"Tôi vỡ òa vì vui sướng", Nguyễn Thị Thu Hà, 37 tuổi, người Việt đang công tác tại Viện nghiên cứu học thuật và thực hành kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói với VnExpress về cảm xúc khi Trung Quốc tái mở cửa sau ba năm đại dịch.
Sinh sống tại Bắc Kinh hơn 10 năm, trước khi đại dịch bùng phát, chị Hà vẫn thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc để thực hiện các dự án kinh doanh, trao đổi học thuật. Nhưng hoạt động này ngừng lại kể từ khi Trung Quốc đóng cửa biên giới trong chính sách "Không Covid" nghiêm ngặt gần ba năm qua.
Thu Hà trong cửa hàng đồ uống tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh ngày 9/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bởi vậy, chị đã rất vui mừng khi Trung Quốc từ ngày 7/12/2022 thông báo nới lỏng các quy định hạn chế ngăn Covid-19, cho phép các hoạt động đời sống xã hội dần quay trở lại bình thường. Từ ngày 8/1, toàn bộ người nhập cảnh Trung Quốc chỉ cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mà không cần cách ly. Đây là lần đầu tiên từ tháng 3/2020, người đến Trung Quốc sẽ được phép về thẳng nơi cư trú mà không phải tới khu cách ly.
Trung Quốc cũng sẽ nối lại cấp hộ chiếu cho người dân, cũng như thị thực thông thường và giấy phép cư trú cho người nước ngoài từ thời điểm này.
"Dù đã được thông báo từ một tháng trước, tôi vẫn không thể giấu nổi niềm vui vào ngày mở cửa", chị Hà nói.
Đoàn Thị Quỳnh, 37 tuổi, đang sinh sống tại Bắc Kinh cùng chồng người Trung Quốc và con trai 5 tuổi, cũng có chung tâm trạng với Thu Hà.
"Ai cũng vui vì Trung Quốc mở cửa. Đi lại thuận tiện hơn vì không còn các biện pháp hạn chế. Đường phố, trung tâm thương mại giờ đây đã tấp nập người đi chơi, đi mua sắm như trước dịch", chị Quỳnh nói.
Nguyễn Phương Giang, 36 tuổi, sinh sống cùng chồng người Trung Quốc và con trai 4 tuổi ở Nam Ninh, cho hay hồi đầu tháng 12, khi Trung Quốc bắt đầu nới hạn chế và làn sóng dịch bùng phát, người dân đa phần "hoang mang và e ngại" vì sợ lây nhiễm nCoV.
"Bây giờ, hầu như ai cũng nhiễm rồi nên cuộc sống dần trở về bình thường. Mọi người đã quen với dịch", Giang nói. "Ai cũng mong dịch qua nhanh, kinh tế hồi phục, bởi nhiều người đã kiệt quệ sau ba năm phong tỏa".
Vợ chồng Phương Giang trong chuyến du lịch Dương Sóc cổ trấn, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, ngày 7/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giới chức tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, hôm 9/1 cho biết 89% dân số trên toàn tỉnh đã nhiễm nCoV, tương đương khoảng 88,5 triệu người. Dựa trên các nghiên cứu, Hà Nam đánh giá tỉnh này đã vượt qua đỉnh dịch thành công và số ca nhiễm mới hàng ngày được dự báo duy trì ở mức thấp cho đến cuối tháng.
Trung Quốc nới hạn chế đúng thời điểm bắt đầu "Xuân vận", sự kiện di chuyển mùa xuân lớn nhất thế giới. Xuân vận năm nay bắt đầu đợt cao điểm vào 7/1 và kéo dài 40 ngày, tới 15/2.
Chính quyền Trung Quốc ước tính ngành giao thông sẽ phục vụ gần 2,1 tỷ chuyến đi trong dịp Tết năm nay, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 70,3% so với năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát.
Chị Hà cho hay sau gần một tháng nới hạn chế, một số tỉnh thành Trung Quốc gần như đã chạm ngưỡng miễn dịch cộng đồng, khi 90% dân số nhiễm virus, nên người dân đã bớt tâm lý ngần ngại và bắt đầu "ùa khỏi nhà đi chơi".
Theo News.hsw, trong thời gian Tết, các khách sạn hạng sang trên đảo Hải Nam đều kín phòng. Một ông chủ sở hữu 15 biệt thự cho thuê dài hạn ở Vịnh Tam Á cho hay doanh thu trong một tháng đã đủ bù đắp khoản lỗ trong ba năm đại dịch.
"Du lịch nội địa Trung Quốc đang khôi phục. Người dân Bắc Kinh đang đổ xô tới đảo Hải Nam tránh rét", chị nói.
Tuy nhiên, chị Hà cho rằng hoạt động du lịch nước ngoài của người Trung Quốc chưa thể sớm cải thiện, vì nhiều quốc gia hiện yêu cầu người đến từ Trung Quốc trình xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 48 giờ. Theo chị, yêu cầu này "khá bất tiện", vì người dân sẽ phải tới xếp hàng chờ xét nghiệm tại các bệnh viện vốn đã quá tải.
Đoàn Thị Quỳnh trước đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh ngày 9/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Quỳnh ở Bắc Kinh thì cho biết đang "đếm từng ngày" để có thể tới thăm bạn bè ở thành phố Nam Ninh rồi về Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị. Tuy nhiên, do đang tất bật với công việc chuẩn bị nối lại các hoạt động du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc, chị chưa thể về nước trước Tết. Chị làm việc trong ngành du lịch, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề suốt ba năm đại dịch.
Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, cách Lạng Sơn hơn 400 km. Chính quyền Quảng Tây ngày 9/1 cho hay sẽ dần nối lại các tuyến vận tải đường bộ quốc tế trực tiếp giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo Xinhua.
Trip.com, nhà cung cấp dịch vụ du lịch quốc tế lớn, cho hay lượt tìm kiếm đơn xin thị thực trên mạng đã tăng 300%. Trong khi đó, lượng đặt chuyến bay nội địa tăng hơn 250% trong vòng một ngày, sau khi chính phủ tuyên bố dỡ bỏ hạn chế du lịch nước ngoài hồi tháng 12.
"Bạn bè người Trung Quốc của tôi rất vui vì bây giờ được đi lại bình thường và có thể sang Việt Nam du lịch", Quỳnh nói. "Tôi đang lên kế hoạch đưa khách Trung Quốc sang Việt Nam sau Tết. Bước sang năm mới, hy vọng mọi thứ đều tốt đẹp, công việc thuận lợi".
Theo Hồng Hạnh
Vnexpress