Tại Nga, đợt bùng phát thứ hai (từ sau khi Nga dỡ bỏ cách ly) đã vượt đỉnh của lần trước và số người Việt bị mắc lần này cũng nhiều hơn.
Ông Đỗ Xuân Hoàng.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga để hiểu hơn về tình hình, nhất là việc 11 người Việt Nam vừa tham gia tiêm vaccine Sputink-V.
PV: Thưa ông, tình hình dịch Covid-19 tại Nga có vẻ đang diễn biến phức tạp?
Ông Đỗ Xuân Hoàng: Tính đến ngày 19/11, tại Nga đã ghi nhận 23.610 ca mắc Covid-19, mức cao kỷ lục kể từ đầu đại dịch, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 2 triệu người. Theo Ban Điều hành về ngăn ngừa và chống lây lan dịch Covid-19 của Nga, số ca mắc mới được phát hiện nhiều nhất trong một ngày qua là ở thủ đô Moskva với 6.438 người, Saint Peterburg là 2.312 và tỉnh Moskva là 880. Số ca tử vong được ghi nhận cũng cao nhất kể từ đầu đại dịch: 463 người.
Hiện Nga đang triển khai nhiều biện pháp bổ sung để chống dịch Covid-19. Tại Saint Petersburg, tất cả các điểm phục vụ ăn uống và sân trượt băng trong các trung tâm mua sắm sẽ đóng cửa. Các sự kiện thể thao sẽ được tổ chức mà không có khán giả. Các nhà hát và rạp chiếu phim cũng vắng người xem…
Đợt bùng phát thứ hai này (từ sau khi Nga dỡ bỏ cách ly) đã vượt đỉnh của lần trước và số người Việt bị mắc lần này cũng nhiều hơn (không chỉ chủ yếu là người đi chợ như đợt trước), bao gồm cả người làm việc văn phòng và các việc khác.
Vậy thưa ông, tâm lý của bà con người Việt mình hiện nay như thế nào?
-Tuy số ca mắc có thể cao hơn đợt một (chưa thống kê được) nhưng tâm lý bà con đã đỡ lo lắng căng thẳng hơn nhiều so với trước. Một phần có thể là nhờ sự hiểu biết được tăng cường, và những tin đồn thổi thất thiệt hoặc thổi phồng vấn đề cũng ít hơn. Mọi người bình tĩnh để tập trung vào các vấn đề đời sống thiết thực của mình, tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch của chính quyền sở tại.
Một điều nữa khiến bà con ta yên tâm hơn là đội ngũ y bác sĩ và chính quyền Liên ban Nga rất tuyệt vời. Nhiều người Việt khi mắc bệnh, ngôn ngữ không thông, thủ tục hành chính bất cập, bản thân bạn cũng ngổn ngang trăm sự, vậy mà chúng ta nhận được sự trợ giúp và chăm sóc như người bản địa, tuyệt nhiên không có phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, Hội Người Việt tại Nga vẫn luôn là điểm tựa tinh thần quý giá cho mọi người - một tổ chức gắn bó, thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ, sẵn sàng giúp đỡ và giúp đỡ bà con hiệu quả, chúng tôi luôn muốn làm mọi cách để không ai cảm thấy đơn độc.
Anh Hồ Anh Tuấn (quê Nghệ An) tự nguyện tham gia chương trình vaccine.
Được biết, trong cuộc khảo sát hơn 12.000 người ở 11 quốc gia trong đó có Việt Nam của YouGov, 73% số người được hỏi sẵn sàng tiêm vaccine ngừa Covid-19. Cứ 5 người biết đến vaccine Sputnik V của Nga, có 4 người bày tỏ mong muốn được tiêm vaccine này. Ông có thể nói cụ thể hơn về việc 11 người Việt Nam tham gia tiêm vaccine Sputnik-V vừa qua?
