Toggle navigation
Những người gốc Việt rạng danh trên thế giới năm 2019
29/01/2020 | 07:05 GMT+7
Chia sẻ :
Những cái tên như TS Nguyễn Kim Mai Thi, GS Nguyễn Thị Kim Thanh, bác sĩ Lily Vũ, nhà văn Ocean Vương năm qua đã đạt những dấu mốc đáng nhớ gây tiếng vang ở đất nước họ đang sinh sống, làm việc.
Nhà văn gốc Việt đoạt giải "Thiên tài" MacArthur hơn 14 tỷ đồng tại Mỹ

Nữ tiến sĩ hóa học gốc Việt đoạt giải truyền hình nổi tiếng ở Đức Nguyễn Kim Mai Thi (32 tuổi), tiến sĩ hóa học gốc Việt vừa được giải thưởng truyền hình nước Đức mang tên Hanns-Joachim-Friedrichs vinh danh vì đã có công truyền bá khoa học trên truyền hình, internet.

Năm 2019, Giải thưởng Hanns-Joachim-Friedrichs được trao cho hai người là tiến sĩ hóa học gốc Việt, Nguyen Kim Mai Thi và giáo sư Vật lý Harald Lesch.

Ngày 14/11/2019, Ban giám khảo Giải thưởng Hanns-Joachim-Friedrichs năm 2019 đã trao giải cho tiến sĩ Nguyễn Kim Mai Thi.

Nữ tiến sĩ gốc Việt được Ban Giám khảo giải thưởng đánh giá cao vì đã diễn giải những kiến thức khoa học một cách dễ hiểu trong các chương trình phát sóng trên truyền hình, internet, mở thêm cánh cửa khoa học cho nhiều người.

Hanns-Joachim-Friedrichs là tên một giải thưởng truyền hình mang tên người dẫn chuyện nổi tiếng của truyền hình Đức. Friedrichs nổi tiếng với vai trò là người dẫn chuyện cho chương trình tin tức truyền hình Tageraemen và sau đó là Sabine Christiansen, chương trình Ulrich Wickert.

Ông qua đời vì mắc bệnh ung thư phổi năm 1995, từ đó giải thưởng Hanns-Joachim-Friedrichs cho các tác phẩm báo chí truyền hình của nước Đức được đặt theo tên ông.

4 người gốc Việt gây tiếng vang trên thế giới năm 2019 - 1
Tiến sĩ hóa học gốc Việt Nguyễn Thị Mai Thi (phải) vừa đạt giải thưởng truyền hình Hanns-Joachim-Friedrichs tại Đức.

Được biết, Nguyễn Kim Mai Thi sinh năm 1987 tại Heppenheim (Đức). Cả bố mẹ cô đến từ Việt Nam, thuộc lứa du học sinh đầu tiên của Việt Nam đến Đức. Bố cô cũng là một nhà hóa học.

Cô gái gốc Việt tốt nghiệp ĐH Johannes Gutenberg Mainz và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT); sau đó tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard, Viện Fraunhofer và hoàn thành vào năm 2017.

Ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, cô đã bộc lộ khả năng xuất sắc trong lĩnh vực y học nano về điều trị bệnh ung thư. Mai Thi cũng có tài năng nghệ thuật, cô có thể chơi dương cầm, vĩ cầm và đã từng đoạt giải nhất cuộc thi nhạc ở trường đại học.

Mai Thi từng từ chối lời mời làm việc từ công ty hóa chất lớn của Đức, để tập trung vào nghiên cứu và làm truyền thông khoa học bởi cô có niềm đam mê lớn về hóa học, muốn giải thích các hiện tượng xung quanh bằng hóa học một cách dễ hiểu cho đông đảo mọi người.

Mai Thi đã bắt đầu lập kênh "Cuộc sống bí mật của các nhà khoa học" năm 2015 để nói về cuộc sống của các nhà khoa học. Sau đó, cô lập một kênh khác có tên MaiLab với mục tiêu sẽ nghiên cứu và cung cấp cho người xem những thông tin khoa học đáng tin cậy. Hai kênh hiện thu hút khá nhiều lượt quan tâm, theo dõi.

Nghị lực phi thường của nữ bác sĩ xinh đẹp gốc Việt từng lên báo Úc

Mẹ mất từ năm 10 tuổi, Lily Vũ một mình sang Úc học tập sau khi tốt nghiệp cấp 3. Biết bố không thể trả phí học bác sĩ dạng học sinh quốc tế cho mình theo đuổi đam mê, Lily Vũ đã tự nỗ lực, tìm con đường riêng để lấy quốc tịch Úc và trở thành bác sĩ ở Melbourne. Cô gái gốc Việt xinh đẹp cũng lọt vòng chung kết rồi vào Top 10 cuộc thi Hoa hậu quốc gia Úc năm 2019.

