việt Nam mà nhóm phóng viên TTXVN gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng chia sẻ tất cả người dân Việt Nam ở đây đều có chung suy nghĩ dù ít hay nhiều, song các khoản quyên góp, hỗ trợ đều là những nghĩa cử đáng trân trọng, trong lúc mảnh đất mà họ đang sinh sống, học tập và làm việc phải trải qua thử thách vô cùng lớn.
Không chỉ quyên góp, hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng, những người Việt Nam sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ còn không ngại hiểm nguy, tình nguyện tham gia đi cùng các đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam, hỗ trợ việc phiên dịch, liên lạc với chính quyền sở tại dù bất cứ thời gian nào.
Anh Lưu Thái Hưng, sống tại Istanbul, đã tạm gác công việc Giám đốc du lịch của công ty VT Travel Plus - công ty du lịch đầu tiên và duy nhất của người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ - và cuộc sống riêng, tình nguyện tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn của đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hatay.
Tình nguyện viên Lưu Thái Hưng tham gia các hoạt động hỗ trợ đoàn CHCN Quân đội nhân dân Việt Nam tai Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN)
Chính sự đồng cảm với nỗi đau, những mất mát to lớn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, cùng trách nhiệm đối với mảnh đất mà anh gắn bó từ rất lâu đã thôi thúc anh quyết định trở thành tình nguyện viên đóng góp vào nỗ lực chung hỗ trợ những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Với các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và những người Việt Nam đang sinh sống ở đây, việc "chia ngọt, sẻ bùi", cùng động viên nhau, hỗ trợ đồng bào ở những vùng ảnh hưởng vượt qua hoạn nạn, cũng như hỗ trợ chính quyền và người dân sở tại xoa dịu mất mát, đau thương, không chỉ nối dài truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc Việt Nam, mà còn góp phần vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực hiện "sứ mệnh trái tim," hình ảnh những người Việt Nam tham gia giúp bạn khắc phục hậu quả động đất, từ các thành viên hai đội cứu hộ, cứu nạn, đại diện Đại sứ quán hay người Việt sinh sống, làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, một lần nữa truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.
Theo Hải Linh-Trường Dụy-Dương Hòa-Ngọc Hà
TTXVN/Vietnam+