-Tôi nghĩ đây là việc đang được nhiều người quan tâm, nhất là trong lúc tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp như thế này. Mới đây chính quyền Moskva và Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia mang tên N.F.Gamaleya của Bộ Y tế Nga mời người dân và khách của thủ đô tham gia thử nghiệm lâm sàng sau khi đăng ký vaccine chống lại Covid-19. Chương trình này được đăng tải chính thức trên trang web của Thị trưởng Moskva. Đây là chương trình riêng của chính quyền Moskva vì họ muốn khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Moskva cho nhân viên của mình đi tiêm chủng. Đồng thời hiện nay Trung tâm Gamaleya vẫn đang tiếp tục giai đoạn thử nghiệm thứ 3 sau đăng ký của vaccine Sputnik-V.
Theo đó, có một số điều kiện để được tham gia tiêm vaccine theo chương trình này, trong đó người tiêm phải hoàn toàn tự nguyện và không mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp trong vòng 2 tuần cho đến thời điểm tham gia thử nghiệm, không ốm trong thời điểm tiêm vaccine. Không tiếp xúc với người mắc Covid-19 trong vòng 2 tuần cho đến thời điểm thử nghiệm. Riêng đối với phụ nữ phải có test âm tính với thụ thai. Đối với cả nam lẫn nữ có thể tham gia nếu không có kế hoạch có thai trong 3 tháng tới…
Về 11 người Việt tham gia tiêm vaccine hiện nay có sức khỏe đều tốt, sau khi tiêm chỉ có những phản ứng nhẹ như người nóng hơn, sốt nhẹ. Hiện nay họ đều đã tiêm mũi thứ hai. Nhìn chung tất cả những người tham gia tiêm vaccine đều được khám tổng thể và xét nghiệm thử máu, nước tiểu, xét nghiệm PCR, xét nghiệm kháng thể…Những người tham gia cũng được nhận bảo hiểm trước khi tiêm bao gồm 4 mức phụ thuộc vào tỉ lệ thương tật do ảnh hưởng của tiêm vaccine, đến mức cao nhất là tử vong được đền bù 2 triệu rúp (khoảng 25 nghìn USD).
Trân trọng cảm ơn ông!
PV: Ông có thể nói thêm về thái độ của người Nga và Việt Nam tại Nga đối với việc tiêm vaccine lần này?
Ông Đỗ Xuân Hoàng: Nhiều đại diện của những nhân vật “ưu tú” và giới truyền thông nằm trong số những người thử nghiệm vaccine đầu tiên, và họ đều phát biểu tích cực về loại thuốc này. Theo Hãng thông tấn RIA Novosti, trích dẫn từ nghiên cứu của Đảng “Nước Nga thống nhất” có 23% người dân Nga sẵn sàng tiêm vaccine phòng chống coronavirus, 73% người được hỏi thừa nhận rằng họ chưa có ý định tiêm chủng, 4% khác tin rằng họ đã nhiễm Covid-19 và không cần tiêm phòng. So với các nước khác, người Nga cẩn trọng hơn nhiều trong việc tiêm chủng.
Bên này, đa số bà con người Việt mình mong muốn sớm có vaccine và tin tưởng là chỉ có vaccine mới có thể ngăn chặn được hoàn toàn dịch bệnh do coronavirus. Tuy nhiên hiện nay số lượng vaccine Nga trên còn hạn chế và họ đang tiếp tục sản xuất. Mặc dù tin tưởng vào vaccine nhưng để tiêm vào giai đoạn thử nghiệm này không phải người Việt nào cũng muốn, nguyên nhân là: Đây là thử nghiệm, chưa có kết luận cuối cùng.
Tôi vẫn muốn nói thêm rằng, Nga là nước có nền y tế phát triển, lại thừa hưởng một mạng lưới y tế cộng đồng sâu rộng từ Liên xô (cũ) nên khi dịch xảy ra chính quyền các cấp đã rất nhanh chóng tổ chức hiệu quả các biện pháp ứng phó.
Việt Hà (thực hiện)
Đại đoàn kết