Nhà văn Linda Lê: Người ra đi – văn chương ở lại...
Nhà văn Linda Lê đã từ giã cõi trần ngày 9/5 tại Pháp, hưởng dương 59 tuổi. Nhưng, ngay cả khi tác giả đã hóa thân thành cát bụi, những tác phẩm giá trị bà để lại sẽ mãi trường tồn trong lòng độc giả.
Chân dung cố nhà văn Linda Lê (1963-2022). (Nguồn: AFP)
Ngày 29/5 vừa qua, tại không gian nghệ thuật Manzi Art Space, Nhã Nam và Viện Pháp Hà Nội đã phối hợp tổ chức tọa đàm "Linda Lê – Như trong ký ức" để các thân hữu và độc giả chia sẻ những cảm nghĩ và ấn tượng về bà.
Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả: nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, PGS. TS Ngô Văn Giá - nguyên trưởng Khoa Viết văn - báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội, nhà văn Hiền Trang cùng đông đảo độc giả là người yêu mến Linda Lê cũng như văn chương của bà.
Đây là dịp để độc giả chúng ta có cơ hội nhìn lại về cuộc đời, sự nghiệp văn chương và bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn tới nhà văn người Pháp gốc Việt Linda Lê.
Một tài năng độc đáo
Nhà văn gốc Việt Linda Lê là một tài năng độc đáo trên văn đàn Pháp. Bà sinh năm 1963 tại thành phố Đà Lạt. Năm 1977, gia đình ly tán, Linda Lê theo mẹ và ba chị em gái di cư sang Pháp, trong khi cha ở lại Việt Nam.
Năm 1981, Linda Lê tốt nghiệp lớp 12 tại trường Trung học Henri IV ở Paris. Năm sau đó, bà được nhận vào học văn chương tại Đại học Sorbone. Tài năng văn chương của Linda Lê được phát hiện rất sớm từ lúc ở tuổi vị thành niên, bà đã được sự hâm mộ và dẫn dắt của các vị giáo sư ở ngay bậc Trung học.
Trong văn chương, bằng một cách gián tiếp hay trực tiếp, Linda Lê luôn hé lộ ít nhiều về bản thân mình. Tính cho đến nay, Linda Lê đã xuất bản gần 30 đầu sách, gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tiểu luận, và được xem như một trong những hiện tượng sáng chói của văn chương di dân viết bằng tiếng Pháp.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Linda Lê đoạt một số giải thưởng uy tín ở châu Âu như Fénéon cho tác phẩm Les Trois Parques, giải Wepler cho tác phẩm Cronos... Năm 2012, bà là một trong 12 tác giả tranh giải văn chương uy tín nhất của nước Pháp - Goncourt - với tác phẩm Lame de fond.
Một số tác phẩm của Linda Lê đã được xuất bản tại Việt Nam. (Nguồn: Đ.Dung)
Một số tác phẩm tiêu biểu của Linda Lê đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt: Lại chơi với lửa - 2009 (dịch giả Hồ Thanh Vân), Vu khống - 2010 (dịch giả Nguyễn Khánh Long), Thư chết - 2013 (dịch giả Bùi Thu Thủy), Sóng ngầm - 2018 (dịch giả Hồ Thanh Vân, Bùi Thu Thủy)...
Văn chương “cầm tinh con rắn”
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên gây bất ngờ khi khẳng định văn chương của Linda Lê “cầm tinh con rắn”. Có lẽ cuộc đời nghiệt ngã, trôi nổi, sự chia lìa, chiến tranh và cái chết đã để lại ảnh hưởng mạnh mẽ lên những trang viết của bà về sau. Thành ra, văn chương của bà mang đến sự giằng xé vô cùng căng thẳng. Những tiểu thuyết của Linda Lê gây kinh ngạc vì tràn ngập những bi kịch u tối, văn chương đẹp dị thường và những suy tư ám ảnh.
Có thể nói, cái chết là một trong những chủ đề trở đi trở lại trong văn chương Linda Lê. Bà luôn đẩy các nhân vật vào những tình huống căng thẳng về cả tinh thần lẫn thân xác. Tiểu thuyết gia cho biết, bà viết về cái chết, như nói về tình yêu, về khát khao, về nỗi sợ tồn tại trên đời, về hạnh phúc được khám phá người khác, được đắm chìm trong sách vở, được tự tạo cho mình cả một thế giới thông qua văn chương.
