Toggle navigation
Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn
13/12/2022 | 03:52 GMT+7
Chia sẻ :
"Có lần người quen cho mấy cái bát ăn cơm, mẹ tôi mang về mà nằm khóc, không nghĩ có ngày đến cái bát cũ còn phải cầm về như vậy", Mai Trang kể về những ngày đầu sang Ba Lan tị nạn. 
Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn

Ngày 24/2, Nga chính thức mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Kể từ thời điểm đó đến nay, đã có khoảng 9,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tại quốc gia này để đi lánh nạn nhằm bảo toàn tính mạng cho bản thân và gia đình. 

Trước thời điểm xảy ra chiến sự, ước tính có gần 7.000 người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine. Họ tập trung tại một số thành phố như Kiev, Kharkiv, Odessa, Kherson, Donetsk, Lviv.

Từ cuối tháng 2, theo dòng người tị nạn, hàng nghìn người Việt cũng phải di tản sang các nước châu Âu hoặc theo các chuyến bay về nước.

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 1
Một phụ nữ thất thần ngồi trước một lều tạm ở Ba Lan sau khi chạy từ Ukraine sang. Hàng trăm nghìn người cũng có hoàn cảnh tương tự như chị. (Ảnh: Reuters).

Với nhiều người Việt, Ukraine như quê hương thứ hai, nơi họ đã gắn bó, sinh sống, lập nghiệp hàng chục năm. Ra đi tay trắng vì chiến sự, cuộc sống của họ hoàn toàn bị đảo lộn. Từ những chủ sở hữu nhiều bất động sản, cửa hàng… họ phải chấp nhận cuộc sống của những người lao động với mức lương tối thiểu chỉ đủ sống.

Từ chủ thành người đi làm thuê, bị ép lương cũng đành chấp nhận

Sờ thấy trán cậu con trai 3 tháng tuổi nóng ran, Mai Trang vội liên lạc với người phiên dịch hẹn đi cùng tới bệnh viện để trợ giúp mẹ con cô trong quá trình thăm khám với bác sĩ.

Mấy tháng nay, cứ mỗi lần con ốm đau hay cần tiêm phòng, khám định kỳ, người mẹ trẻ lại tốn một khoản tiền để thuê phiên dịch. Trong điều kiện chạy loạn do chiến sự, số tiền này với gia đình cô cũng là một gánh nặng.

Mai Trang (26 tuổi) cùng chồng và hai con vốn sinh sống ở thành phố Kharkov (Ukraine). Ngày 28/2, bốn ngày sau khi nghe tiếng bom đạn rền vang, Trang khi đó đang mang bầu bé thứ ba đã cùng cả nhà dắt díu nhau sang Ba Lan. Nhờ sự trợ giúp của một người quen, gia đình cô thuê được một căn hộ nhỏ ở thành phố Warszawa. Một thời gian sau, họ được cấp giấy bảo trợ công dân.

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 2
Con gái của Mai Trang khóc đêm suốt một tháng đầu khi sang Ba Lan tị nạn. Chuyến tàu không ánh sáng, chạy loạn giữa bom đạn đã khiến cô bé ám ảnh mãi.

Chia sẻ với Dân trí về những ngày đầu mới sang Ba Lan lánh nạn, giọng người mẹ trẻ lại trùng xuống. Cô kể: "Thời gian đầu, chúng tôi được người quen hỗ trợ một tháng tiền nhà. Sau đó, đại gia đình 8 người của tôi thuê căn hộ nhỏ rộng 33m2 để ở. Khi tôi sinh bé thứ ba, vì quá chật chội, bố mẹ cùng các em tôi mới tách ra ở riêng, nhường lại không gian cho hai vợ chồng cùng 3 con nhỏ".

Tị nạn tại Ba Lan, gia đình 5 người của Mai Trang được chính phủ nước này trợ cấp 150USD/người/tháng, bắt đầu từ tháng 9/2022. Số tiền ít ỏi này chỉ đủ để họ nộp học phí cho bé lớn và mua sữa, bỉm cho bé thứ hai.

"Vì nộp hồ sơ muộn nên trường công đã đủ số lượng học sinh. Con gái lớn của tôi phải chuyển qua học trường tư", Mai Trang nói.