Câu chuyện truyền cảm hứng của Lily Vũ (sinh năm 1992) được Đài SBS Australia đăng tải như một tấm gương về người trẻ quốc tế nỗ lực đạt được ước mơ, mục tiêu của mình ở xứ sở chuột túi.

Lily Vũ, tên khai sinh là Vũ Nguyễn Lan Chi. Lily là tên ở nhà gia đình gọi cô từ bé. Từ khi sang Úc, mọi người đều gọi Lily nên cô đổi tên chính thức thành Lily Chi Vũ trên hộ chiếu Úc..

4 người gốc Việt gây tiếng vang trên thế giới năm 2019 - 2
Lily (giữa) rạng rỡ trong ngày tốt nghiệp bác sĩ Doctor of Medicine MD.

Cô muốn học bác sĩ để chữa bệnh cho các bệnh nhân như mẹ mình, có thể chăm sóc sức khoẻ cho gia đình và giúp đỡ cộng đồng.Lily bắt đầu đi du học Úc năm 15 tuổi. Sau khi học xong cấp 3, cô học ngành Bachelor of Biomedicine (Cử nhân y sinh) ở Đại học Melbourne. Đây trường số 1 nước Úc và đứng thứ 14 thế giới về khoa học và y khoa.

Ở Đại học Melbourne, bạn không thể học thẳng y khoa từ lớp 12 mà phải học Bachelor of biomedicine hoặc Bachelor of science (Cử nhân y sinh hoặc cử nhân khoa học) xong rồi thi vào và học tiếp 4 năm Bác sĩ y khoa (Doctor of Medicine - MD).

Với con đường đó, Lily phải đối mặt với khoản học phí khổng lồ lên tới 450.000 đô la Úc (AUD) cho giấc mơ ngành y. Đây là khoản tiền quá đắt đỏ và quá sức đối với gia đình Lily.

Tuy nhiên, khó khăn không làm cô gái trẻ từ bỏ ước mơ. Lily quyết đinh chọn một hướng đi khác để vẫn có thể vừa theo đuổi ước mơ vừa không làm gánh nặng cho gia đình.

“Mẹ mất nên chỉ có một mình bố lo chi phí học tập sinh hoạt cho cả 2 chị em mình. Đặt biệt là ba mình không thể lo được số tiền khoảng 450.000 AUD cho 4 năm học bác sĩ MD được.

Mình biết rằng, mình sẽ không bao giờ được làm bác sĩ ở Úc nếu không phải là thường trú nhân vì gia đình không đủ chi phí để cô theo học diện thông thường.

Vì thế mình cố gắng lấy được định cư Úc trước khi học bác sĩ MD, bởi nếu là học sinh bản địa, chính phủ Úc hỗ trợ tiền học và tiền sinh hoạt cho mình", Lily kể.

Sau khi học xong Cử nhân y sinh năm 2013, Lily sang RMIT học Văn bằng tốt nghiệp giáo dục (Graduated Diploma in Education) để trở thành giáo viên cấp 3.

Nhờ thi IELTS đạt 8 và 8.5 điểm ở tất cả các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, cô gái Việt trở thành thường trú nhân của Úc theo nghề giáo viên (visa 189) mà không cần phải đi dạy.

Được nhận thường trú nhân Úc vào năm 2015, từ đây, cánh cửa chạm đến giấc mơ học ngành y rộng mở và gần hơn với cô gái Việt.

Tiếp đó, Lily dốc sức thi vào MD. Nhờ điểm học GPA cao, thi GAMSAT (Graduated Medical School Admission test) tốt và đậu phỏng vấn, cô được Đại học Melbourne nhận vào học Bác sĩ y khoa.

Vừa học, 9X Việt vừa làm nghiên cứu ở trung tâm não ở bệnh viện hoàng gia Melbourne (Melbourne Brain centre, Royal Melbourne Hospital) và bệnh viện tai mắt của bang Victoria (Royal Victoria Eyes and Ears hospital) từ năm 2013.

Ngoài ra, cô hướng dẫn sinh viên năm dưới và dạy luyện thi đại học cho nhiều học sinh cấp ba. Lily là đại diện cho bác sĩ trẻ cho hội y tế của cộng đồng người Việt ở bang Victoria (Australian Vietnamese Health Professionals).

Lily đã hoàn thành 6 dự án. 3 trong 6 dự án đã được đăng tải trên báo khoa học uy tín và cô là tác giả chính.

Cô trở thành công dân Úc hai năm sau đó, vào lúc đang học năm thứ ba chuyên ngành y khoa. Lily có quốc tịch Úc tháng 1/2017 vào đúng ngày Quốc khánh Úc và tốt nghiệp MD tháng 12/2018. Hiện nay, cô đang làm bác sĩ ở thành phố Melbourne, Úc.

