Hung tin đã đến với chị Thu Hằng (34 tuổi), vì ngôi nhà chị gắn bó suốt những năm qua tại Fort Myers, bang Florida đã nằm trên đường đi của bão Ian.
Trở về từ nơi sơ tán, chị Hằng vẫn nuôi tia hy vọng mong manh rằng căn nhà sẽ vô sự, dù chị biết điều đó gần như là không thể. Lòng chị nặng trĩu khi tận mắt chứng kiến nước quanh nhà dâng cao tới ngực.
Phải 2 ngày sau, khi nước rút bớt tới ngang đầu gối, chị Hằng và gia đình mới có thể lội vào trong để “giải cứu” những đồ đạc còn dùng được.
“Nhà tôi tan hoang hết rồi”, chị Hằng kể với Zing qua điện thoại vào sáng 3/10 (giờ địa phương). “Đây là lần đầu tiên gia đình tôi trải qua cơn bão như vậy”.
Không món đồ nào còn ở nguyên vị trí. Tivi, tủ lạnh và ghế sofa ngả nghiêng trên nền nhà dính đầy bùn đất. Trên tường in hằn những vết nước để lại cao ngang ngực. Giữa những ngổn ngang ấy, gia đình chị Hằng cố tìm quần áo còn sạch cho những ngày tới nhưng hầu hết “toàn một màu đen thui, bốc mùi như nước cống”.
Đường đi của bão Ian. Đồ họa: BBC.
Gia đình chị Hằng nằm trong số những người không may chịu thiệt hại nặng nề khi bão Ian quét qua bang Florida vào cuối tháng 9.
Một số khu vực tại đây bị san phẳng, trong khi ít nhất 100 người đã thiệt mạng ở Florida.
Hạt Lee, nơi bão Ian trực tiếp đánh vào và là khu vực bao gồm thành phố Fort Myers nơi chị Hằng sống, chịu thương vong lớn nhất, với 55 nạn nhân thiệt mạng.
“Tôi thức trắng những đêm qua”
Đường đi của bão Ian rất khó đoán. Ban đầu, Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ dự báo cơn bão nhiều khả năng đánh vào vùng Vịnh Tampa của Florida. Nhưng sau một thời gian ngắn, cơn bão dịch về phía nam và đi qua hạt Lee, cách Vịnh Tampa khoảng hơn 140 km.
Theo ABC News, giới chức hạt Lee đã hứng chỉ trích vì chờ tới hôm 27/9 mới ra lệnh sơ tán bắt buộc, chưa đầy 24 giờ trước khi bão Ian dự kiến đổ bộ vào đây với sức gió hơn 240 km/h. Dù vậy, thống đốc Florida bảo vệ giới chức hạt Lee vì đã hành động nhanh khi có dự báo mới.
Chị Hằng cùng bố và con gái nằm trong 2,5 triệu hộ gia đình ở Florida được lệnh sơ tán trước bão Ian. Sáng 27/9, cả gia đình chị lên đường nhưng chỉ mang theo 2 vali quần áo cùng các giấy tờ quan trọng, không kịp cứu những đồ đạc khác.
Khi xe đã lăn bánh, chị Hằng cũng không biết sẽ đi đâu cho tới khi được giúp đỡ. “Trên đường, tôi livestream và có nói đang đi sơ tán. Lúc này có một mạnh thường quân mời tới nhà tránh bão ở thành phố Atlanta (cách Fort Myers hơn 900 km - PV)”, chị kể.
Khung cảnh ngổn ngang tại nhà chị Hằng sau khi bão Ian đổ bộ.
Đường sơ tán của gia đình chị Hằng không mấy suôn sẻ.
“Tôi bị kẹt xe 3 tiếng trên đường sơ tán và cũng phải xếp hàng chờ đổ xăng mất cả tiếng. Lúc đó tôi chỉ sợ cơn bão đến sát sau lưng hoặc bị cướp xe”, chị Hằng kể.
Khi đã an toàn ở Atlanta, chị Hằng vẫn lo lắng trong suốt những ngày tiếp theo. Chị biết căn nhà của mình chỉ cách bờ biển 2 phút đi bộ nên gần như chắc chắn sẽ chịu thiệt hại. “Những đêm vừa qua tôi thức trắng không ngủ được. Nước mắt cứ rơi xuống”, chị kể.
May mắn hơn chị Hằng, nhà anh Duy Long - 45 tuổi, cũng trú tại Fort Myers - không gặp thiệt hại lớn vì ở xa bờ biển, chỉ bị sập mái tôn nơi đậu xe. Dù vậy, anh cũng bất ngờ vì bão đổi hướng gấp nên không kịp chuẩn bị sơ tán.
“Tôi cảm thấy mình là trong số người rất may mắn”, anh Long nói. “Là người từng trải qua nhiều cơn bão như Katrina và Irma, tôi thấy cơn bão lần này không gây mưa nhiều nhưng gió rất mạnh. Ra đường sau khi bão qua, tôi thấy gió thổi bay nhiều tấm mái tôn khiến chúng bị quăng quật và uốn cong 'như miếng bánh tráng cuốn'”.
