Những công dân Việt Nam đầu tiên được đón về sáng 8/3. Ảnh: Quang Vinh.
Cuộc “chia tay” không mong muốn
Tại Ukraine hiện có khoảng gần 7.000 người sinh sống, làm việc và học tập. Bà con sống tập trung tại một số thành phố lớn như Kiev (khoảng 800 người), Kharkov (khoảng 3.000 người), Odessa (khoảng 3.000 người) và một số thành phố nhỏ khác như Kherson, Donetsk, Lvov… Nếu những ai đã từng tới Đông Âu, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ hẳn cũng biết, cộng đồng Việt tại Đông - Trung Âu, Nga, Ukraine là một cộng đồng gắn bó lâu năm với các quốc gia này. Phần đa trong số họ từng là du học sinh học tập tại các nước này rồi vì những lý do khác nhau đã chọn ở lại gắn bó với quê hương thứ hai. Nhiều người lập nghiệp và phát triển sự nghiệp, gắn bó tới thế hệ thứ 2 thậm chí thứ 3 tại đây. Đa số bà con người Việt ở Ukraine cũng vậy. Vì thế, khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra, không khỏi có nhiều bà con người Việt phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Người Việt ở Ukraine giống như nhiều cộng đồng khác, sinh sống làm ăn trên đất bạn bằng nhiều nghề khác nhau như: Lập trang trại trồng rau, nông sản; làm may; mở nhà hàng, làm bếp hay buôn bán. Nhiều người đã ổn định cuộc sống và coi Ukraine như quê hương thứ hai của mình. Chiến sự là điều không ai mong muốn, rời khỏi Ukraine vào lúc này, bỏ lại nhà cửa, tài sản là điều cực chẳng đã nhưng chiến sự kéo dài đến bao giờ là điều không ai có thể đoán trước; nên dù có trù trừ lúc ban đầu nhưng tới cuối tháng 2, hầu hết những bà con ở các vùng xảy ra giao tranh đã chọn phương án sơ tán.
Chia tay nơi mình đã gắn bó nhiều năm là điều mà nhiều bà con vẫn còn bàng hoàng, giống như tâm sự của chị Phan Thị Thanh, người huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) - một người Việt đã có 5 năm gắn bó với Ukraine. Chị Thanh kể với chúng tôi về cuộc ra đi gấp gáp của gia đình mình. Vợ chồng và hai con nhỏ, con gái út mới 5 tháng tuổi khi đi chỉ kịp mang theo bỉm cho con. Còn sữa và thức ăn dặm cho bé giờ đã được cộng đồng Việt tại Hungary hỗ trợ. Khi được sự động viên của hội đoàn và cũng thấy tình hình căng thẳng có chiều hướng leo thang, cả nhà chị Thanh thu dọn chút vật dụng cá nhân vào va li nhỏ, rồi bồng bế nhau đi về phía Tây, nhằm hướng biên giới Hungary. Ra đi để an toàn nhưng chị Thanh không biết liệu rồi đây, hướng đi tiếp theo của cả nhà sẽ như thế nào? Nên về hay nên ở lại chờ tình hình lắng xuống khi mà mọi thứ tài sản hai vợ chồng tích cóp được sau thời gian làm lụng vất vả vẫn đang kẹt tại Ukraine.
Tâm sự của chị Thanh có lẽ cũng là tâm sự của nhiều người Việt khác. Họ, giờ đang đứng giữa ba sự lựa chọn: Ở lại, đi tiếp nước khác hay về Việt Nam.
Sự quan tâm đặc biệt
Ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm tổ trưởng. Trước đó, ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 201/CĐ-TTg, trong đó chỉ đạo các cơ quan hữu quan triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, thể hiện rõ lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sát và đã có chỉ đạo rất sớm về việc đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và tài sản của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine.
