Cơ quan ngoại giao cho biết hơn 30 người Việt sinh sống, làm việc tại Niger vẫn an toàn và ổn định sau khi quân đội nước này đảo chính.
Ông Nguyễn Việt Sơn, Bí thư thứ nhất phụ trách lãnh sự và bảo hộ công dân của đại sứ quán Việt Nam tại Algeria, ngày 1/8 cho hay đang theo dõi sát diễn biến tình hình tại Niger, địa bàn mà đại sứ quán kiêm nhiệm ở khu vực. Tuyên bố được ông đưa ra sau khi quân đội Niger tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum cuối tuần trước.
"Chúng tôi đã liên lạc được một số đầu mối người Việt và gốc Việt tại thủ đô Niamey của Niger. Đến nay, tình hình của bà con ổn định, an toàn, chưa có trường hợp người Việt Nam bị ảnh hưởng", ông Sơn trả lời VOV.
Ông cho hay do tình hình an ninh tại Niger có nhiều thách thức kéo dài, nên lượng người Việt Nam tại đây ít, với khoảng 30 công dân đang sinh sống và làm ăn. Đại sứ Việt Nam tại Algeria Trần Quốc Khánh đã đề nghị phía Niger có các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng người Việt Nam tại nước này.
Cảnh sát Niger tại một khu vực người biểu tình tập trung để ủng hộ chính quyền quân sự ở Niamey ngày 30/7. Ảnh: AFP
Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria ngày 28/7 đã phát khuyến cáo cho công dân tại Niger về hạn chế đi lại, tuân thủ hướng dẫn an ninh của lực lượng giữ trật tự nước sở tại vì tình hình phức tạp.
Đội cận vệ của Tổng thống Niger hôm 26/7 bắt và quản thúc ông Bazoum, tuyên bố thành lập chính quyền quân sự do tướng Abdourahamane Tchiani đứng đầu. Quân đội Niger cũng tuyên bố ủng hộ lực lượng đảo chính.
Các lãnh đạo Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trong phiên họp khẩn ngày 30/7 đã phản ứng gay gắt với cuộc đảo chính, áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và đi lại đối với giới lãnh đạo quân sự Niger.
ECOWAS, gồm 15 nước châu Phi, trong đó có Niger, cũng ra lệnh đình chỉ ngay lập tức mọi giao dịch thương mại và tài chính giữa các nước thành viên với Niger, đóng băng tài sản của những người chịu trách nhiệm về quân sự và tham gia đảo chính.
Phản ứng với quyết định của ECOWAS, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã tuyên bố họ sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự. Hai nước này đã bị đình chỉ tư cách thành viên ECOWAS sau đảo chính.
Các thành viên ECOWAS tuyên bố đóng cửa biên giới với Niger từ ngày 30/7. Tuy nhiên, một thành viên chính quyền quân sự Niger ngày 1/8 cho biết biên giới trên bộ và trên không giữa nước này với Algeria, Burkina Faso, Libya, Mali và Chad đã được mở lại.
Trả lời VnExpress, ông Hoàng Đức Nhuận, tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Niger, ngày 2/8 cho hay lệnh đóng cửa biên giới và tạm ngừng các giao dịch thương mại, ngân hàng giữa các nước thuộc ECOWAS với Niger chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thanh toán xuất nhập khẩu và thông quan hàng hóa nói chung.
"Niger là quốc gia không có biển, mọi hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa phải trung chuyển qua các cảng quá cảnh là Cotonou của Benin và Tema của Ghana, hai thành viên của ECOWAS", ông Nhuận cho hay.
"Để phòng ngừa rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi tình hình chính trị tại Niger, trao đổi kỹ với đối tác, nhất là khâu thanh toán, vận chuyển hàng qua biên giới với Niger trong bối cảnh ECOWAS áp dụng lệnh phong tỏa kinh tế với nước này", ông nói.
Các nước châu Âu như Pháp, Đức, Italy đã bắt đầu sơ tán công dân khỏi Niger, trong khi Mỹ chưa có kế hoạch này. Khoảng 1.000 lính Mỹ đồn trú tại Niger để tham gia các hoạt động huấn luyện, song Lầu Năm Góc đã đình chỉ hoạt động này với lực lượng sở tại.
Niger, quốc gia bán sa mạc rộng lớn, là một trong những nước nghèo nhất và bất ổn nhất thế giới, khi xung đột giữa quân đội chính phủ với các nhóm vũ trang kéo dài nhiều năm qua. Niger đã trải qua 4 cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập năm 1960.
Trong trường hợp khẩn cấp, công dân Việt Nam có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria qua số điện thoại: +213 558 30 59 09 hoặc email: sqvnalgerie@yahoo.com.vn
Theo Thanh Danh
Vnexpress