Giống như anh Long, chị Phương Uyên - sống tại Sarasota, Florida - cho biết nhà chị may mắn không có thiệt hại gì sau bão. Tuy nhiên, chị cho hay chỉ cần lái xe khoảng 5-10 phút sẽ chứng kiến cảnh tượng khác.
“Dãy hàng rào mấy nhà liền bị sập toàn bộ, cây đổ ra đường, đè lên xe hay thậm chí cả một góc nhà. Chỗ tôi bị nhẹ mà còn ảnh hưởng tới mức đó”, chị nói.
Chị Uyên cho biết thêm căn nhà một người bạn - nằm ở khu vực giữa Sarasota và tâm bão - đã bị hư hại tới mức không thể ở được.
“Bạn tôi ở California mới mua căn nhà này cách đây mấy tháng. Sau bão, tôi xuống xem hộ bạn thì thấy mái nhà bay toàn bộ, mưa lớn trút xuống làm nhà ngập đầy nước, hoang tàn hết cả. Bạn tôi đang rất lo”, chị trầm ngâm.
Mái nhà bạn chị Uyên bay mất sau khi bão Ian đi qua.
“Gia đình tôi sống 7 ngày không có điện”
Tại thời điểm trò chuyện với Zing, nhà chị Uyên vừa có điện trở lại. Suốt 7 ngày qua, cả gia đình chị đã sống trong cảnh không có điện.
“Tôi không ngờ mất điện lâu đến thế, không nghĩ là mình cần tới máy phát điện. Tuy vậy, tôi cũng không dùng máy phát điện vì không muốn trữ quá nhiều xăng trong nhà, và sợ ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe 3 đứa con”, chị nói.
Chị Uyên cho biết việc mất điện với chị không gây ra bất tiện nào quá lớn, ngoài việc phải tắm nước lạnh. Tuy nhiên, với chồng chị và các con, mất điện đồng nghĩa với việc không có wifi, cũng như không có các thiết bị làm mát để sử dụng khi nóng bức.
“Mấy đứa con tôi cứ ‘dụ’ mẹ sang nhà bạn chơi để có điện dùng. Nhà đó khá gần nhà tôi, nhưng mà lại có điện ngay sau bão 2 ngày”, chị kể vui.
Mất điện kéo theo cả mất mạng và sóng điện thoại yếu. Chị Uyên cho biết trong 7 ngày qua, chị không xem được tin tức, nhắn tin và gọi điện cũng gặp khó khăn. “Tôi đăng ký loại sóng mạng chất lượng nhất, nhưng mấy tháp sóng này bị đánh gãy trong bão, nên thành ra mạng của mình lại bị yếu nhất”, chị nói.
Ngoài ra, dù có chuẩn bị cục sạc điện thoại dự phòng, chị Uyên cũng không thể sử dụng điện thoại một cách thoải mái. “Có lúc tôi phải dùng ôtô để sạc điện thoại. Chồng tôi có buổi tối còn phải nằm trong xe canh điện thoại giúp tôi”, chị cho hay.
Tuy nhiên, điện thoại chị Uyên vẫn liên tục nhận được thông tin liên quan tới bão dù không có mạng.
“Cứ 30 phút, hoặc lâu hơn là 1-2 tiếng, thì tin nhắn cập nhật tự động hiện lên điện thoại với âm thanh rất to. Sau bão 2-3 ngày thì mạng điện thoại ổn hơn một chút, lúc đó chính quyền gửi thêm thông tin vào hộp thư thoại và email tới mọi người dân”, chị cho hay.
Chị Uyên cho biết một ngày sau bão, nhiều kệ hàng trong siêu thị trống không. Ngoài quán rượu, cửa hàng, siêu thị, nhà hàng,... đều đóng cửa.
Chị Uyên đánh giá chính quyền Florida xử lý thiệt hại và hỗ trợ người dân rất nhanh. Chị nói giới chức đã tạo chốt phát đồ ăn và phát nước, đồng thời dùng trường học làm nơi ở tạm cho gia đình bị mất nhà vì bão.
“Họ cũng kêu gọi người dân chung tay giúp đỡ khi lập danh sách đồ dùng cần quyên góp, như kem đánh răng, bàn chải, chăn gối,... vào email cho mình để ai có điều kiện đóng góp thì mang tới”, chị cho hay, nói thêm ngay khi bão đi qua, chính quyền đã dọn dẹp đường phố để cho xe lưu thông.
“Có những nơi chính quyền chưa kịp hỗ trợ thì người dân đi qua, chỉ cần thấy ngổn ngang là họ dừng xe, xắn tay vào cùng nhau dọn dẹp con phố đó”, chị nói thêm.
Dù mất điện lâu ngày, chị Uyên cảm thấy không có gì để phàn nàn khi chứng kiến nỗ lực của nhân viên công ty điện lực.
“Công ty điện mà nhà tôi đăng ký sử dụng vận động hàng nghìn nhân viên ngày đêm sửa đường điện, nên tôi không có gì để phàn nàn vì sao điện lâu có đến vậy”, chị chia sẻ.