Những ngày qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận đã phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại tích cực hỗ trợ bà con sơ tán, trực tiếp đón, thu xếp chỗ ăn ở tạm thời, vật dụng thiết yếu cho bà con. Tính đến chiều 9/3 (giờ Việt Nam), đã có gần 4.000 công dân Việt tại Ukraine được sơ tán khỏi vùng chiến sự. Trong đó, hơn 2.400 người tại Ba Lan; khoảng 830 người tại Rumani; 560 người tại Hungary; và hơn 100 công dân được sơ tán tới Slovakia và chưa có báo cáo thiệt hại về người. Đặc biệt, sau chuyến bay VN88 của Vietnam Airlines chở 287 công dân từ Bucharest (Romania) hạ cánh an toàn tại Nội Bài sáng 8/3, sáng ngày 10/3, 270 công dân khác cũng sẽ về Việt Nam trên chuyến bay QH9066 của Bamboo Airways.
Từ rất sớm, Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã có sự phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại sở tại tính toán việc hỗ trợ bà con người Việt tại Ukraine sang lánh nạn. “Chúng tôi đã nhận biết khi chiến sự ngày càng khốc liệt thì lượng người Việt sang Ba Lan sơ tán ngày càng đông hơn. Chúng tôi đã tổ chức các điểm trung chuyển để đón bà con ở biên giới về tập trung ăn uống, nghỉ ngơi rồi sau đó đến chỗ ở chính thức để điểm trung chuyển đó dành cho đoàn tiếp theo. Ngôi chùa Nhân Hòa hiện đối với cộng đồng là điểm trung chuyển lớn nhất”, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan nói. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hôm cao điểm có thể lên tới 400 người, còn những ngày khác cũng từ 250 - 300 người.
“Sắp tới dự kiến sẽ còn rất nhiều bà con sang Ba Lan lánh nạn sẽ đặt rất nhiều thách thức vất vả cho cộng đồng, nhưng với phương châm sẽ không có người Việt nào ở Ukraine sang Ba Lan lánh nạn mà bị bỏ rơi, chúng tôi đã kêu gọi tất cả các hội đồng hương, các CLB cùng toàn thể bà con trong cộng đồng dang rộng vòng tay đón chào bà con”, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cho biết.
Những ngày này cộng đồng người Việt ở châu Âu không chỉ giúp thu xếp chỗ ở, đón bà con Ukraine mà nhiều cộng đồng người Việt như tại Ba Lan, Séc, Hungary còn quyên góp tiền để hỗ trợ bà con.
Những ngày không thể nào quên
Với Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch và các Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia đây sẽ là những ngày không thể quên trong cuộc đời công tác nước ngoài của họ. Đó là những đêm không ngủ vượt hàng trăm cây số, thậm chí xuyên qua bão tuyết để tới biên giới đón bà con từ Ukraine sang.
Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo vừa chủ trì cuộc họp toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán kết thúc vào buổi trưa thì chiều cùng ngày đã lên xe vượt vài trăm cây số, với 4 tiếng đồng hồ chạy ô tô liên tục đến biên giới Ukraine đón bà con. Còn các cán bộ khác của Đại sứ quán thì chịu trách nhiệm trực điện thoại, đón bà con tới bằng tàu hỏa, liên hệ với chính quyền sở tại, cùng với cộng đồng chuẩn bị điều kiện hậu cần tốt nhất.
