“Phở là hơi ấm của gia đình”. Đây là đánh giá của nhiều thực khách nước ngoài khi nhắc tới Phở, món ăn mà nhà văn Nguyễn Tuân trong chuyến công tác Phần Lan năm 1957 đã mô tả là “rất tính chất dân tộc của ta”.
Lần đầu tiên được đưa vào từ điển năm 1937 với cái tên “Cháo Phở”, Phở đã theo chân người Việt đi khắp thế giới từ những quốc gia châu Á gần gũi như Nhật Bản, Hàn Quốc đến những nền văn hóa hoàn toàn khác biệt như Mỹ hay châu Âu. Có thể nói, Phở là món ăn truyền thống được nhiều người nước ngoài yêu thích, góp phần tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Tọa lạc tại trung tâm thủ đô Brussels, Bỉ từ năm 2016, nhà hàng Hanoi Station, có nghĩa Bến Hà Nội, của chị Đào Thu Hải là địa chỉ yêu thích không chỉ của những người Việt xa xứ, mà còn của rất đông thực khách Bỉ. Xuất thân trong một gia đình gốc Hà Nội được xếp vào hàng khá giả, cùng một công việc ổn định, song chị Đào Thu Hải đã quyết tâm từ bỏ tất cả để sang Bỉ và thực hiện giấc mơ mở nhà hàng của riêng mình với món chính là phở đậm chất Bắc giữa trái tim châu Âu.
Chị Đào Thu Hải trực tiếp chuẩn bị món ăn cho khách hàng
Giờ đây sau hơn 6 năm, chị đã là chủ của 4 quán phở nổi tiếng ở Bỉ và đang ấp ủ dự án về quán thứ 5.
“Minh ấp ủ mở quán từ rất lâu. Đến khi có bầu mình thèm món ăn Việt Nam thật sự. Mà nhà hàng bên này không mấu được đúng gu của người Việt. Mình quyết tâm đi học, nhưng mình làm ở nhà khác với khi mình bán nhà hàng. Hồi đấy mua công thức không có nhiều, trong khi mạng xã hội cũng không phổ biến. Mình nghĩ rằng giai đoạn đoạn tìm ra phở ngon là khó nhất trong hành trình đấy. Mình nấu như thế nào, mình canh xương như thế nào là khó nhất. Tuy nhiên đến bây giờ mình cảm thấy hài lòng với những gì đã làm được”, chị Hải chia sẻ.
Thực khách khi đi qua Bến Hà Nội bị ấn tượng bởi tấm bản đồ Việt Nam khổng lồ màu đỏ, cùng bức ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng ở một góc quán và rồi không thể cưỡng lại mùi phở thơm lừng, “ngọt, bùi, thơm, béo, bổ”. Bến Hà Nội mới đây đã vinh dự trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được lên sách của Wolf Bruxelles.
Nhiều tờ báo lớn của Bỉ như Dernière Heure hay Bruzz cũng dành những lời khen đặc biệt cho món Phở của Việt Nam: “Tôi thích không gian ấm cúng tại Bến Hà Nội. Đặc biệt khi nhìn vào gian bếp bạn sẽ có cảm giác mọi người như một gia đình vậy. Quán được trang trí rất ấn tượng, chủ quán, cũng như nhân viên đều rất thân thiện và đặc biệt món ăn rất ngon. Mọi nguyên liệu đều tươi và được lựa chọn hàng ngày. Tôi đã ăn rất ngon miệng”.
Nổi tiếng bởi sự cầu kỳ và hương vị độc đáo nhưng Phở Việt vẫn đem lại cảm giác giản dị, tao nhã. Nhà văn Thạch Lam trong tùy bút “Hà Nội 36 phố phường” viết: “Một bát phở ngon là khi nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đầy đủ”. Còn nhà văn Vũ Bằng trong cuốn tùy bút “Miếng ngon Hà Nội” in năm 1960 viết: "Muốn biết chân giá trị của một hàng phở, phải ăn bát phở chín không thôi,… Và điều hệ trọng của tất cả các hàng phở, chính là nằm ở bí quyết trong nồi nước dùng...". Đây cũng là điều mà chị Nguyễn Thị Hằng, chủ nhà hàng Phở “HaNoi Epxress” tại khu phố mua sắm đông đúc ở thành phố Damsstad, Đức luôn trăn trở.
"Phở Hà Nội"- địa chỉ yêu thích của người Đức tại Damstad
Không giống như chị Đào Thu Hải, chị Nguyễn Thị Hằng lại đến với Phở ban đầu vì cuộc sống mưu sinh. Tuy nhiên, hàng ngày nhìn những vị khách Đức gật gù bên tô phở Việt, trong chị lại nung nấu quyết tâm đưa phở Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
“Qua món Phở tôi muốn mọi người biết nhiều hơn tới Việt Nam. Tuy nhiên để có một tô phở chuẩn vị không phải là dễ, nhất là khi ở bên này không có sẵn nhiều loại rau gia vị như ở Việt Nam. Vì thế để làm được bát phở được khách yêu thích như hiện nay, tôi đã phải học hỏi và thử nghiệm rất nhiều công thức. Tôi tin chắc rằng những người được ăn những bát phở ngon thì họ sẽ mang theo mình một kỷ niệm tuyệt vời để kể về đất nước Việt Nam, về nền ẩm thực Việt Nam”, chị Hằng cho biết.
Phở Việt có thâm niên hàng trăm năm tuổi, gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam và theo chân người Việt đi khắp thế giới. Dường như phở đã âm thầm làm thay đổi thói quen ăn uống của người châu Âu. Người dân nơi đây đã có thể phát âm rõ từ “Phở” và đều dần quen thuộc với các loại nguyên liệu lạ lẫm như rau thơm, nước mắm và cả cách dùng đũa khi ăn.
“Phở là món ăn rất ngon. Bạn có thể cảm nhận được hương vị ngay từ miếng đầu tiên. Tôi đến quán này khá thường xuyên và tôi thực sự thích các món súp ở đây, đặc biệt là món Phở, món ăn của gia đình”, một thực khách nhận xét.
Phở không chỉ để ăn no, mà còn là một đặc sắc của ẩm thực, là một phần của hồn dân tộc. Và có lẽ cũng chính bởi sự độc đáo này, nên khi đi vào từ điển LaRousse của Pháp hay từ điển Oxford của Anh, món ăn truyền thống của Việt Nam luôn được lưu truyền bằng chính cái tên “ Phở “ chứ không phải bất kỳ cái tên thay thế nào khác./.
Theo Thu Hoài
VOV1