Toggle navigation
Người Việt sống ở Ba Lan
02/09/2018 | 11:04 GMT+7
Chia sẻ :
Ước tính hiện có khoảng 40.000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Ba Lan. Cộng đồng người Việt ở đây phát triển ổn định và hội nhập ngày càng sâu rộng. Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan là một trong số ít cộng đồng tại châu Âu phát triển mạnh. Vì vậy, công tác cộng đồng luôn là một trọng tâm trong các nhiệm vụ của Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ba Lan.

Chợ đêm của người Việt ở Ba Lan.

1. Sau năm 1991, số lượng người Việt Nam tới Ba Lan sinh sống, học tập và lập nghiệp tăng nhanh. Nếu trước đây phần lớn bà con buôn bán quần áo, giày dép ở các chợ thì hiện nay chủ yếu buôn bán tại các trung tâm thương mại và một phần chuyển dần sang làm quán bar, nhà hàng và đầu tư kinh doanh khách sạn. Tại Ba Lan có hàng nghìn quán bar, nhà hàng Việt Nam. Người Ba Lan thích ăn món ăn Việt Nam nên việc kinh doanh cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên rất ít người làm giàu được từ nghề làm quán ăn, phần lớn chỉ đủ sống.

Bên cạnh những hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ thì tại thủ đô Warszawa có nhiều trung tâm thương mại cho các công ty thuê mặt bằng để bán buôn do doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đầu tư. Trung tâm Polskie là khu vực có quy mô lớn nhất tại châu Âu hiện nay.  Polskie khác biệt, bởi đây là trung tâm duy nhất chỉ hoạt động về đêm. Theo các tiểu thương người Việt ở đây, lúc đầu, Trung tâm  cũng hoạt động ban ngày, tuy nhiên do ra đời sau, nằm khuất nẻo nên hoạt động kinh doanh khó khăn. Bởi vậy việc chuyển hẳn sang hoạt động ban đêm chính là bước ngoặt trong chiến lược kinh doanh và sự nhanh nhạy, thích ứng với thị trường nước sở tại của các doanh nhân người Việt. Và bước đi đó đã thành công, trung tâm đến nay đã phát triển ngày một sầm uất, thịnh vượng.

Cùng với những hộ kinh doanh, ổn định thì nhiều người Việt rất thành công trên thương trường, được báo chí nước sở tại ca ngợi. Trong đó không thể không kể tới ôngTrần Anh Tuấn - một doanh nhân thành đạt và có nhiều đóng góp tâm huyết cho các hoạt động vì cộng đồng suốt hơn 20 năm qua. Ông Tuấn sinh năm 1964, quê ở Nghệ An. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp ngành Toán ứng dụng tại trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phân về làm việc tại Viện khoa học Việt Nam, sau đó ông sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh. Sang đây, nắm bắt được những cơ hội kinh doanh, ông Tuấn quyết định khép lại việc học, làm thủ tục bồi thường kinh phí học bổng cho nhà nước rồi bắt đầu lăn lộn trong chốn thương trường.

Bằng bản lĩnh và sự năng động của mình, từ hai bàn tay trắng, ông Tuấn khởi nghiệp thành công từ việc kinh doanh nhỏ lẻ hàng dệt may. Giữa năm 2004, Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nên các tuyến biên giới được mở thông, ông Tuấn bắt đầu tìm tòi hướng đầu tư mới. Lúc này, biệt danh Tuấn Tomek đã được nhiều người Việt tại Ba Lan, Czech và Đức biết tới như một doanh nhân Việt Nam thành công nơi xứ người.

Không chỉ là người thành công trên thương trường, ông Tuấn còn được cộng đồng người Việt tại Ba Lan quý mến bởi sự thân thiện và tâm huyết. Ông là phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan từ ngày đầu thành lập năm 1999 và hiện kiêm nhiệm chức Tổng thư ký. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan từ năm 2001 đến nay. Trên cương vị của mình, ông luôn hết lòng với công tác cộng đồng, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ  bà con khi họ gặp khó khăn. Ông cùng một số người có trách nhiệm đã thành lập 1 trung tâm y tế tại Warsaw, lấy việc hỗ trợ cộng đồng làm mục tiêu chính trong hoạt động. Đây là trung tâm y tế bài bản đầu tiên do người Việt thành lập tại Ba Lan đã hỗ trợ rất nhiều cho bà con người Việt mỗi khi ốm đau, bệnh tật. 

2. Thành công trong công việc, bà con người Việt ở Ba Lan rất có ý thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan là một trong những điểm nổi bật, khác biệt so với cộng đồng người Việt ở các quốc gia khác. Bản sắc văn hóa ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh đời sống: ẩm thực, tình làng nghĩa xóm, nền nếp gia phong, phong tục lễ, tết… cho đến vấn đề lớn như duy trì tiếng mẹ đẻ.

Theo Đại sứ Vũ Đăng Dũng, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan luôn cổ vũ, đồng hành tất cả các hoạt động của cộng đồng nhằm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, thể hiện bản sắc của người Việt Nam đang sinh sống làm ăn tại Ba Lan, đặc biệt là việc duy trì, nuôi dưỡng giá trị này với các thế hệ trẻ thứ 2, thứ 3. Và để duy trì được giá trị văn hóa của Việt Nam tại cộng đồng, một trong những công cụ quan trọng là việc giảng dạy và học tập tiếng Việt. 

Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, cộng đồng người Việt đã thành lập một trường dạy tiếng Việt để duy trì và phát triển ngôn ngữ Việt cho thế hệ trẻ. Hàng năm, cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức rất nhiều sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa với nhiều hình thức khác nhau để thể hiện sức mạnh của cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan. 

Tại Ba Lan có rất nhiều hội đoàn người Việt như Hội Doanh nghiệp, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Sinh viên, Hội đồng hương...các hoạt động của Hội luôn phong phú, thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng người Việt và người dân bản xứ. Thông qua những hoạt động này không chỉ giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt góp phần giữ gìn bản sắc mà còn quảng bá được hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, những hội đoàn này cần có các biện pháp củng cố tổ chức, hoạt động nhằm đáp ứng hơn nữa các nhu cầu thiết thực, lợi ích chính đáng của cộng đồng Việt Nam tại đây. Hiện nay, lãnh đạo của các hội đoàn đều là những thế hệ cao tuổi, do đó, việc làm hiện nay là đưa lớp trẻ người Việt tham gia vào các hội đoàn. Bởi vậy, theo Đại sứ Vũ Đăng Dũng, một trong những nhiệm vụ sắp tới của cộng đồng người Việt Nam cũng như cơ quan đại diện là phải huy động được sự tham gia của thế hệ trẻ vào các tổ chức, hội đoàn tại Ba Lan. Nếu làm được việc này thì sức mạnh của cộng đồng Việt thông qua các hội đoàn sẽ ngày càng gia tăng, góp phần đáng kể vào việc duy trì và phát triển bản sắc Việt ở Ba Lan. 

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã hội nhập rất tốt với đời sống văn hóa, kinh tế của nước sở tại. Nhưng dù ở đâu, làm gì thì trong  sâu thẳm của mỗi người, quê hương, Tổ quốc bao giờ cũng là một nguồn lực tinh thần rất lớn giúp mọi người gắn kết với nhau. Bà con kiều bào ở Ba Lan luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ bà con quê nhà mỗi khi gặp thiên tai, bão lũ.  Chỉ tính riêng tháng 10/2016, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã quyên góp được tổng cộng trên 2 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Theo Thành Nam
Đại Đoàn Kết
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com