Mọi chi phí từ thuê nhà, ăn uống hàng tháng của cả gia đình trông chờ vào số tiền làm thuê cho một công ty vận chuyển của chồng Mai Trang.

Công việc này, anh may mắn được người quen giới thiệu ngay sau khi sang Ba Lan được gần một tuần (khoảng đầu tháng 3/2022).

Mai Trang và chồng sống ở Ukraine 10 năm, từng sở hữu một cửa hàng vải ở khu chợ sầm uất của thành phố Kharkiv. Mức thu nhập và kinh tế của họ vì thế khá ổn định. Chiến sự xảy ra, họ ra đi tay trắng, trên người chỉ mặc vài bộ quần áo ấm. Tài sản, tiền bạc không mang theo được thứ gì. Hiện tại, họ chỉ biết duy trì cuộc sống bằng mức lương tối thiểu ở Ba Lan, chi tiêu tằn tiện mỗi ngày.

Do ảnh hưởng của chiến sự, vợ chồng chị Vũ Hải Yến (31 tuổi) cũng phải bỏ lại căn nhà, cửa hàng cùng nhiều hàng hóa giá trị ở thủ đô Kiev để tháo chạy sang Đức.

Hiện tại, gia đình chị Yến đang ở trong một trại tị nạn thuộc miền Tây nước Đức. Tại đây, chị được phân một căn nhà liền kề 2 tầng, ở chung với một gia đình khác cũng từ Ukraine sang Đức tị nạn.

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 3
Khu nhà nơi gia đình chị Yến đang sinh sống. Nơi đây có sân chơi rộng rãi, an ninh đảm bảo. Khu nhà cũng luôn có nhân viên túc trực trợ giúp các vấn đề về an ninh, y tế, hỏa hoạn…

Chia sẻ với Dân trí, chị Yến cho biết, gánh nặng kinh tế gia đình đang dồn hết lên vai chồng chị. Chị hiện chưa thể đi làm vì hàng ngày phải đến lớp học tiếng Đức. Chồng chị sau một thời gian sang Đức đã tìm được công việc phụ bếp trong một nhà hàng.

"Hàng ngày anh phải làm việc vất vả từ 10h sáng cho đến 11 giờ đêm. Mỗi lần đi về là di chuyển mấy lần tàu. Hầu như ngày nào 1 giờ đêm anh ấy cũng mới về đến nhà. Cơm nước, tắm rửa xong thì 2 giờ sáng mới được ngủ. Gần như, trong tuần, chẳng khi nào hai cha con được nói chuyện với nhau", chị Yến trầm tư.

Làm việc vất vả là vậy nhưng chồng chị chỉ được nhận khoảng 1800-2000 Euro/ tháng. Số lương này theo chị Yến chỉ bằng một nửa so với mức lương tối thiểu do nước Đức quy định dành cho người lao động.

Vì chồng chị Yến mới sang, chưa biết tiếng, lại đang cần việc gấp nên bị chủ "ép lương", chấp nhận chịu thỏa thuận mức thu nhập chỉ còn một nửa.

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 4
Chị Yến đang dành thời gian đi học tiếng Đức để có thể tìm kiếm một công việc ổn định.

Vợ chồng chị Yến từng là chủ hàng buôn quần áo nhiều năm. Họ từng đối xử rất tử tế với nhân viên của mình, trả lương xứng đáng và được nhân viên gắn bó, yêu quý như người ruột thịt trong nhà. Chính vì vậy, khi đi làm thuê, bị xử ép và nhận về đồng lương rẻ mạt, vợ chồng chị chỉ biết nuốt tủi cực vào trong.

Chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm từ chiếc bát cũ

Vì đi về khuya thường xuyên trong thời tiết lạnh giá, chưa quen với cường độ làm việc quá sức, không có giờ nghỉ ngơi, chồng chị Yến bị ốm và đành xin nghỉ việc. Hiện tại, anh đang tìm công việc mới phù hợp hơn.

