Toggle navigation
Người Việt ở Gretna Green
06/08/2018 | 03:00 GMT+7
Chia sẻ :
Gretna Green là một ngôi làng đặc biệt, nằm giáp biên giới, cửa ngõ đón khách từ Anh sang Scotland. Làng không có nhà dân và chỉ có một công ty Famous Blacksmiths Shop bao gồm tổ hợp cửa hàng, nhà hàng, bảo tàng và khách sạn.


Chị Lily cùng đồng nghiệp trong một buổi bán hàng từ thiện Ảnh: LÂM VĂN

Chuyện bắt đầu vào năm 1754, Luật hôn nhân quy định các đôi uyên ương dưới 21 tuổi muốn kết hôn phải có sự đồng ý của cha mẹ. Luật áp dụng tại Anh và xứ Wales, không có hiệu lực với Scotland, nơi vốn vô cùng cởi mở, phóng khoáng với tình yêu (có thể kết hôn từ 16 tuổi). Thế là các đôi uyên ương đã tìm thấy một con đường- Gretna Green, cửa ngõ vào Scotland. Nơi ấy có bếp lò rực lửa của bác thợ rèn, ngày cũng như đêm, sẵn sàng mở cửa đón khách vào nhà. Và chỉ cần được hai người làm chứng, Gretna Green đã có thể tuyên bố: “Anh, chị từ nay đã là vợ chồng”.

Và cũng từ 1754 đến nay, nhân viên châu Á đầu tiên được tuyển vào làm việc tại Famous Blacksmiths Shop chính là một người gốc Việt. Đồng nghiệp ở Famous Blacksmiths Shop trìu mến gọi người phụ nữ gốc Hà Nội này là Lily. Một cô dâu Việt ở Scotland. Nhưng Lily đến Gretna Green để làm việc chứ không phải “chạy đến Gretna Green để kết hôn” như di sản huyền thoại về ngôi làng này từ hơn 250 năm trước. Tổ hợp Famous Blacksmiths Shop kế thừa di sản huyền thoại về tình yêu này, giữ nguyên tên gọi Người thợ rèn nổi tiếng để phát triển công việc kinh doanh văn hóa hiệu quả. Năm ngoái, khoảng 600- 650 đám cưới đã diễn ra tại đây với đầy đủ nghi lễ truyền thống: rước dâu bằng xe ngựa trong tiếng cổ nhạc phát ra từ chiếc kèn túi, cô dâu chú rể vào phòng truyền thống cùng đặt tay xuống chiếc đe huyền thoại để người làm chứng cầm búa giơ lên, biểu trưng cho gắn kết và may mắn...

Cũng nhờ may mắn nói được tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh nên chị Lily được tuyển vào làm việc ở Famous Blacksmiths Shop. Khách du lịch châu Á qua cửa khẩu này và dừng chân ở làng Gretna Green ngày càng đông. Văn hóa bán hàng của người châu Âu nói chung thường là mỉm cười lịch lãm, tôn trọng tự do lựa chọn, khách cần hỏi gì mới trả lời. Lily am hiểu khách châu Á hơn, chủ động chào mời, giao tiếp nhiều hơn. “Thấy mình cũng gốc Á nên khách Việt, khách Trung Quốc rất mừng. Có khi chưa kịp chào họ đã kéo tay mình ra để hỏi rồi. Khi mua khăn, áo, túi, mũ lông cừu, lông dê, người châu Á đặc biệt quan tâm chất liệu, nơi sản xuất... Scotland là xứ sở của Whisky, tư vấn cho khách loại nào bán phổ biến nhất, mùi vị ra sao... khách càng thích”, chị Lily tâm sự 

Tôi biết Lily từ thời phim truyền hình bắt đầu hấp dẫn khán giả Việt. Tên thật của Lily là Kim Anh, gương mặt khá quen thuộc trong các phim Cảnh sát hình sự, Phía sau một cái chết, Gió ngược chiều, Về quê ăn tết, Thời gian công sở, chương trình Gặp nhau cuối tuần... Có giai đoạn, Kim Anh cùng lúc làm nhiều việc, đóng phim, kế toán trưởng và tham gia dịch vụ du lịch. Theo chồng về Scotland, nhiều kinh nghiệm bấy lâu vẫn cất kỹ ngủ yên. Kim Anh thổ lộ: “Chỉ khi đi làm, các kỹ năng tích lũy được mới có cơ hội thức dậy, cải thiện. Xa xứ, càng phải làm việc mới chứng minh được giá trị bản thân và người bản xứ cũng quý mến, tôn trọng mình hơn. Ví như tiếng Trung, tôi đã bỏ bẵng hơn chục năm, hóa ra vẫn sử dụng tốt. Giao tiếp rất quan trọng trong bán hàng. Cần cách gợi chuyện tự nhiên, nên giúp khách hiểu rõ sản phẩm ấy gắn với văn hóa địa phương thế nào và vì sao nên mua. Từng đóng phim nên tôi cũng tự tin hơn khi giao tiếp, hòa nhập cuộc sống mới ở Scotland, và bây giờ là hòa nhập với đồng nghiệp”.

Theo LÂM VĂN
SGGP
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com