Toggle navigation
Người Việt ở Nga kể thăng trầm trong một năm chiến sự
27/02/2023 | 11:44 GMT+7
Chia sẻ :
Chiến sự Ukraine bùng phát khiến cuộc sống của hầu hết người Việt tại Nga đảo lộn, nhưng kiều bào đã dần thích ứng với tình hình mới.
Trong những tháng đầu tiên sau khi chiến sự Ukraine bắt đầu ngày 24/2/2022, cộng đồng người Việt tại Nga gặp rất nhiều khó khăn do đồng ruble sụt giảm, cùng làn sóng trừng phạt chưa từng thấy từ phương Tây.

"Nguồn cung hàng hóa từ các nước bị phong tỏa, vật giá lập tức leo thang 30-50%, có những mặt hàng tăng tới 300-500%, khiến thu nhập của người lao động giảm khoảng một nửa", anh Bình, 27 tuổi, chủ cửa hàng thực phẩm Việt Чay Shop ở Moskva, nói với VnExpress.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva, khoảng 80.000 người Việt đang sinh sống tại Nga, trong đó hơn 20% tập trung tại thành phố Moskva. Nhiều Việt kiều ở Nga hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp nhẹ.

Bởi vậy, khi chiến sự nổ ra, doanh nhân Việt tại Nga đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, một số người trong giai đoạn đầu bán tháo tài sản và hồi hương.

Anh Bình cho biết hoạt động di cư trong những tháng sau khi chiến sự bùng phát khiến giới chức Nga thắt chặt quy định kiểm soát đối với người nước ngoài. "Cảnh sát kiểm tra liên tục. Bước khỏi cửa là có thể bị đưa lên thùng xe, thẩm vấn mấy tiếng. Rất nhiều người bị trục xuất và cấm nhập cảnh 3-5 năm hoặc lâu hơn", anh kể.

Một phụ nữ Nga bước qua một sạp hàng nông sản ở Saint Petersburg. Ảnh: Reuters.
Một phụ nữ Nga bước qua sạp hàng nông sản ở Saint Petersburg. Ảnh: Reuters.

Nhưng sau một năm "dao động và hoang mang", đa số người Việt ở Nga chia sẻ rằng cuộc sống hiện tại đã trở lại bình yên, mọi sinh hoạt không còn chịu nhiều xáo trộn.

"Nước Nga đầu năm ngoái chao đảo mạnh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Các chính sách điều chỉnh của Tổng thống Vladimir Putin đã giúp giá ruble tăng kỷ lục, dần bình ổn về thời điểm trước chiến tranh", anh Bình nói.

Tỷ giá ruble hôm 23/2/2022, một ngày trước khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, là 81 ruble đổi một USD. Tỷ giá giảm mạnh xuống mức 150 ruble đổi một USD hôm 7/3/2022, nhưng dần hồi phục và lập đỉnh vào tháng 6/2022, với mức 54 ruble đổi một USD. Tỷ giá hiện nay là 75,7 ruble đổi một USD.

"Đại dịch và chiến sự nói chung tác động lớn lên tất cả mọi người. Nhưng 'lửa thử vàng, gian nan thử sức', nhiều doanh nhân Việt cũng theo kịp thời thế, gặt hái thành công giữa khủng hoảng", ông Hồ Sỹ Bằng, phó chủ tịch thường trực Hội đồng hương Nghệ An tại Moskva, người đã sinh sống 25 năm tại Nga, cho biết.

Ông Phan Mạnh Hùng, 56 tuổi, chủ doanh nghiệp sản xuất quần áo thể thao Ruviteks tại Moskva, cho hay khi chiến sự nổ ra, công ty của ông đã xây dựng kế hoạch "dài hơi", chuẩn bị nguồn cung nguyên vật liệu đủ cho công nhân sản xuất trong 6-7 tháng. Doanh nghiệp của ông cũng chuyển hướng kinh doanh, cung cấp một số sản phẩm cho chính phủ Nga theo lời kêu gọi của Tổng thống Putin.

