Những người Việt học tập và làm ăn ở Quảng Tây, tỉnh giáp biên giới Việt - Trung, không vội về sớm vì đường sá thuận tiện.
Một người Việt chọn đồ trang trí ngày Tết trong một khu phố ở Hà Nội hôm 1/2. Ảnh: Xinhua.
Trong một quán ăn Việt có tên "Mifeizhai" gần đại học Quảng Tây, thành phố Nam Ninh hôm 1/2, Vi Anh Duc và Luc Thi Kieu say sưa kể về những điểm chung giữa Tết cổ truyền của Việt Nam và Trung Quốc, theo Xinhua.
Người dân hai nước đều thích trưng hoa, xem pháo hoa và treo tranh chữ trên cửa. Quan trọng hơn, họ đều cảm thấy sự thôi thúc phải về nhà.
"Người Việt có truyền thống về quê ăn Tết, đoàn tụ cùng gia đình, bất kể chúng tôi ở đâu", Vi, sinh viên người Việt, chia sẻ.
Ở Trung Quốc, đối với hàng triệu người, về nhà vào dịp Tết nghĩa là phải trải qua một hành trình đầy gian nan bằng đường sắt, đường bộ hay đường hàng không, nhưng với Vi và Luc, cả hai đều không lo lắng chuyện về nhà.
"Tôi sẽ bắt xe buýt ở Nam Ninh vào buổi sáng, chiều là về tới nhà. Mỗi năm tôi về nhà 5, 6 lần", Luc, sinh viên 19 tuổi, người Cao Bằng, Việt Nam, nói.
Với Vi, khoảng cách giữa trường đại học và quê nhà chỉ là "6 giờ ngồi xe". "Tôi đang rất mong được về nhà gặp gỡ bạn bè và gia đình", Vi bày tỏ.
Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam, là cửa ngõ quan trọng của Trung Quốc với Đông Nam Á. Cơ sở hạ tầng của khu vực này được đầu tư lớn trong những năm gần đây, mở thêm nhiều tuyến đường bộ và đường sắt kết nối với Việt Nam. Thủ phủ Nam Ninh hiện có 7 chuyến xe buýt tới Hà Nội mỗi ngày, và tuyến đường sắt cao tốc khởi công năm 2014 kết nối Nam Ninh với Phòng Thành Cảng, thành phố nằm dọc biên giới Việt Nam, Trung Quốc.
Tàu Nam Ninh - Hà Nội T8701/02 đi vào hoạt động năm 2009 là tuyến đường sắt liên vận thứ hai của Trung Quốc sau tuyến Bắc Kinh - Moskva. Những ngày này, tàu chật kín người Việt về nước.
"Đi tàu rất thuận tiện, giá cả hợp lý. Nó trở thành lựa chọn hàng đầu của người Việt tới Trung Quốc làm ăn và của sinh viên Việt mỗi lần về nhà", Hoang Tuyen, người đang kinh doanh ở Trung Quốc hơn 10 năm, cho biết.
Ngồi tàu từ Nam Ninh tới Hà Nội mất 11 tiếng, các biển hiệu và thông báo đều được viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung. Wei Feng, trưởng tàu T8701/02 cho hay vào đợt cao điểm này, tàu tăng thêm hai tới ba toa để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Theo Hồng Hạnh
Vnexpress