Chị Uyên kể thêm vào buổi chiều ngày chia sẻ với Zing, “đang ngồi trong nhà, đèn bật mà cảm thấy lạ lạ”: “Tôi bảo con là có điện rồi, thế là mấy đứa la hét ầm nhà. Mấy mẹ con ra ngoài thấy họ đang sửa điện trong khu nhà, vậy là vẫy tay cảm ơn rối rít, cảm giác như sắp khóc luôn vậy”.
Cũng giống chị Uyên, với gia đình anh Long, việc có điện sau 4 ngày “vui như trúng số”. “2 đứa trẻ rất mừng, chạy vòng vòng quanh nhà luôn”, anh kể.
Chị Uyên cho biết đây là lần đầu tiên gặp bão lớn nên chưa có nhiều kinh nghiệm chống bão.
“Tôi tự mình rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho lần tới tốt hơn. Bài học lớn nhất là việc tôi tích trữ rất nhiều đồ tươi trong tủ lạnh trong khi điện mất quá lâu. Tới ngày hôm qua (ngày thứ 6 không có điện), tôi phải dọn tổng 3 cái tủ, một tủ lạnh thường và 2 tủ đông trữ đồ ăn. Vừa cực mà vừa lãng phí”, chị kết luận.
Cây cối, trạm xăng đổ sập sau bão.
“Ít nhất mình còn mạng sống”
Đối với chị Uyên, bão Ian khiến cuộc sống của cả gia đình bị gián đoạn.
“Công việc của tôi gần như dừng lại khiến kinh tế bị ảnh hưởng. Trường học của các con cũng đóng cửa, khiến các bé rất buồn. Hai đứa con nhỏ dự định ngày 10/10 sẽ đi học lại, còn trường học của con trai cả có vẻ bị hư hại nặng hơn và vẫn đang sửa chữa, chưa có thông báo gì”, chị Uyên chia sẻ, nhưng nói thêm những gián đoạn của mình “không đáng” để kể so với nhiều người không may mắn bị ảnh hưởng lớn vì bão.
Dẫu vậy, đằng sau những bất tiện như mất điện hay cắt mạng gây ra, chị Uyên vẫn thầm “cảm ơn trời Phật vì đã che chở” cho cả nhà bình an.
“Nhà tôi chỉ có mỗi nhiệm vụ đi quanh dọn mấy cành cây khô rơi rụng. Mấy nhà xung quanh có thiệt hại, nhưng thật may là nhà tôi không sao. Nhà tôi gần biển, chạy xe chỉ mất 8 phút mà không bị ngập”, chị nói.
Chị Uyên cho biết sẽ đi mua một số đồ dùng cần thiết để đem tới gửi cho mọi người trong chỗ ở tạm. “Cầu mong họ sẽ có đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn. Thấy gia đình tôi may mắn nên mai tôi sẽ dẫn mấy đứa nhỏ đi mua đồ chia sẻ bớt với họ. Thương họ lắm. Nhiều tối tôi ngủ không được vì nghĩ mà thương”, chị nói.
Xe công ty sửa điện đậu gần nhà chị Uyên chiều 4/10.
Còn chị Hằng, do không còn nơi ở, gia đình chị đang phải trải qua khoảng thời gian lang thang, sống nhờ nhà những người quen ở Florida. Mối lo lớn nhất của chị lúc này là về tài chính.
“2 tuần trước khi bão vào, tôi đã không đi làm vì lo trị bệnh cho bố và con gái”, chị kể. “Hiện tôi mỗi tháng vẫn phải trả góp tiền mua nhà và mua ôtô. Tôi có mua bảo hiểm cho căn nhà nhưng phía công ty chưa phản hồi vì còn hàng trăm người khác đang yêu cầu chi trả”.
Chị Hằng nói hiện mỗi ngày phải chi khoảng 20 USD tiền xăng và tới 30 USD tiền thực phẩm, trong khi trên người lúc này chỉ còn hơn 100 USD tiền mặt.
Chị dự định xếp hàng nhận đồ cứu trợ nếu thật sự hết tiền và sẽ đi làm cho các tiệm nail khi họ mở cửa trở lại.
Không riêng chị Hằng phải đối mặt khó khăn tài chính. Với những đợt triều cường cao hơn 3 m và lượng mưa hơn 50 cm, cơn bão Ian đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về tài sản tại bang Florida, bên cạnh thiệt hại về người.
Chỉ riêng Florida, bão Ian đã buộc các hãng bảo hiểm phải trả ước tính hơn 60 tỷ USD cho các tài sản cá nhân bị hư hại, trở thành sự kiện gây thiệt hại cao thứ hai trong lịch sử bang này, Washington Post dẫn dữ liệu từ Viện Thông tin Bảo hiểm - một hiệp hội thương mại ở Mỹ.
“Tôi đã về nhà 4 lần, lần nào cũng thấy tim mình thật mệt nên chưa biết bắt đầu dọn dẹp từ đâu. Nhà cửa như vậy, tôi không biết sau này ra sao và có sống ở đây nữa không”, chị nói. “Ít nhất mình còn mạng sống”.
Theo Quốc Đạt - Phương Linh
Ảnh: NVCC
Zingnews