Vốn là người gắn bó nhiều năm với công tác cộng đồng - kiều bào, sau khi chiến sự nổ ra, Đại sứ Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong đã lập tức thành lập một đoàn công tác của Đại sứ quán gồm Đại sứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội người Việt Nam tại Romania Phạm Duy Hưng cùng 2 cán bộ Đại sứ quán, lên đường khẩn cấp sang Cộng hòa Moldova để hỗ trợ đưa bà con người Việt lánh nạn từ Ukraine về Romania chờ chuyến bay cứu trợ về nước. Hai ngày trên xe vượt hàng trăm cây số trong thời tiết khắc nghiệt, đoàn công tác của Đại sứ không ngừng nhận được nhiều tin nhắn xin hỗ trợ: “Đoàn chúng tôi có 5 người”, “Đoàn chúng tôi có 15 người” hay "Tối nay chúng tôi có hơn 100 người có thể phải di dời khỏi khu tị nạn này mà chưa biết đi đâu sau 48 tiếng ở Moldova". Những cuộc điện thoại, những tin nhắn ngắn gọn thế thôi nhưng chứa đựng biết bao tâm sự, nó khiến cho mỗi thành viên trong đoàn công tác cảm thấy trọng trách của mình phải làm những gì tốt nhất, kịp thời nhất để giúp cho bà con.
Cũng như thế, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan do Đại sứ Nguyễn Hùng làm trưởng đoàn đã trực tiếp tới hai cửa khẩu biên giới giữa Ba Lan và Ukraine là Korczowa - KraKowets và Budomierz - Hruszow để đón những công dân đầu tiên tới Ba Lan sơ tán; rồi lập tức quay về thăm hỏi động viên bà con đang tạm lánh tại chùa Nhân Hòa.
Chia sẻ với chúng tôi sau khi đi thăm động viên bà con từ Ukraine sang Slovakia, Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Tuấn cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia đã chủ động khẩn trương triển khai công tác bảo hộ công dân; trao đổi với chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời; kịp thời nắm bắt thông tin, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang. Đến nay đã có hơn 40 người Việt từ Ukraine sang Slovakia. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Slovakia rất chủ động, tích cực, có nhiều hoạt động giúp đỡ người Việt từ Ukraine sang, đặc biệt là bà con tại Kosice-nơi gần các cửa khẩu giữa Slovakia và Ukraine, đã tổ chức các nhóm cứu trợ, thay phiên nhau túc trực để đón và hỗ trợ bà con”.
Một trong những người vất vả nhất những ngày qua, không ai khác chính là Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch. Gần như toàn bộ thời gian của Đại sứ là dành cho việc nắm tình hình, họp với cộng đồng lên phương án, kiểm tra việc sơ tán của bà con. "Kết quả là đến nay chỉ còn một số kiều bào muốn ở lại để trông coi tài sản như tại Kharkov, Odessa - là những nơi tập trung đông bà con người Việt Nam sinh sống. Một số kiều bào khác ở rải rác tại nhiều nơi trên địa bàn Ukraine đi sơ tán ở các vùng nông thôn. Một số ít chọn ở lại trong thành phố…" - Đại sứ thông tin hết sức ngắn gọn chiều 6/3.
Để có kết quả ấy, Đại sứ và phu nhân cùng các nhân viên Đại sứ quán cũng đã có nhiều đêm không ngủ, lăn lộn tại các nhà ga, bến tàu, tại các cửa khẩu để thu xếp cho bà con. Chưa bao giờ, người Việt ở Ukraine nói riêng và ở châu Âu nói chung cảm thấy được tình đồng hương, nghĩa đồng bào trong “hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau” như những ngày qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Ưu tiên cao nhất là bảo hộ công dân ở Ukraine
Chiều 6/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo về công tác bảo hộ công dân và đưa công dân Việt Nam từ Ukraine về nước. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư là không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương. Chính vì vậy, công tác bảo hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó là không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh. "Tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay", "máu chảy ruột mềm”. Do đó, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành dành ưu tiên cao nhất cho công tác này; nhất là trong lúc chiến sự đang diễn ra. Chủ tịch nước hoan nghênh Chính phủ có kế hoạch tổ chức các chuyến bay miễn phí đưa những trường hợp khó khăn và có nguyện vọng về nước; đồng thời yêu cầu trong quá trình đó, cần thực hiện đúng quy trình, ưu tiên phụ nữ, trẻ em, người già.
Theo HOÀNG MAI
Đại đoàn kết