“Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024”, cô bé Trần Vũ Hạnh My (8 tuổi) ở thành phố Tokyo, Nhật Bản, luôn mong ước được trở thành giáo viên song ngữ, vừa dạy tiếng Nhật cho các bạn Việt Nam vừa dạy tiếng Việt cho các bạn Nhật.
Cô bé Trần Vũ Hạnh My chụp ảnh cùng mẹ tại Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)
Tham dự cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, Hạnh My gây ấn tượng với phần biểu diễn và giọng đọc đầy truyền cảm và xúc động bài thơ Tiếng Việt là yêu thương do chính bố em là anh Trần Vũ Dũng sáng tác. Những câu thơ dung dị nhưng chan chứa tình cảm gia đình và ý thức gìn giữ tiếng mẹ đẻ.
Học qua câu chuyện hàng ngày
Sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, nhưng ngôn ngữ đầu tiên Hạnh My được học và sử dụng là tiếng Việt. Cô bé chia sẻ: “Trong nhà con vẫn dùng tiếng Việt là ngôn ngữ chính. Con đi nhà trẻ từ lúc một tuổi nhưng bố mẹ vẫn luôn duy trì việc nói tiếng Việt với con khi ở nhà. Lo sợ con sẽ quên tiếng Việt nếu không thường xuyên sử dụng, bố mẹ luôn cố gắng để con nói và viết tiếng Việt nhiều nhất có thể”.
Từ ý thức ấy, Hạnh My học tiếng Việt qua câu chuyện hằng ngày với bố mẹ và anh trai, qua các cuộc gọi điện hằng tuần với ông bà nội ngoại và qua các bài hát, bài thơ...
Cô bé còn tham gia các hoạt động duy trì và gìn giữ tiếng Việt ở Nhật bằng việc đọc truyện online cho các bạn cùng nghe. Những câu chuyện Việt Nam sẽ giúp các em gần gũi nhau hơn và cùng nhau chia sẻ việc học tiếng Việt.
Hạnh My rất tự hào khi có thể nói được hai thứ tiếng. Cô bé vui vẻ chia sẻ: “Ở trường có nhiều bạn và cả thầy cô muốn học tiếng Việt nên con dạy cho các bạn và thầy chủ nhiệm. Thầy bảo tiếng Việt khó quá, nhưng học rất vui nên con thích lắm.
Con cũng thích làm phiên dịch nữa, mỗi lần ông bà sang Nhật Bản, con rất thích cùng ông bà đi công viên, đi dạo, đi siêu thị và những lúc đó con sẽ trở thành phiên dịch. Làm phiên dịch vui nhưng rất khó, có nhiều từ mà con không biết thì con sẽ hỏi bố mẹ để dịch cho ông bà hiểu”.
Cô bé Trần Vũ Hạnh My. (Ảnh: NVCC)
“Mẹ là cô giáo của con”
Mẹ của Hạnh My, chị Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, ngay từ khi con hai tuổi, còn chưa biết đọc, chị đã mua cho con nhiều truyện tranh tiếng Việt và dạy con các bài hát Việt Nam. Khi con bốn tuổi, chị bắt đầu dạy con chữ cái, ghép vần và cứ như thế, cùng con học bài mỗi ngày.
Tiếng Việt là yêu thương
Mẹ ơi cô giáo dạy
Việt Nam là quê hương
Tiếng Việt mà mình học
Để nói lời yêu thương…
Con yêu ba yêu mẹ
Con yêu cả ông bà
Con mà không biết nói
Ông bà chẳng hiểu ra…
Ông bà yêu con lắm
Con biết hết đấy mà
Lần nào ông cũng bảo
Ông xót đứa cháu xa…
Thế nên con muốn học
Muốn viết cả chữ cơ
Để lớn lên còn phải
Đọc truyện và làm thơ…
Mẹ ơi nào mở sách
Học Á Ớ Bờ Cờ
Mẹ cô cùng dạy dỗ
Ươm mầm 1 giấc mơ…
Sứ giả tiếng Việt nhí xúc động: “Mẹ chính là cô giáo của con. Mỗi lần cùng con tập hát, mẹ giải thích lời bài hát cho con hiểu rồi cùng con học thuộc để con có thể tự hát được. Mẹ mua và đọc cho con nghe rất nhiều truyện Việt Nam. Bây giờ lớn rồi thì con có thể tự đọc và đọc cho mẹ nghe”.
