Cảnh sát Nhật bắt nhóm người Việt sau khi khám xét các điểm tập kết số dược phẩm, mỹ phẩm bị đánh cắp từ các hiệu thuốc trên toàn quốc.
Cảnh sát thủ đô Tokyo ngày 27/11 phối hợp với các đồng nghiệp ở tỉnh Gifu, Saitama, Kanawaga, Chiba đồng loạt khám xét 4 địa điểm ở nhiều tỉnh thành, bắt hai nghi phạm người Việt Nam là Vu Van Khang, 26 tuổi, và Nguyen Huu Tu, 29 tuổi.
Cảnh sát Nhật Bản xác định 4 địa điểm này là kho tập kết số dược phẩm, mỹ phẩm bị đánh cắp trên khắp cả nước, dự kiến được gửi về Việt Nam qua các sân bay của Nhật. Khang và Tu là quản lý của 4 kho hàng trên.
Cảnh sát đã thu giữ 20 thùng chứa khoảng 700 mặt hàng bị đánh cắp tại 4 kho hàng, với giá trị chưa được làm rõ.
Các điều tra viên cho biết đây là một phần trong đường dây gồm nhiều người Việt sống ở Nhật chuyên trộm cắp hàng hóa từ các hiệu thuốc trên toàn quốc theo chỉ thị từ kẻ cầm đầu, rồi mang tới kho tập kết. Giới chức tin rằng có hơn 10 điểm tập kết như vậy trên toàn quốc.
Vu Van Khang, 26 tuổi, bị cảnh sát áp giải ở Sakado, tỉnh Saitama. Ảnh: TBS News
Kho hàng bị khám xét ở Sakado, trung tâm tỉnh Saitama, nằm trong một tòa nhà có nhà hàng Việt Nam. Sau khi mang hàng hóa đến đây, nhóm ăn cắp sẽ thông báo cho kẻ cầm đầu rằng đã hoàn thành nhiệm vụ. Kẻ cầm đầu sẽ đổi địa điểm tập kết hàng sau mỗi phi vụ.
"Đường dây này hoạt động như một công ty giao dịch để trộm cắp hàng hóa vậy", một điều tra viên cấp cao cho biết.
Nhật Bản ghi nhận 1.119 vụ trộm hàng hóa trị giá 100.000 yen (660 USD) trở lên tại các hiệu thuốc trong năm 2023. 68 người nước ngoài bị bắt trong các vụ trộm này, trong đó có 47 người Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hơn 90% người nước ngoài bị bắt trong các vụ trộm như vậy là người Việt Nam. Các nghi phạm còn tăng cường hoạt động trộm cắp ở các cửa hàng thời trang. Trong hơn một năm qua, cảnh sát Nhật đã bắt 11 người có hành vi trộm cắp trong các cửa hàng thời trang, tất cả đều là người Việt Nam.
Cảnh sát Nhật Bản mang thùng chứa tang vật khỏi một điểm tập kết hàng ăn cắp. Ảnh: Kyodo
Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng gánh nặng nợ nần mà các thực tập sinh Việt Nam mắc phải là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng phạm pháp gia tăng trong nhóm này.
Theo Cơ quan Di Trú Nhật Bản, chi phí ban đầu để đến Nhật Bản của thực tập sinh Việt Nam là gần 4.500 USD, cao nhất trong số các quốc gia gửi lao động đến nước này.
Nhiều người sau khi đến Nhật không có khả năng trả nợ trong thời gian thực tập và "biến mất" để tìm việc chui, kiếm tiền nhanh hơn. Chuyên gia Wako Asato, chuyên gia chính sách nhập cư tại Đại học Kyoto, ước tính khoản nợ của những thực tập sinh này lên đến 6.700 USD.
"Những khoản nợ như vậy đã tạo điều kiện cho các nhóm trộm cắp hình thành. Nhiệm vụ quản lý chi phí ban đầu và cải thiện môi trường làm việc cho thực tập sinh người Việt là rất quan trọng", ông Asato khuyến cáo.
Đức Trung - Vexpress
Theo Asahi, Mainichi, Kyodo