"Bên Ukraine, hai vợ chồng tôi cùng nhau điều hành chuỗi cửa hàng, công việc không quá vất vả, thu nhập mỗi ngày có thể ít hơn nhưng đỡ khổ hơn. Mỗi ngày làm đến 4-5 giờ chiều là về đón con, cơm nước, nghỉ ngơi", chị Yến nhớ về những ngày bình yên trước đây.

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 5

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 6

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 7
Căn phòng chị Yến ở có giường, tủ quần áo, tủ bếp và một chiếc tủ lạnh nhỏ cùng ít bát đĩa, xoong nồi. Chị Yến tự mua lò vi sóng, nồi cơm điện để phục vụ cho việc nấu nướng.

Từ số tiền lương ít ỏi của chồng, tiền trợ cấp, chị Yến phải tính toán, tiết kiệm từng chút một bởi chi phí sinh hoạt ở Đức vô cùng đắt đỏ.

Chị Yến kể: "Với số tiền đó, tôi dành 25 Euro để đóng học phí cho con (95 Euro tiền học phí còn lại được nước Đức hỗ trợ). 100 Euro tôi gửi về Ukraine để nhờ hàng xóm đóng thuế đất, tiền điện, tiền nước, tiền lò sưởi cho nhà nước.

Tôi không muốn nợ nhà nước vì lúc này mỗi người dân cần có ý thức nộp thuế đầy đủ thì đất nước mới có tiềm lực trong giai đoạn này. Số tiền còn lại cộng với tiền lương đi làm của chồng, tôi chi tiêu ăn uống và các chi phí phát sinh hàng ngày".

Cũng theo chị Yến, riêng tiền ăn uống của gia đình 3 người đã tốn khoảng 70-80 Euro (khoảng gần 2 triệu đồng) mỗi ngày. "Đây là do mức chi tiêu ở Đức đắt đỏ chứ không phải gia đình tôi hoang phí. Tôi chỉ dám mua đồ Tây trong siêu thị Đức. Nếu mua đồ ăn, thực phẩm châu Á chuyển sang thì vô cùng đắt đỏ.

Mức thu nhập như hiện tại của nhà tôi không thể mua được những thực phẩm này. Mua sắm hàng ngày cũng phải tiết kiệm hết mức, cân nhắc từ bộ quần áo đến các món đồ cá nhân. Chúng tôi thường chỉ ưu tiên các khoản dành cho con", chị Yến cho hay.

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 8
Chồng chị Yến hiện đang trở thành trụ cột kinh tế của gia đình.

Cùng từ cảnh làm chủ phải đi làm thuê, gia đình Mai Trang cũng phải tính toán kỹ lưỡng các khoản chi tiêu trong tháng, tận dụng tối đa các đồ cho tặng. Những ngày mới sang đất Ba Lan, họ may mắn được người quen mua cho những vật dụng cá nhân. Không có tiền trong tay, gia đình Trang còn được nhiều người cho từ quần áo đến xoong nồi, bát đĩa.

"Có lần người quen cho mấy cái bát ăn cơm, mẹ tôi mang về mà nằm khóc, không nghĩ có ngày đến cái bát cũ còn phải cầm về như vậy. Mẹ tôi vốn làm chủ một cửa hàng ăn. Suốt 2 tháng đầu sang đây, bà suy sụp lắm, mất ngủ triền miên. Sau này, khi xin được việc làm, bận rộn hơn nên bà cũng dần khuây khỏa. Đi về nhà thấy các cháu thì tinh thần cũng phấn chấn hơn", Mai Trang nhớ lại.

Sống tạm, mong ước ngày về

Cuộc sống mới với không ít khó khăn khiến đôi lúc họ muốn quay về đất nước Ukraine dù giao tranh chưa kết thúc.

Chị Vũ Hải Yến cho hay, khoảng tháng 8/2022, khi tình hình giao thông đi lại bớt căng thẳng, chồng chị đã quay về thủ đô Kiev. May mắn nhà cùng cửa hàng và số hàng hóa không bị ảnh hưởng. Chồng chị dọn dẹp lại nhà cửa, gói ghém hàng hóa và gia cố cho ổn định để tránh thất thoát.