"Giữa biến động, tư duy làm ăn lâu dài cũng khác, phải tính đường dài và điều chỉnh theo thế thời", ông Hùng nói.

Ông cũng cho hay hiện các mặt hàng đều có sẵn và giá cả "không biến động quá nhiều so với trước chiến sự", nên hầu như không ai tích trữ gì.

Theo thống kê của Statista, tỷ lệ lạm phát của Nga hồi tháng 2/2022, khi chiến sự chưa nổ ra, là 9,2%. Tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh 17,8% vào tháng 4/2022, sau đó giảm dần đều và xuống mức 11,77% vào tháng 1.

Anh Hồ Sỹ Bằng, phó chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ An tại Moskva. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ông Hồ Sỹ Bằng, phó chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ An tại Moskva. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhóm người Việt chịu tác động lớn nhất từ cuộc xung đột có lẽ là nhóm sinh viên theo diện học bổng Hiệp định Việt - Nga, trong bối cảnh các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT khiến quá trình gửi sinh hoạt phí chậm trễ, anh Bình, người làm kiêm công việc giấy tờ pháp lý hỗ trợ cộng đồng Việt ở Nga, cho hay.

Các du học sinh diện này được chính phủ Việt Nam cấp 420 USD sinh hoạt phí hàng tháng, trong khi Nga miễn học phí, cấp học bổng hàng tháng và bố trí chỗ ở.

"Một số sinh viên bị chậm sinh hoạt phí 6 tháng đến một năm, đa phần phải chi tiêu chắt bóp và đi làm thêm, ảnh hưởng đến thời gian học tập", anh Bình kể, thêm rằng hiện chưa có nhiều phương án để tháo gỡ khó khăn này.

Hồng Ngọc, 25 tuổi, người nhập quần áo từ Trung Quốc về bán ở Moskva, bày tỏ nỗi lo lắng về những khó khăn tiềm ẩn nếu tỷ giá đồng ruble tiếp tục sụt giảm trong năm nay, dù công việc kinh doanh chưa bị ảnh hưởng nhiều sau một năm chiến sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 11/2022 tuyên bố quá trình loại bỏ đồng USD và euro khỏi nước này là "không thể đảo ngược". Giới chức Nga - Trung Quốc sau đó cũng thông báo đang phối hợp làm việc để thiết lập hệ thống thanh toán riêng.

Hồng Ngọc bày tỏ tin tưởng rằng "mọi chuyện sẽ tiến triển tốt" khi chính phủ Nga tăng cường sử dụng nhân dân tệ và củng cố hợp tác với Trung Quốc giữa vòng vây trừng phạt của phương Tây.

Ông Bằng, người kinh doanh ăn uống, cũng cho biết công việc có phần chững lại, bởi sức mua phần nào giảm đi và nỗi lo vẫn còn. Nhưng ông tin rằng tâm lý hoang mang sẽ sớm qua đi, bởi kiều bào và người dân Nga đã từng đối phó rất tốt với những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch Covid-19.

Nhiều kiều bào bày tỏ mong muốn xung đột sớm chấm dứt để nhịp sống ở Nga hoàn toàn trở lại bình thường.

"Đây là mong muốn của mọi người. Bom đạn chỉ làm khổ người dân vô tội. Chúng tôi hy vọng các bên sẽ sớm đàm phán để kết thúc xung đột trong hòa bình", Hồng Ngọc nói.

Ông Hùng cho rằng chiến sự chấm dứt là mong mỏi của nhiều người dân Nga và cộng đồng người Việt sinh sống tại đây.

"Người Việt quá hiểu thế nào là bom rơi, đạn lạc. Tôi thực tâm mong các lãnh đạo thế giới sớm tìm được tiếng nói chung, bởi hạnh phúc, bình yên chỉ đến khi tiếng súng không còn rền vang nơi chiến trường", ông nói.

Theo Đức Trung - Ngọc Ánh
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com