“Cái chết là một phần của sự sống, là mặt ngược lại của sự sống mà ta không thể tránh nhìn trực diện”. (Linda Lê)
Trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả đã thảo luận về chữ “lặng” trong sự nghiệp văn chương của Linda Lê. Các tác phẩm của bà đi vào văn học một cách kín đáo, lặng lẽ, không ồn ào. Sự im lặng là chủ đề yêu thích của bà.
Văn chương của Linda Lê không hợp với những con đường thênh thang và những nơi được ca tụng. Bà chọn cho mình lối đi riêng, lối đi của kẻ “đơn độc” nhưng đầy bản lĩnh, đơn giản bởi vì bà không muốn “dán nhãn đặt tên”.
Văn chương của Linda Lê không giống với bất kỳ nhà văn nào, đồng nghĩa với việc cũng kén chọn người đọc. Song, khi độc giả đã hòa được vào dòng chảy văn chương ấy thì chắc chắn sẽ bị mê hoặc không gì cưỡng lại được. Người phụ nữ này có biệt tài “thôi miên”, buộc ta phải dấn thân và chinh phục từng câu chữ để hòa nhập vào câu chuyện của bà.
Văn chương chính là quê hương
PGS. TS Ngô Văn Giá đã chia sẻ lại hồi ức trong một lần may mắn được gặp cố nhà văn Linda Lê, ông bồi hồi kể lại: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Linda Lê là một phụ nữ hết sức bí ẩn, có chút gì đó kiêu sa và cực kỳ ít nói. Bà thường diện trang phục màu đen, mái tóc của bà cũng đen bóng. Gương mặt như được khắc chạm cực kỳ sáng với đôi mắt to tròn”.
Ông cho biết, Linda Lê chọn sáng tác các tác phẩm văn chương của mình bằng tiếng Pháp như một cách phong thân vào ngôn ngữ để đi sâu vào nền văn chương thế giới thông qua công chúng Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Cách Linda Lê tạo chữ, lập câu khiến độc giả, dù khó tính đến mấy cũng bị chinh phục vì hết ngạc nhiên này đến thú vị khác.
PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ hồi ức trong một lần may mắn được gặp cố nhà văn Linda Lê.
Trong dòng ký ức hồi tưởng về Linda Lê, nhà văn Hiền Trang nói: “Đọc văn chương của Linda Lê, tôi thấy mình rất đồng cảm với bà. Ngôn từ mà Linda Lê dùng để sáng tác như ma cà rồng hút máu. Bà khắc nghiệt với mọi thứ nhưng lại rất rộng lượng với ngôn từ. Mặc dù bà thường xuyên nói mình không có quê hương nhưng cá nhân tôi thấy quê hương của bà chính là văn chương”.
Không chỉ có các nhà văn, chuyên gia có tiếng trong giới văn học, buổi tọa đàm còn nhận được sự quan tâm của các độc giả, họ là những người đem lòng mê đắm văn chương của Linda Lê.
Độc giả Trần Hạnh, 35 tuổi (Hà Nội) chia sẻ: “Khi tôi biết đến sự ra đi của Linda Lê, tôi không buồn. Bởi đối với tôi, cái chết của bà rất nhẹ nhàng...! Trong cái chết có sự sống. Cái chết của bà là sự sống trong lòng độc giả, các tác phẩm mà bà để lại cũng sẽ mãi trường tồn cùng năm tháng”.
Linda Lê lặng lẽ đi vào thế giới văn học rồi đột ngột rời bỏ thế gian. Sự ra đi của bà không chỉ là một tổn thất lớn cho văn học gốc Việt mà còn là cú sốc đối với giới văn nhân trên toàn thế giới.
Xin vĩnh biệt bà - nhà văn Linda Lê. Bà ra đi trong niềm nhớ, niềm thương của nhiều người. Tên tuổi và tác phẩm của bà sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ độc giả.
“Nỗi buồn và cú sốc sau sự ra đi của nhà văn - nhà phê bình văn học Linda Lê là rất lớn. Những bài phân tích của bà cho thấy bà không chỉ là một nhà văn tài năng, mà còn là một người đọc sách tuyệt vời, bà có thể tương tác với những con chữ như thể đó là những sinh vật sống”. (Ông Pierre Benetti, đồng sáng lập chuyên trang phê bình văn học En attendant Nadeau, Pháp)
Theo THÚY HUYỀN
Thế giới và Việt Nam