Nữ giáo sư gốc Việt nhận giải khoa học Rosalind Franklin danh giá của Anh quốc

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, hiện công tác tại đại học University College London (UCL) đã vinh dự nhận huy chương Rosalind Franklin 2019 của Royal Society ở London, Anh với những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu khoa học ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khỏe.

Thông tin được đăng tải trên website của Hội khoa học Hoàng Gia Anh ngày 29/10/2019. "The Rosalind Franklin Award and Lecture 2019" được trao cho các nhà khoa học nữ nổi bật trên thế giới.

Tại sự kiện này, GS Nguyễn Thị Kim Thanh đã có vinh dự trình bày bài giảng về vật liệu nano plasmonic (hạt vàng hình cầu, trụ và sao), "Vật liệu nano từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh" (Nanomaterials from Bench to Bedside).

4 người gốc Việt gây tiếng vang trên thế giới năm 2019 - 3
GS Thanh tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 1992; sau đó giành học bổng nghiên cứu quốc tế ở Hà Lan và Anh Quốc, bà lấy bằng tiến sĩ năm 1998.

GS Nguyễn Thị Kim Thanh được trao giải thưởng năm nay vì thành tích trong lĩnh vực vật liệu nano.

GS Thành là giáo sư người Việt đầu tiên tại UCL, chuyên ngành vật liệu nano tại Phòng thí nghiệm UCL Nanomaterials Laboratory, đặt tại Viện Royal Institution Anh Quốc, và Nhóm sinh lý (biophysics), Khoa Vật lý và Thiên văn, Đại học University College London, Anh Quốc. Bà vẫn đang hợp tác nghiên cứu với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trang của Royal Society, Viện Hàn lâm khoa học độc lập lâu đời nhất tại Vương quốc Anh (từ 1660), cho hay giải thưởng lấy tên từ nhà lý sinh học và tinh thể học tia X người Anh có đóng góp lớn cho khoa học thế giới - Rosalind Franklin (1920-1958).

Giải thưởng thường niên này tập trung vào các đóng góp nổi bật trong nhóm chủ đề STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) và nhằm để hỗ trợ các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu STEM.

Cùng vinh dự trình bày bài giảng trong giới khoa học hàng đầu của Anh, giải thưởng còn gồm một huy chương bằng bạc, một khoản hỗ trợ dự án 40 nghìn bảng, và món quà 1 nghìn bảng Anh.

Nhà thơ người Mỹ gốc Việt Ocean Vương nhận giải Thiên Tài Macarthur 2019

Ocean Vương - một nhà văn trẻ 30 tuổi người Mỹ gốc Việt vừa được trao giải "Genius grants”, còn gọi là giải Thiên tài trị giá 625.000 USD (hơn 14 tỷ đồng) của Quỹ MacArthur vì giá trị cống hiến, sức sáng tạo trong các tuyển tập thơ và tiểu thuyết anh viết.

Ocean Vương, tên tiếng Việt là Vương Quốc Vinh, năm 2 tuổi anh theo mẹ định cư ở Hartford, tiểu bang Connecticut, Mỹ. Anh là người Mỹ gốc Việt thứ năm và là nhà văn thứ hai nhận giải Thiên Tài MacArthur.

Ocean Vương được sinh ra tại TP. HCM. Anh từng theo học Văn học Mỹ tại trường Cao đẳng Brooklyn, sau khi bỏ trường kinh doanh. Một trong những giáo viên của anh là nhà thơ, tác gia Ben Lerner.

Theo Quỹ MacArthur, sự công nhận và hỗ trợ từ giải thưởng này sẽ giúp những người nhận giải “tiếp tục sáng tạo, dám đương đầu với những rủi ro và theo đuổi tầm nhìn của họ”.

Chia sẻ cảm xúc về giải thưởng của mình, nhà văn trẻ gốc Việt không khỏi bất ngờ. “Tôi phải chắc là họ gọi đúng người, bởi vì tôi không muốn khóc xúc động rồi để họ nói là họ nhầm. Nhưng sau đó thì tôi đã khóc”, anh chia sẻ với tờ New York Times.

4 người gốc Việt gây tiếng vang trên thế giới năm 2019 - 4
Quỹ MarAthur đánh giá cao văn thơ của Ocean Vương bởi anh đã đưa được “truyền thống dân gian vào trong những thử nghiệm, phá cách trong ngôn ngữ”.

Trước khi nhận được giải Thiên tài năm nay, nhà văn người Mỹ gốc Việt cũng đã được trao giải thưởng TS Eliot và giải Whites Award cho tập thơ đầu tay Night Sky With Exit Wounds (đã xuất bản tại Việt Nam với tên Trời đêm những vết thương xuyên thấu).

Tháng 6 vừa qua, Ocean Vương cũng đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên, có tựa On Earth We’re Briefly Gorgeous. Tác phẩm này được Vương truyền tải tới người đọc dưới dạng một lá thư gửi cho mẹ của mình – một phụ nữ không biết chữ.

Theo BTV 
SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com