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 9
Nhiều khu vực ở Ukraine mất điện, mất nước do các cơ sở hạ tầng bị tấn công. Chính vì vậy, gia đình chị Yến đành từ bỏ ý định quay lại Ukraine. (Ảnh: Guardian).

"Chồng tôi về trước để xem tình hình ổn định thì mẹ con tôi sẽ về lại Ukraine. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt trong nước bây giờ khá khắc nghiệt. Mùa đông rất lạnh nhưng điện, nước, hệ thống sưởi hoạt động không ổn định vì thường xuyên bị trúng bom đạn.

Người lớn còn có thể cố gắng thích nghi được nhưng trẻ con thì không thể. Chồng tôi ở lại Ukraine được 2 tháng. Một hôm chứng kiến cảnh bom rơi ở khu vực ngay gần nhà nên sợ quá đành phải quay lại Đức".

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 10

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 11
Chứng kiến bom đạn rơi gần nhà và gần cửa hàng, chồng chị Yến vội vã quay lại Đức. 

Chuyển từ nơi mình sinh sống hàng chục năm sang mảnh đất mới, những gia đình người Việt gặp không ít rào cản. Rào cản đầu tiên là về ngôn ngữ, mỗi lần đi khám bệnh cho con, Mai Trang lại phải thuê phiên dịch. May mắn tiếng Ba Lan gần với tiếng Ukraine nên cô cũng tận dụng được chút ít. Những lúc đi ra đường, giao tiếp cơ bản, cô dùng thêm chức năng dịch trên Google.

Sau hơn nửa năm học tiếng Đức, chị Yến cũng đã đạt trình độ A1. Tuy nhiên, những tình huống phức tạp, cần sử dụng các từ chuyên môn đối với chị vẫn là thử thách.

"Gần một năm nay chúng tôi chưa biết đến khám sức khỏe là gì, phần vì không rành thủ tục, đường lối đi lại, phần vì không biết tiếng. Những tháng trước, gia đình tôi nhận được khoản trợ cấp 1090 Euro cho 3 người. Tuy nhiên, tháng này, chúng tôi chưa nhận được khoản tiền này. Vì hạn chế ngôn ngữ, chúng tôi cũng không biết làm cách nào để hỏi ngoài việc viết email đơn giản", chị Yến cho hay.

Khi được hỏi, tại sao không lựa chọn về nước, những người Việt xa xứ như chị Yến hay Mai Trang thành thật chia sẻ, đôi lúc họ cũng đã nghĩ đến phương án này. Song vì tiền của bao nhiêu năm dành dụm, bươn chải, họ đều dồn tất vào mua nhà cửa, đầu tư hàng hóa ở Ukraine. Về nước, họ cũng là những người tay trắng, việc mưu sinh, học tập, sinh hoạt thế nào cũng là một vấn đề lớn.

Người Việt rời Ukraine: Từ chủ thành người làm thuê, cuộc sống đảo lộn - 12
Chị Yến mong chiến sự sớm kết thúc để trở về những ngày yên bình.

Chị Yến thành thật: "Tôi cố gắng bám trụ lại đây chờ ngày Ukraine hòa bình. Tôi cũng xác định học tiếng Đức thật tốt để nếu cuộc chiến kéo dài thì mình sẽ kiếm một công việc để làm, tự ổn định cuộc sống, không phải trông chờ vào tiền trợ cấp như hiện tại. Nếu có công việc thì chính phủ Đức cũng sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi".

Với Mai Trang, dù đã ở Ba Lan gần 9 tháng, nhưng cô bảo mình vẫn không tránh khỏi cảm giác sống tạm bợ. Cô vẫn luôn mơ đến ngày được trở lại đất nước Ukraine, nơi gia đình mình đã gắn bó gần 20 năm với nhiều kỉ niệm buồn vui, thăng trầm.

Nhận được sự trợ giúp ân tình từ các nước châu Âu cùng bạn bè, người quen, gia đình chị Yến, Mai Trang… cảm thấy vô cùng biết ơn. Cuộc sống đang ổn định dần nhưng họ vẫn luôn mong ước có ngày sớm được trở lại đất nước Ukraine.

Theo Phạm Hồng Hạnh
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com