Mỗi tuần, mẹ vẫn dành một buổi dạy Hạnh My tiếng Việt theo sách giáo khoa và cùng đọc truyện, viết nhật ký. Cuối tuần, cả nhà cùng xem phim trên kênh Việt Nam...
Khi được hỏi bí quyết giúp con nuôi dưỡng tình yêu với văn hoá truyền thống và ngôn ngữ mẹ đẻ, chị Mỹ Hạnh khẳng định, tình yêu tiếng Việt và quê hương đến với con rất tự nhiên, dù cô bé mới chỉ về Việt Nam có ba lần do khoảng thời gian cách ly suốt ba năm dịch Covid-19.
Theo chị, “tiếng Nhật có thể học sau vì con còn nhiều cơ hội sinh sống và học tập ở nơi đây, còn tiếng Việt nếu không có ý thức gìn giữ sẽ mất”.
Điều may mắn với Hạnh My là được lớn lên trong một gia đình luôn duy trì nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt hoàn toàn cho đến khi con một tuổi và bắt đầu đi nhà trẻ.
“Mặt khác, tình yêu quê hương, đất nước và gìn giữ văn hóa Việt luôn đến từ những điều rất nhỏ trong gia đình tôi. Ngoài ngôn ngữ, đó là món ăn, những ngày lễ và tình cảm với ông bà, anh chị em ở Việt Nam”, chị Mỹ Hạnh chia sẻ thêm.
Hội nhập với nền văn hoá xứ hoa anh đào đã lâu, gia đình chị Mỹ Hạnh vẫn giữ truyền thống làm cơm cúng ông Công ông Táo, hay chuẩn bị mâm ngũ quả và làm cơm đón Giao thừa...
Chị kể: “Tôi luôn nấu món Việt cho hai bạn nhỏ, ở trường con ăn món Nhật rồi tối về ăn món Việt. Các con cũng luôn háo hức đợi đến cuối tuần để thưởng thức món phở. Thật mừng vì thấy các con rất thích món ăn Việt. Hạnh My còn thường xuyên gọi điện nói chuyện và kể cho ông bà nghe hoạt động hằng ngày của con”.
Có một điều rất quan trọng của gia đình đối với những bạn nhỏ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, đó là luôn hướng các con về quê hương. Bởi vậy, chị Mỹ Hạnh luôn nhắc nhở con là mình có hai quê, nói được hai thứ tiếng và nên tự hào vì điều đó.
Tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ
Được gia đình khuyến khích tham gia cuộc thi và được vinh danh là “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài 2024”, Hạnh My rất bất ngờ vì mình là thí sinh nhỏ tuổi nhất nhận danh hiệu cao quý này. Khi về Việt Nam nhận giải thưởng và phát biểu trên sân khấu, cô bé đã xúc động hát tặng khán giả một đoạn trong bài hát Việt Nam quê hương tôi.
Nói về sứ mệnh mới của con, chị Mỹ Hạnh chia sẻ: “Qua cuộc thi ý nghĩa này, Hạnh My càng thêm yêu ngôn ngữ mẹ đẻ và tự hào mình là người Việt hơn. Sau khi biết con được nhận giải thưởng, các thầy cô và bạn bè trong trường đều vui mừng và chúc mừng cho con.
Chặng đường sắp tới còn dài để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên, Hạnh My sẽ từng bước nỗ lực trên hành trình đó. Việc đầu tiên mà Hạnh My chắc chắn theo đuổi là tiếp tục gìn giữ và duy trì học tiếng Việt. Trong tương lai gần, cô bé mong ước lập kênh YouTube để chia sẻ việc học tiếng Việt với các bạn ở Nhật cũng như các nước khác...
Tháng 9/2024, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã trao thưởng cho danh hiệu "Sứ giả tiếng Việt" trong cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 cho năm thí sinh xuất sắc, gồm: em Trần Vũ Hạnh My (Nhật Bản), chị Lanny Phetnion (Lào), chị Thuỷ Lê - Scherello (Đức), anh Nguyễn Thế Dương (Australia) và chị Nguyễn Thị Thu Loan (Algeria). Đây là những nhân tố mang sứ mệnh quan trọng quảng bá văn hóa, truyền cảm hứng, tạo động lực học tập và sử dụng tiếng Việt trong đồng bào ta ở nước ngoài, từ đó góp phần gìn giữ, tôn vinh tiếng Việt.
Theo AN BÌNH
Thế giới và Việt Nam